Sáng 18/2, xét xử đại án tham ô, tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương (Vinashinlines) tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trả lời HĐXX về khoản tiền hơn 1 triệu USD trong một tài khoản cá nhân cùng nhiều bất động sản trong và ngoài nước đứng tên cùng chồng là bị cáo Giang Văn Hiển (bố bị cáo Giang Kim Đạt) bị truy tố về tội Rửa tiền, bà Nguyễn Thị Ngân cho hay không biết gì.
Theo lời bà Ngân, bà không nhớ mình có bao nhiêu tài khoản. Những tài khoản này bà tự mở và được chồng bảo, đưa đi mở vì trước đó làm kinh doanh vàng và bất động sản.
Trả lời về số tiền hơn 1 triệu USD trong tài khoản vợ người bị cáo buộc tội Rửa tiền nói: “Lúc đó chồng tôi bảo làm ăn với nước ngoài có nhiều tiền, cho vợ 1 ít để chữa bệnh. Chồng mở, bảo ký thì tôi ký. Tiền này tôi cũng không nhận, tôi chỉ làm nội trợ lúc nào cần thì xin chồng”.
Tiếp lời, bà Ngân khẳng định bản thân không sang Anh mua 2 bất động sản. Trong khi đó theo cơ quan tố tụng, trên hợp đồng có chữ ký của bà. Thấy vậy, bà ta xin HĐXX xem xét vì thời điểm đó đang bệnh tật, không ra nước ngoài. “Tôi không biết ở đâu mọc lên chữ ký của tôi ạ”, vợ ông Hiển khẳng định.
Sau đó người phụ nữ có chồng và con là bị cáo trong vụ án giãi bày bản thân bà rất đau xót khi gia đình rơi vao cảnh như ngày hôm nay. Bà mong tòa xem xét cho chồng, con mình.
Trong khi đó, vợ cựu Tổng giám đốc Vinashinlines, bị cáo Trần Văn Liêm cho biết nguồn gốc về chiếc xe Mercedes được cho là liên quan đến vụ án được mua từ tiền của gia đình với giá khoảng 10.000 USD.
“Tôi là người đi nộp thuế trước bạ. Xe này là tiền của gia đình tôi”, vợ cựu Tổng giám đốc Vinashinlines nói. Sau đó, bà ta đề nghị tòa xem xét, bảo vệ quyền lợi cho mình.
Trước đó, trong phần mở đầu phiên tòa, HĐXX hỏi bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, đại diện Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinanshin). Trả lời câu hỏi số tiền gần 16 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng) các bị cáo chiếm đoạt bên nào bị thiệt hại? Bà Nguyệt cho hay: Trực tiếp là Vinashinlines, gián tiếp là Vinanshin bởi nguồn vốn hình thành mua tàu là của tập đoàn này.
Tiếp lời, bà Nguyệt nói theo cáo trạng thì Giang Kim Đạt (40 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines) là người của công ty, do đó lợi phát sinh từ nguồn tiền của Vinashinlines thì phải hạch toán về đây vì liên quan trực tiếp tới việc trả nợ tập đoàn.
“Đến thời điểm hiện tại, Vinashin rất khó để thu hồi lại tiền mua tàu hơn 48 triệu USD”, đại diện Vinashin nói.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Khôi đại diện của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho rằng số tiền các bị cáo chiếm đoạt phải được chuyển về tập đoàn mình. Bởi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tháng 6/2010 thì Vinashinlines là một trong 5 đơn vị trực thuộc Vinashin được chuyển giao nguyên trạng từ công nợ, dự án… sang Vinalines.
“Khi sáp nhập vào chúng tôi, Vinashinlines mang theo khoản nợ 6.000 tỷ đồng. Giờ khoản nợ đó chúng tôi phải gánh”, ông Khôi nói.
Thấy vậy, HĐXX hỏi lại đại diện Vinashin có ý kiến gì không, bà Nguyệt vẫn yêu cầu chuyển số tiền đó về Vinashin.