Mười năm chưa thỏa thuận được giá bồi thường
Mười năm qua, 10 hộ dân có đất, nhà ở bị giải tỏa trong dự án xây dựng trường THPT và dạy nghề Tân Hòa tại phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai do Công ty TNHH Thương mại – Dịch Vụ Minh Nhã (Cty Minh Nhã) làm chủ đầu tư vẫn chưa chấp nhận việc bồi thường đưa ra. Họ cho rằng đây là dự án tư nhân nên việc chính quyền ra quyết định áp giá bồi thường, cưỡng chế là không đúng pháp luật.
Theo hồ sơ, năm 2007, dự án được phê duyệt. Trong quyết định phê duyệt tổng thể năm 2007, tỉnh Đồng Nai lại nêu rõ giá bồi thường đất, nhà ở. Văn bản nêu đây là giá bồi thường tổng thể không phải áp dụng chi trả cho các hộ dân. Năm 2008, tỉnh ban hành quyết định về việc thu hồi đất để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Đây là dự án tư nhân do Cty Minh Nhã đầu tư vốn 100% với diện tích đất hơn 9.000m2, trong đó khoảng 4.500 m2 đất công, còn lại là đất thổ cư và đất lâm nghiệp của người dân.
Năm 2010, dự án được giao đất đợt 1 là phần đất công. Để thuận lợi việc xây dựng dự án đợt 1, chủ đầu tư thỏa thuận mua lại đất của 3 hộ dân với giá 1 triệu đồng/m2. Việc thỏa thuận này được chấp nhận.
Đến năm 2011, UBND TP Biên Hòa ra quyết định bồi thường cho những hộ dân còn lại với số tiền 85.000 đồng/m2 đất nông nghiệp. Việc áp giá bồi thường này vấp phải sự phản đối, khiếu nại. Theo bà Nguyễn Ngọc Nga, một hộ dân có đất bị thu hồi:
“Chủ đầu tư chưa từng thỏa thuận với chúng tôi. Một dự án tư nhân nhưng chính quyền can thiệp quá sâu, đưa ra giá cả bồi thường. Dự án tư nhân thì chủ đầu tư phải thỏa thuận nhận lại sự chuyển nhượng của người dân chứ chính quyền không có quyền đưa ra giá bồi thường”.
Còn theo ông Hoàng Văn Lập, một hộ dân khác, nói rằng đất của 10 hộ đang sử dụng nằm trong dự án là đất hợp pháp được mua bán hoặc khai phá từ những năm 1990 đến nay. Thế nhưng chủ đầu tư không hề gặp mặt, thỏa thuận, lại “mượn tay” chính quyền thay thế. “Điều này là trái với khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai quy định về đất dự án dành cho tư nhân”, ý kiến ông Lập.
Sau khi người dân khiếu nại, đến năm 2012, ông Nguyễn Ngọc Hưng, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Cty Minh Nhã mới tiến hành gặp gỡ, trao đổi với người dân. Tại cuộc họp, ông Hưng có viết giấy tay cho rằng từng thỏa thuận mua lại đất của 3 hộ dân vào năm 2010 là 1 triệu đồng/m2 nên nay sẽ áp dụng giá đất đối với các hộ còn lại. Việc thỏa thuận này không thành vì người dân cho rằng giá 1 triệu đồng/m2 là quá thấp so với giá đất thị trường tại khu vực về cùng loại đất. Sau đó ít ngày, chủ đầu tư đổi quyết định, không đồng ý giá này.
Việc khiếu nại kéo dài, đến năm 2013, UBND TP. Biên Hòa tiếp tục ra quyết định nâng giá bồi thường đất từ 85.000 đồng/m2 lên 187.000 đồng/m2. Đồng thời tổ chức lựa chọn những hộ dân được mua đất tái định cư. Theo đó, 8/10 hộ sẽ được mua đất tái định cư với giá đất thô chưa có cơ sở hạ tầng giá 1,5 triệu đồng/m2.
“Mới đầu, khu tái định cư được xác định cách vị trí giải tỏa khoảng 500m. Sau đó, người ta nói khu tái định cư ở đâu phường Trảng Dài (Biên Hòa) nhưng chúng tôi chỉ thấy trên sơ đồ, chứ chưa được tiếp xúc thực tế. Chính quyền yêu cầu chúng tôi bốc thăm nhưng chúng tôi không biết đất tái định cư ở đâu. Về giá đất, trong khi bồi thường có 187.000 đồng/m2 nhưng lại phải mua với giá gấp gần 10 lần. Như vậy là quá thiệt hại cho người dân. Với số tiền bồi thường quá ít, chúng tôi không thể mua tái định cư và làm nhà ổn định cuộc sống được”, ông Lập nói.
Vụ việc tiếp tục nhùng nhằng với vô số đơn từ khiếu nại gửi tới các cấp. Tuy nhiên, chưa có cấp nào trả lời đúng trọng tâm người dân cần, là sự minh bạch, là dự án tư nhân nhưng tại sao chính quyền lại can thiệp vào giá bồi thường?
Đến năm 2015, chủ đầu tư tiếp tục thỏa thuận với người dân giá bồi thường là 1,5 triệu đồng/m2. Điều này vẫn không được người dân chấp nhận vì cho rằng giá đất thị trường thời điểm đó thấp nhất cũng 3 triệu/m2. “Dù không bằng giá thị trường thì cũng phải thấp hơn chút ít thôi. Đây là dự án tư nhân thu lợi nhuận cho cá nhân chứ không phải dự án được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Dẫu biết rằng đầu tư giáo dục là việc cần thiết nhưng phải công bằng với chúng tôi”, bà Nga bày tỏ.
Dừng cưỡng chế một cách bất thường
Qua nhiều năm khiếu nại bất thành, vào năm 2016, 6/10 hộ dân nhận được quyết định cưỡng chế của chính quyền TP Biên Hòa vì cho rằng không tự nguyện di dời để thực hiện dự án. Đến năm 2017, các hộ dân còn lại cũng nhận được quyết định này. Theo đó, thông báo cưỡng chế sẽ được thực hiện vào ngày 16, 17/8/2017. Tuy nhiên, việc cưỡng chế không được thực hiện, bị tạm dừng mà không có lý do.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc cưỡng chế. Chúng tôi không chống đối nhưng sẽ khiếu nại và mất nhà thì chúng tôi sẽ tìm đến UBND phường để tạm trú. Việc cưỡng chế là sai hoàn toàn. Mới đây, trong một cuộc họp chủ đầu tư vẫn tiếp tục đưa gia giá bồi thường là 1,5 triệu đồng/m2 trong khi giá đất năm 2017 này đã là 5 triệu/m2. Chúng tôi có thể nhường lại đất cho một công trình giáo dục nhưng phải cho chúng tôi sự ổn định về cuộc sống. Bây giờ, mỗi hộ bị giải tỏa trắng gần 500 m2 đất và nhà ở mà chỉ được bồi thường có hơn 200 triệu thì sinh sống, ổn định làm sao được?” bà Nga đặt câu hỏi.
Theo người dân, 10 năm qua, do không đồng ý với giá bồi thường mà chính quyền áp đặt và chủ đầu tư thỏa thuận theo kiểu “ngồi cửa trên”, mà cuộc sống của họ bất ổn. Nhà cửa bị xuống cấp, sụt lún nghiêm trọng nhưng không được phép sửa chữa.
“Mới đây nhất, chủ đầu tư có mời chúng tôi đến làm việc và tăng giá bồi thường lên 1,8 triệu đồng/m2 nhưng chúng tôi vẫn nhất quyết không đồng ý”, một người dân nói. 10 hộ dân sau đó đã nộp đơn đến tòa án để khởi kiện quyết định cưỡng chế của UBND TP Biên Hòa vì cho rằng quyết định này không đúng pháp luật, không đúng chức năng nhiệm vụ.
Trao đổi với XLPL, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch HĐQT Cty Minh Nhã nói: “Dự án xây dựng trường THPT và dạy nghề Tân Hòa được xây dựng dựa trên quy định về việc xã hội hóa giáo dục, y tế. Tuy nhiên, do lùm xùm, trắc trở trong việc giải phóng mặt bằng nên mới chỉ thực hiện được giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành khi nào chính quyền thu hồi được mặt bằng giao cho trường”.
Ông Hưng nói đã nhiều lần thỏa thuận với người dân nhưng không được vì giá đất người dân đưa ra quá cao, Cty không thể chấp nhận.
“Việc mua lại đất của 3 hộ dân với giá 1 triệu đồng/m2 ở giai đoạn 1 là có thật. Việc thỏa thuận 1 triệu rồi 1,5 triệu đồng/m2 với 10 hộ dân cũng là có nhưng người dân không đồng ý. Do dân không đồng ý nên không đưa vào biên bản. Cty cũng mong muốn việc giải phóng mặt bằng được thực hiện sớm và hài hòa với người dân. Cty sẽ hỗ trợ những hộ dân có tái định cư về tiền cơ sở hạ tầng”, ông Hưng nói.