Lập nhóm “anh em siêu nhân” để mua bán xăng lậu
Theo cáo trạng, Nguyễn Hữu Tứ (người phân phối phần lớn trong số hơn 197 triệu lít xăng nhập lậu từ Singapore về Việt Nam) đã liên hệ, bán xăng nhập lậu cho Lê Thanh Trung (Giám đốc Cty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP). Để hợp thức hóa việc vận chuyển xăng nhập lậu, Tứ và Trung thỏa thuận sử dụng pháp nhân của Cty TNHH TMDV XNK Phúc Thịnh do Trung thành lập nhằm hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ vận chuyển xăng nhập lậu để đối phó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.
Quá trình hoạt động, Trung còn điều động nhân viên đang làm việc tại các công ty xăng dầu khác thực hiện quản lý toàn bộ số liệu nhập, xuất và thông tin khách hàng mua xăng nhập lậu tại kho Nam Phong. Trung đã trang bị cho nhân viên điện thoại yêu cầu cài đặt sẵn ứng dụng WhatsApp cho từng máy để thực hiện công việc theo sự chỉ đạo của Trung. Nhân viên của Trung đã tạo nhóm chat “Anh em siêu nhân” trên ứng dụng WhatsApp để trao đổi công việc nhập, xuất xăng nhập lậu theo sự chỉ đạo của Trung. Ngoài số tiền lương theo hợp đồng, mỗi tháng, Trung trả thêm cho mỗi người từ 35 triệu đồng đến 60 triệu đồng…
Cơ quan chức năng xác định từ tháng 3/2020 – 2/2021, Lê Thanh Trung giúp Nguyễn Hữu Tứ quản lý, tiêu thụ hơn 100 triệu lít xăng, thu lợi gần 56 tỷ đồng.
Tại toà, bị cáo Trung khai, khi Tứ bán hàng cho Trung, Trung biết hàng không hoá đơn chứng từ nhưng không biết nguồn gốc từ đâu. Trung thừa nhận có mua hàng hoá của bị cáo Tứ 2 giai đoạn, từ tháng 3/2020 – 5/2020, mua hơn 5 triệu lít và từ tháng 7/2020 – 2/2021, mua gần 20 triệu lít.
“Theo thoả thuận, bị cáo Tứ bán xăng cho bị cáo theo từng thời điểm, trung bình giá thấp hơn giá thị trường từ 2.000 đồng – 2.300 đồng/lít. Trong làm ăn, bị cáo hám lợi nên bất chấp, mặc dù biết hàng không hoá đơn chứng từ”... “Đến khi bị bắt, bị cáo mới biết là hàng nhập lậu. Bị cáo tiêu thụ hàng nhập lậu nên rất ân hận.” - Trung khai.
Theo cáo trạng, sau khi mua hàng của Tứ, Trung cho xuất hàng về các cửa hàng bán xăng lẻ của bị cáo để bán ra thị trường và bán cho các khách hàng có ký hợp đồng với mình (đều có đầy đủ hoá đơn chứng từ, lấy danh nghĩa Công ty SFT ở Cần Thơ).
Tương tự Trung, vợ chồng bị cáo Trần Thị Thanh Vân (Giám đốc Cty Vân Trúc, Bình Dương) cũng là một trong những đầu mối tiêu thụ xăng cho Phan Thanh Hữu. Theo cáo trạng, năm 2006 Vân cùng chồng là Lê Thanh Tú thành lập Cty Vân Trúc với ngành nghề kinh doanh xăng dầu, trụ sở tại TP Thuận An (Bình Dương). Cuối năm 2019, Hữu đến Bình Dương, đặt vấn đề bán xăng nhập lậu cho vợ chồng Vân với giá thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường là 3.000 đồng/lít.
Sau đó, vợ chồng Vân đã liên hệ với Tứ để lấy xăng. Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, vợ chồng Vân đã mua tổng cộng 35 triệu lít xăng lậu, thu lợi bất chính 17,9 tỷ đồng.
Tại tòa, vợ chồng bị cáo Vân đều thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. Trả lời câu hỏi của VKSND về việc đã chỉ đạo nhân viên đốt hết giấy tờ, sổ sách liên quan đến hoạt động buôn xăng lậu, bị cáo Vân đáp: “Lúc đó hoảng loạn, sợ quá nên bị cáo đã yêu cầu nhân viên tiêu hủy nhiều giấy tờ”. Sau đó, bị cáo Vân xin tòa xem xét, cho bị cáo xin lại 2 tỷ đồng số tiền nộp dư khi khắc phục hậu quả trước đó.
Chuyển hộ tiền, được cho 12 tỷ đồng?
Theo cáo trạng, Trần Ngọc Thanh chung sống như vợ chồng với Nguyễn Hữu Tứ. Quá trình chung sống, Tứ nhờ Thanh chuyển tiền bán xăng nhập lậu vào tài khoản cho Tứ. Cơ quan chức năng xác định từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021, Thanh đã 92 lần giúp Tứ chuyển trả tiền bán xăng nhập lậu vào tài khoản của Phan Thanh Hữu và Phan Lê Hoàng Anh (con Hữu) tổng số tiền 377 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng, Thanh biết rõ việc Tứ mua bán xăng nhập lậu với Hữu do Tứ nói cho Thanh biết. Do đó, VKS cáo buộc Thanh phải chịu trách nhiệm cùng Tứ đối với số lượng hơn 166 triệu lít xăng nhập lậu, có tổng trị giá là hơn 2.172 tỷ đồng.
Nhờ việc giúp Tứ chuyển tiền mua xăng nhập lậu cho Hữu và Phan Lê Hoàng Anh, nên từ tháng 7/2020 đến đầu tháng 2/2021, Thanh được chồng “hờ” tặng cho 2 tỷ đồng/tháng. Tổng cộng Thanh đã nhận của Tứ 12 tỷ đồng.
Sau bục khai báo, lúc đầu bị cáo Thanh kêu oan, cho rằng cáo trạng truy tố không đúng. Thanh khẳng định bản thân không liên quan, không giúp sức chồng hờ buôn lậu xăng dầu và không được hưởng lợi gì và “chỉ chuyển tiền hộ”.
Quá trình khai báo, Thanh nói bản thân làm không công cho bị cáo Tứ mà không được lợi ích gì. “Bị cáo Tứ có cho bị cáo số tiền 12 tỷ nhưng bị cáo nói mình không có công gì nên chỉ cầm giùm cho bị cáo Tứ, khi nào bị cáo Tứ lấy lại thì bị cáo trả lại” – bị cáo Thanh khai. Sau đó, Thanh xác nhận tự nguyện nộp lại số tiền trên vì đó không phải là tiền của bị cáo.
Sau khi đại diện VKSND phân tích, giải thích hành vi đồng phạm, giúp sức cho Tứ, Thanh đã thừa nhận hành vi của mình, không kêu oan nữa.
Trong khi đó, bị cáo Tứ thừa nhận bản thân sống như vợ chồng với Trần Ngọc Thanh. Tuy nhiên, Tứ khai số tiền 12 tỷ đồng chỉ là “gửi” cho Thanh, chứ không phải tặng 2 tỷ đồng mỗi tháng cho Thanh.
Về số tiền gần 40 tỷ đồng mà con của Thanh đứng tên và số tiền 47 tỷ đồng của Thanh đứng tên, bị cáo Tứ cho biết, Thanh cũng có buôn bán, một số bạn bè thân quen của Thanh cần tiền để đáo hạn ngân hàng thì Thanh cho họ mượn.
Quá trình khai báo, bị cáo Tứ cho rằng không phải lần nào Thanh chuyển tiền cho Hữu cũng là chuyển tiền buôn lậu xăng dầu. “Thực tế, một số lần Hữu gọi điện cho bị cáo để mượn tiền, lúc đó bị cáo bận đi tiếp khách nên có nhờ Thanh chuyển cho Hữu rồi sau đó bị cáo về Cần Thơ thì chuyển trả lại cho bị cáo Thanh, chứ không phải chuyển tiền buôn lậu xăng dầu. Tiền đó là tiền của Thanh mà bị cáo mượn” – bị cáo Hữu nói tại tòa.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.