'Đại án' Phạm Công Danh và đồng phạm: Hàng ngàn tỷ đồng đã đi về đâu?

(PLO) - Phiên xử đại án Phạm Công Danh cùng đồng phạm bước sang ngày xét xử thứ 5 với nhiều diễn biến mới.

HĐXX tập trung xét hỏi nhằm làm rõ hành vi Phạm Công Danh cùng các đồng phạm làm giả hồ sơ vay thông qua 12 công ty để vay tiền của BIDV 4.700 tỷ đồng. 

Đáng chú ý trong phiên tòa chiều 12/1, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV) tiếp tục vắng mặt để trả lời các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm trong việc cho các công ty của Phạm Công Danh vay tiền. Dù trước đó ngay từ khi bắt đầu phiên tòa, HĐXX đã yêu cầu triệu tập ông Trần Bắc Hà với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng đến nay vẫn chưa thấy nhân vật này xuất hiện. Ngoài ra, ông Trần Lục Lang (Phó Tổng Giám đốc BIDV) cùng nhiều cán bộ của BIDV với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng vắng mặt. 

Trong phần trả lời của mình, ông Trần Hoài Lâm, đại diện BIDV hội sở chính cho biết trước đó ông phụ trách địa bàn TP HCM. Tất cả các doanh nghiệp xin vay vốn mà có địa bàn trên TP HCM do VNCB giới thiệu đều có gửi đến ông. Ông thừa nhận có đề xuất cấp tín dụng cho 12 trường hợp vay tiền của BIDV, do VNCB và BIDV có ký kết hợp tác thực hiện và do khách hàng có nhu cầu vay để thực hiện chương trình liên kết 4 nhà thời điểm đó.

Ông cho biết khi ấy căn cứ vào quy định của BIDV và Quyết định 1627 của NHNN là phù hợp.  Các hồ sơ là do VNCB chuyển qua ban khách hàng doanh nghiệp của BIDV và khi thấy đủ điều kiện thì ban này duyệt. “ Tức là anh không duyệt mà đưa xuống nhưng chi nhánh lại hiểu là cấp tín dụng. Có khi nào là bên dưới hiểu là cấp trên chỉ đạo họ duyệt không? Sau việc xảy ra thì ông nghĩ trách nhiệm của mình thế nào?...”, chủ tọa phiên tòa hỏi. Về điều này cán bộ BIDV cho rằng đã làm đúng quy trình, chức năng của phòng ban. Còn sự việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì xin rút kinh nghiệm. 

Còn bà Phương (Trưởng ban pháp chế), đại diện BIDV giải thích các hợp đồng của 12 công ty vay tiền tại BIDV thực hiện theo quy trình của Quy định 1627 và Quy chế cho vay của BIDV, các quy định về giao dịch bảo đảm, quyền cầm cố thế chấp của các tổ chức tính dụng,… Hợp đồng giữa BIDV và 12 công ty là hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự chứ không phải hợp đồng bảo lãnh. Do đó có hai chủ thể trong hợp đồng là bên cầm cố và bên nhận cầm cố. Nội dung của hợp đồng thực hiện quy định theo mẫu chung BIDV, bao gồm các nội dung: bên cầm cố là ai, nhận là ai, bảo đảm, xác định nghĩa vụ theo hợp đồng như thế nào, việc quản lý tài sản, nghĩa vụ VNCB, quyền BIDV…

Đại diện BIDV cũng cho biết đã lập hội đồng kỷ luật những người liên quan đến thiếu sót trong việc cho vay 12 công ty vay. BIDV đã nghiêm khắc kiểm điểm, thành lập hội đồng kỷ luật nhưng vẫn khẳng định đây không phải trọng yếu. Việc cho vay 12 doanh nghiệp, BIDV yêu cầu doanh nghiệp phải có 30% vốn tự có, các doanh nghiệp đều đáp ứng nên đại diện BIDV vẫn khẳng định không có sai phạm. 

Nhiều người cho rằng việc đại diện BIDV lý giải từ bảo lãnh sang cầm cố là thiếu căn cứ, bởi hơn ai hết, khi hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì trước hết phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tín dụng, trong đó các tài sản khi đem ra bảo lãnh, thế chấp phải được đăng ký giao dịch đảm bảo.

Hơn nữa, đối với cầm cố thì ít khi xuất hiện bên thứ ba, nhưng trong trường hợp này chính VNCB đã đứng ra dùng tài sản, tiền gửi của mình để bảo lãnh cho 12 công ty, chứ không phải cầm cố tài sản và tiền gửi của mình để lấy tiền từ BIDV cho 12 công ty do ông Danh lập ra vay...

Hồ sơ vụ án xác định ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6 ngàn tỷ đồng, vậy số tiền đó đã đi về đâu? Tại các phiên xử, đại diện Viện kiểm sát đã nhiều lần nhấn mạnh số tiền liên quan tới các ngân hàng là tiền vi phạm nên cần phải tịch thu.

Hiện một câu hỏi lớn đang đặt ra là số tiền 4,7 ngàn tỷ đồng mà các công ty do ông Danh lập ra để vay từ BIDV đã đi về đâu?  Theo các bị cáo khai thì đã nộp vào tài khoản để tăng vốn điều lệ từ 3 ngàn lên 7,5 ngàn tỷ đồng. Tại tòa, một số bị cáo khi được trả lời số tiền đó giờ ở đâu, có bị cáo cho rằng nó đang ở trong ngân hàng, nhưng có bị cáo nói không biết, không nhớ. Còn về mặt thực tế thì nó không còn bất cứ đồng nào trong ngân hàng, mà vào thời điểm phát hiện thì VNCB đã bị âm với con số khổng lồ. 

Đọc thêm