Sáng 29/8/2017, tại phiên xét xử, Luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) đã nộp đơn kiến nghị và cung cấp chứng cứ chứng minh hồ sơ của vụ án có tài liệu bị đánh tráo. Sự việc được báo chí đưa tin, một lần nữa gợi nên sự băn khoăn của giới quan sát, về việc có còn hay không những ẩn số, hay khoảng tối trong hồ sơ của vụ án.
Cũng theo thông tin từ một số cơ quan báo chí, trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không thành khẩn thừa nhận kết quả điều tra và cáo buộc dành cho mình. Thái độ này có phải là quanh co, chối tội như đánh giá của Cơ quan Điều tra hay xuất phát từ những vấn đề, uẩn khúc mà bị cáo Sơn thấy chưa phục, chưa thỏa đáng?
Lãi suất ngoài và lãi suất vượt trần.
Cáo trạng của VKS mô tả các bị cáo đã chi lãi vượt trần và lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho nhiều khách hàng (trái quy định), gây thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng cho OceanBank.
Tại phiên xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, các bị cáo đều cho rằng việc chi lãi ngoài là để cứu ngân hàng, muốn ngân hàng phát triển; kết quả kinh doanh của các chi nhánh có lãi, chia cổ tức cho cổ đông...
“Tình hình lúc đó rất căng! Có thời điểm xe của ngân hàng khác đỗ trước cửa Ocean Bank để chờ khách hàng rút tiền chở đi, nên việc chi lãi ngoài là để giữ chân khách hàng, để cứu ngân hàng... Bị cáo mong HĐXX xem xét đó không phải là thiệt hại còn nếu là thiệt hại thì là của ngân hàng Đại Dương, bị cáo nắm 63% cổ phần ngân hàng nên 63% thiệt hại thuộc về bị cáo”, bị cáo Hà Văn Thắm biện minh trước Tòa.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga – nguyên kế toán trưởng của Ocean Bank cho biết, nếu không chi số tiền này, hệ lụy với ngân hàng không chỉ là hơn 2.000 nhân viên Ocean Bank mà cả hệ thống tài chính ngân hàng. Bản thân NHNN còn đang lúng túng với các chính sách điều hành, thời điểm đó Ocean Bank dừng lại, bị đổ vỡ và ảnh hưởng tới cả hệ thống NH Việt Nam. “Bị cáo muốn HĐXX và cơ quan chức năng có cái nhìn để thấu hiểu rằng hành động của các bị cáo là giúp cho hệ thống ngân hàng chứ không phải gây hại…”, bị cáo Nga khai trước tòa.
Tổng cộng, CQĐT xác định từ 2011 tới 2014, có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế nhận tiền lãi ngoài, sai quy định từ OceanBank. Công an đã gửi yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu tới các tổ chức kinh tế nói trên nhưng đến nay mới có 143 tổ chức trả lời. Trong đó, có 19 tổ chức kinh tế khẳng định có nhận lãi ngoài từ OceanBank và trả lại hơn 3 tỷ, 124 tổ chức trả lời không nhận tiền lãi ngoài.
Đặc biệt, CQĐT khẳng định trong số khách hàng nhận tiền sai quy định từ OceanBank có nhiều khách có tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế nhiều vốn Nhà nước. Các tổ chức này chủ yếu thuộc 2 nhóm PVN và SBIC. Việc này có dấu hiệu thông đồng giữa nhóm doanh nghiệp có vốn Nhà nước và lãnh đạo, nhân viên OceanBank nhằm nhận các khoản lãi ngoài rồi để ngoài sổ sách kế toán, hưởng lợi bất chính.
Mối quan hệ đặc biệt PVN – Ocean Bank
Trước đó, Nguyễn Xuân Sơn hiện diện tại Ocean Bank với tư cách là nhân sự cao cấp, còn đại diện sở hữu vốn của PVN lại là người khác. Vì vậy, đánh giá về hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Sơn, không thể không xem xét đến mối quan hệ giữa PVN và Ocean Bank.
Quay trở lại thời điểm trước đó, chỉ trong tháng 8 và tháng 9 năm 2008, PVN đã hủy bỏ kế hoạch thành lập mới Ngân hàng TMCP Hồng Việt, đồng thời thoái vốn (9,5%) tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP-Bank) để trở thành cổ đông lớn nhất (20%vốn góp) trong Ocean Bank và là chỗ dựa tài chính cốt tử của Ngân hàng này.
Theo thông tin từ Viettimes (trang thông tin điện tử của hội truyền thông số Việt Nam), “Thực tế, chỉ một năm sau ngày “se duyên” với PVN, quy mô huy động của Ocean Bank đã tăng lên gấp bội.
Nếu như tại thời điểm cuối năm 2008, tổng huy động thị trường 1 (tiền gửi khách hàng) mới là 6.412 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2009, con số tương ứng đã gấp khoảng 4 lần, lên mức 23.377 tỷ đồng.
Chẳng hạn, tính đến cuối năm 2010, trong tổng số 42.338 tỷ đồng tiền gửi khách hàng mà Ocean Bank huy động được thì PVN (hợp nhất cả tập đoàn mẹ và các công ty con) đã đóng góp đến 35,3%, với 14.934 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2011, quy mô tiền gửi của PVN tăng lên 21.098 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,7% tổng huy động của Ocean Bank.
Đến cuối năm 2012, con số tiếp tục tăng lên 24.149 tỷ đồng, tỷ trọng là 55,8%.
So với tổng quy mô tiền và các khoản tương đương tiền của PVN tại thời điểm 31/12/2012 là 105.373 tỷ đồng, cộng thêm 9.223 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 12 tháng tại tất cả các tổ chức tín dụng, Ocean Bank - ngân hàng từng được miêu tả là “khả năng cạnh tranh thấp” - đã khai thác được khoảng 1/5 “mỏ tiền” PVN.
Vì phần lớn nguồn tiền gửi ngân hàng của PVN đều là tiền gửi thanh toán hoặc có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống nên có thể hiểu, lãi suất huy động là khá rẻ. Hay nói cách khác, “mỏ tiền” PVN không chỉ có quy mô khổng lồ mà chất lượng dòng vốn cũng là rất ấn tượng.
Đặc biệt, trong cơ cấu tài chính của PVN có một quỹ gọi là Quỹ thu dọn mỏ, được thành lập theo Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg ngày 31/3/2007, tập hợp số tiền đóng góp của các nhà thầu dầu khí nhằm đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện”.
Khoảng tối?
Trong tổng số hơn 1.576 tỷ đồng thiệt hại của Ocean Bank do phải chi trả lãi ngoài và lãi suất vượt trần để thu hút và giữ chân tiền gửi của khách hàng, Nguyễn Xuân Sơn bị cáo buộc là đã chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng.
Theo lời khai của Hà Văn Thắm, khi đã là Tổng giám đốc Ocean Bank, Nguyễn Xuân Sơn bàn với Thắm thực hiện hai vấn đề nếu muốn huy động được nguồn vốn khổng lồ của PVN. Thứ nhất, Ocean Bank phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoãi lãi suất tiền gửi theo quy định. Thứ hai, phải giao cho Sơn toàn quyền quyết định về mức chi và cách chi cụ thể, không cần bàn bạc, xin ý kiến của Thắm.
Do là ngân hàng có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong huy động vốn nên Thắm chấp thuận để khoảng 1% tổng số tiền huy động được để Sơn tự quyết, nhằm huy động được tiền của nhóm khách hàng thuộc PVN. Để có tiền chi cho các khoản này, Thắm đã thông qua các công ty con của mình, chỉ đạo các bị can khác thực hiện các thao tác kỹ thuật để thu phí dịch vụ của khách hàng vay tiền và “phù phép” nhiều hợp đồng dịch vụ khống nhằm rút tiền của Ocean Bank - giao cho Sơn chủ động chi lãi suất ngoài trong quá trình huy động vốn.
Trong giai đoạn đầu của vụ án, Nguyễn Xuân Sơn khai đã nhận khoảng 200 tỷ đồng của Ocean Bank thông qua một người tên là Thắng, trong số này đã giao khoảng 120 tỷ cho kế toán của PVN vào thời điểm này (ông Ninh Văn Quỳnh), để thực hiện cái gọi là “chăm sóc khách hàng” trong nhóm PVN. Phần còn lại khoảng 80 tỷ, Sơn nhờ một người khác giữ giúp, tới năm 2015 đã nhận lại hết.
Tuy nhiên, ông Ninh Văn Quỳnh phủ nhận việc này. Vào hồi tháng 3/2017, tại Tòa án, ông Quỳnh khẳng định không chịu bất kỳ áp lực nào, cũng chưa bao giờ nhận tiền chăm sóc khách hàng cũng như chưa từng nhận tiền tại Ngân hàng Đại Dương.
Về quan hệ với bị cáo Sơn - thành viên của PVN, ông Quỳnh cho biết giữa hai người có mâu thuẫn và luôn có sự cảnh giác nhau trong công việc. Theo ông Quỳnh, năm 2010, khi PVN bổ nhiệm Tổng giám đốc phụ trách tài chính, cả ông Quỳnh và bị cáo Sơn đều nằm trong diện quy hoạch.
Lúc bấy giờ nhiều người giới thiệu ông Quỳnh vào chức danh này. Ông Quỳnh tự tin sẽ được bổ nhiệm vì “năng lực uy tín tôi hơn anh Sơn”. Tuy nhiên, sau đó Nguyễn Xuân Sơn lại được bổ nhiệm vào chức vụ trên vậy nên giữa hai người xảy ra mâu thuẫn. Ông Quỳnh cho biết thêm, khi ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc của PVN, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn vẫn đang giữ chức danh Tổng giám đốc. Ông Quỳnh cũng cho rằng, mình không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ Sơn.
Phủ nhận từ ông Ninh Văn Quỳnh đã khiến Nguyễn Xuân Sơn không thể chứng minh bản thân mình sử dụng số tiền nhận từ Ocean Bank vào mục đích “chăm sóc khách hàng” (chứ không phải chiếm đoạt -PV). Vì vậy, Nguyễn Xuân Sơn bị cáo buộc đã chiếm đoạt số tiền này, trong bối cảnh Cơ quan Điều tra cũng không làm rõ việc bị cáo Sơn sử dụng số tiền như thế nào. Phải chăng bị cáo Sơn cho rằng đây là cáo buộc dựa trên suy đoán bất lợi cho bị cáo?
Do Nhà nước có 20% trong cơ cấu vốn của Ocean Bank, nên trong số tiền hơn 246 tỷ đồng, Nguyễn xuân Sơn bị cáo buộc trách nhiệm cho hành vi chiếm đoạt 49 tỷ đồng về tội “tham ô tài sản”, trách nhiệm cho hành vi chiếm đoạt 197 tỷ đồng về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Trên thực tế, CQĐT đã làm rõ việc Ocean Bank phải chi trả lãi ngoài và lãi vượt trần để thu hút tiền gửi là có thật. CQĐT xác định có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế nhận tiền lãi ngoài sai quy định từ Ocean Bank.
Bên cạnh đó, cơ quan công an đã gửi yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu tới các tổ chức kinh tế nói trên nhưng đến nay mới có 143 tổ chức trả lời. Trong đó, có 19 tổ chức kinh tế khẳng định có nhận lãi ngoài từ Ocean Bank và trả lại hơn 3 tỷ, 124 tổ chức trả lời không nhận tiền lãi ngoài.
Kết quả điều tra cho thấy, không phải khách hàng nào cũng trung thực khi khai nhận về lãi suất ngoài hợp đồng mà mình được hưởng. Cho nên rất khó tin việc các “ông lớn” tại PVN lại khách quan, vô tư trong mối quan hệ đặc biệt và những ưu ái mà PVN dành cho Ocean Bank như đã trình bày ở phần trên. Qua đó cho thấy rất khó tin Nguyễn Xuân Sơn lại có thể hưởng trọn số tiền 246 tỷ từ Ocean Bank mà không “chăm sóc khách hàng” cho cá nhân, đơn vị nào.
Khi chưa thể biết được đầy đủ số tiền chi lãi ngoài, lãi vượt trần của Ocen Bank đi đâu, về đâu? Khi trách nhiệm của những ai hưởng lợi tiền lãi ngoài, lãi vượt trần từ Ocean Bank còn bỏ ngỏ thì việc cho rằng Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng có lẽ vẫn chỉ là suy đoán.
Nếu vào một thời điểm nào đó, các cơ quan chức năng chứng minh được rằng, Nguyễn Xuân Sơn đã dùng một phần số tiền này để “chăm sóc khách hàng” như thỏa thuận với Hà Văn Thắm, thì số tiền mà Sơn chiếm đoạt (nếu có) sẽ không phải là 246 tỷ đồng nữa và cáo buộc hiện tại của VKS sẽ không còn chính xác, khách quan, đúng người đúng tội theo quy định của pháp luật.