Đại án Tổng Công ty 3/2: Tài sản thất thoát được đánh giá “đã thu hồi triệt để”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Chỉ thị 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về kinh tế; thì công tác này được xác định là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng chống sai phạm.

Trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương TNHH MTV (TCty 3/2) và các đơn vị liên quan; có thể thấy chủ trương trên của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện triệt để.

Chưa khởi tố đã khắc phục hậu quả

Theo KLĐT 39/KLĐT-CSKT(P10) và KLĐT bổ sung 54/KLĐT-CSKT(P10) của Cơ quan CSĐT Bộ Công an (CA), trong vụ án trên có ba nhóm bị can. Nhóm thứ nhất là một số cán bộ trong TCty 3/2; nhóm thứ hai là một số cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc UBND Bình Dương; nhóm thứ ba là ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TCty 3/2) và người thân là ông Nguyễn Đại Dương (con rể ông Minh).

Ông Nguyễn Văn Minh “thân bại danh liệt” vì sai lầm tại dự án 43 và 145 ha.

Ông Nguyễn Văn Minh “thân bại danh liệt” vì sai lầm tại dự án 43 và 145 ha.

Tài sản Nhà nước bị thất thoát lãng phí trong vụ án này là một phần giá trị hai khu đất nằm sát cạnh nhau tại trung tâm Thành phố mới (thuộc TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Khu đất thứ nhất diện tích 43 ha, có nhiều tên gọi như “dự án 43 ha”, “dự án Tân Phú”... Khu đất thứ hai diện tích 145 ha, có nhiều tên gọi như “dự án 145”, “dự án Tân Thành”, “dự án sân golf Tân Thành và khu nghỉ dưỡng đảo Hồ Điệp”…

Theo CQĐT, với ông Minh và dự án 43 ha, trong quá trình cổ phần hóa (CPH) TCty 3/2, lẽ ra phải chuyển giao khu đất này về Cty TNHH MTV Đầu tưvà Quản lý Dự án Bình Dương (Impco - DN thuộc Văn phòng Tỉnh ủy quản lý). Nhưng với mục đích chuyển nhượng khu đất cho Cty Tân Phú (sau này CQĐT chứng minh con rể ông Minh có CP trong Cty Tân Phú); nên ông Minh vẫn chỉ đạo chuyển nhượng dự án Khu dân cư – Thương mại – Dịch vụ Tân Phú trên khu đất cho Cty tư nhân; gây thất thoát tài sản Nhà nước gần 303 tỷ đồng.

Với dự án 145 ha, ông Minh đã chỉ đạo đưa vào góp vốn tại Cty Tân Thành mà không định giá, không đưa vào xác định giá trị DN khi CPH, gây thất thoát tài sản Nhà nước gần 1161 tỷ đồng.

Với nhóm cán bộ địa phương, trong đó có ông Trần Văn Nam, được xác định năm 2012, khi là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký ban hành công văn 3444/UBND-KTN chấp thuận lấy giá đất vào năm…2006 để Cục Thuế tính tiền sử dụng đất với hai khu đất này giao TCty 3/2.

Giai đoạn là Bí thư Bình Dương, khi CPH TCty 3/2, tháng 4/2017, dù biết TCty 3/2 đã chuyển nhượng dự án 43 ha cho Cty Tân Phú, nhưng ông Nam không thực hiện các biện pháp quản lý để bảo vốn của chủ sở hữu theo khoản 6 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN; mà vẫn tổ chức cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy thống nhất và quyết định cho TCty 3/2 thực hiện việc này; hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ dự án trên khu đất 43 ha từ Nhà nước sang tư nhân.

Điều đặc biệt trong đại án này là chuyện khắc phục hậu quả. Với dự án 43 ha, gần một tháng trước khi CA Bình Dương khởi tố vụ án (ngày 16/12/2019); thì ngày 19/11/2019, TCty 3/2 đã chuyền gần 126 tỷ vào tài khoản Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương để khắc phục. Ngày 13/4/2020, chưa đầy 1 tuần sau khi CA Bình Dương khởi tố một số cán bộ trong DN mình, TCty 3/2 có Đơn xin khắc phục hậu quả, nộp tiếp gần 127 tỷ. Tới 3/3/2021, sau khu Cục Thuế có thông báo nộp bổ sung tiền sử dụng đất, TCty 3/2 tiếp tục nộp gần 201 tỷ.

Như vậy, số tiền thất thoát trong dự án 43 ha, đơn vị sai phạm đã khắc phục đầy đủ. Số tiền sử dụng đất còn thiếu trong dự án 145 cũng đã được nộp xong.

Phía ngoài dự án 43 và 145 ha.

Phía ngoài dự án 43 và 145 ha.

Nhà nước có thất thoát tài sản ở dự án 145 hay không?

Chuyện khắc phục hậu quả với dự án 145 ha cũng được thực hiện nhanh và triệt để không kém.

Điều bất ngờ, là trong dự án này, KLĐT xác định “gây thất thoát tài sản Nhà nước gần 1161 tỷ đồng”. Số liệu này tính toán trên sổ sách ở thời điểm các đối tượng có hành vi, là chính xác. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, ở dự án này, Nhà nước không bị thiệt hại.

Dự án 145 có số phận “long đong”. Năm 2007, khu đất được xác định có giá 144 tỷ đồng, được TCty 3/2 góp vào Cty CP Đầu tư & Phát triển Tân Thành, tương đương 30% vốn điều lệ; còn có 2 đối tác Hàn Quốc góp 336 tỷ (tương đương 70%) vốn điều lệ; để hai phía cùng lập nên dự án.

Thế nhưng đúng đợt khủng khoảng kinh tế thế giới toàn cầu, đất sụt giá thê thảm, khu đất khi đó hạ tầng xung quanh chưa phát triển, nên 2 đối tác Hàn Quốc “tháo chạy”; mà không ngờ rằng khu đất trở thành đắc địa, đất “vàng”, đất “kim cương” như bây giờ…

Dự án lay lắt nhiều năm, mời gọi nhiều đơn vị nhưng không ai hợp tác. Tới 2011, TCty 3/2 và ông Minh huy động các đối tác thân quen: Cty CP Hưng Vượng và Cty Tân Thành. Hưng Vượng là DN chuyên về sản phẩm gỗ, trong đó 49% vốn điều lệ do TCty 3/2 nắm giữ. Phát Triển là DN do con gái ông Minh, bà Nguyễn Thục Anh, làm người đại diện.

Các bên thỏa thuận Hưng Vượng và Phát Triển sẽ trả lại phần vốn đối tác Hàn Quốc đã góp để nhà đầu tư nước ngoài rút ra khỏi liên doanh. Sau thương vụ này, dự án có 3 bên góp vốn gồm TCty 3/2, Hưng Vượng, Phát Triển. Trong đó Phát Triển nắm giữ 32% cổ phần (CP).

Bảy năm sau đó, tháng 4/2018, Cty Phát Triển tập trung vào ngành gỗ nên quyết định chuyển nhượng 32% CP nói trên cho 2 cá nhân là bà Thục Anh và một phụ nữ khác. Tháng 10/2018, TCty 3/2 đề nghị hai cá nhân này bán một phần CP dự án Tân Thành cho TCty 3/2. Hai cá nhân này đã bán 15% (của 32% CP dự án Tân Thành) cho TCty 3/2.

Một năm sau đó, tự rà soát, thấy việc bà Thục Anh mua rồi bán CP Cty Tân Thành cho TCty 3/2, là đơn vị mà cha mình là người đứng đầu, là có dấu hiệu chưa đúng quy định. Dù chưa có cơ quan chức năng nào yêu cầu, cả hai bên (TCty 3/2 và hai cá nhân) đã tự nguyện hủy các giao dịch mua bán, hoàn trả lại cho nhau toàn bộ những gì đã nhận.

Một động thái được đánh giá là “dũng cảm” khác: Ngay sau đó, Cty Phát Triển vận động hai cá nhân bán lại toàn bộ 32% CP dự án Tân Thành cho Cty với giá gốc. Và dù chỉ là một DN tư nhân, nhưng không muốn liên quan đến dự án Tân Thành nữa, Phát Triển đề nghị chuyển nhượng lại toàn bộ với giá gốc cho Cty Impco thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, là đơn vị 100% vốn của Đảng.

Theo biên bản làm việc số 112-BB/VPTU ngày 27/11/2019, đại diện Cty Phát Triển “tiếp tục khẳng định và mong muốn được thực hiện như đề nghị trên”. Ông Bùi Minh Thạnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, kết luận “các bên thống nhất với hướng đề xuất của Cty Phát Triển”. Và “để đảm bảo không thất thoát tài sản của DN Đảng, giao Impco nhận chuyển nhượng” số CP trên.

Trụ sở hành chính công tỉnh Bình Dương

Trụ sở hành chính công tỉnh Bình Dương

Tới ngày 16/12/2019, CA Bình Dương khởi tố vụ án. Lần lượt sau đó, Cty Hưng Vượng và TCty 3/2 có văn bản xin tự nguyện chuyển nhượng với giá gốc số CP sở hữu tại Cty Tân Thành cho Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương. Tới nay, dự án Tân Thành đã thuộc quyền quản lý sở hữu của DN thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, giá trị cao gấp nhiều lần so với số tiền bỏ ra để nhận chuyển nhượng từ TCty 3/2, Hưng Vường, Phát Triển.

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho biết: “Như vậy, dự án 145 hiện vẫn hoàn toàn thuộc sở hữu Nhà nước. TCty 3/2, Hưng Vượng, Phát Triển và hai cá nhân mới là những đối tượng thiệt thòi khi đầu tư vào CP Tân Thành nhiều năm, rồi sau đó tự nguyện chỉ xin nhận lại tiền gốc, không 1 xu lời lãi”.

Một vấn đề đặt ra trong vụ án, với vụ án này, các hành vi chuyển nhượng CP dự án Tân Thành hồi năm 2018 có vi phạm hay không?

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho biết, theo hướng dẫn của VKSNDTC (https://vksndtc.gov.vn/hoidap/Pages/hoi-dap.aspx?ItemID=427), đây có thể thuộc trường hợp được miễn TNHS vì “đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” theo khoản 3 Điều 29 BLHS 2015.

Theo đó, “có thể áp dụng tình tiết “đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” khi mức sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả chiếm một tỷ lệ đáng kể so với toàn bộ thiệt hại mà họ đã gây ra.

Khi điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải căn cứ vào ý thức, thái độ tự nguyện của người phạm tội, hiệu quả của việc sửa chữa, khắc phục hậu quả, cũng như thiệt hại thực tế, mức độ bồi thường thiệt hại để xem xét việc miễn TNHS cho họ.

Việc xem xét miễn TNHS, còn phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội cũng như khả năng giáo dục, cải tạo của họ. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần xem xét, đánh giá trong từng vụ án cụ thể để quyết định miễn hay không miễn TNHS cho người phạm tội”.

Đọc thêm