Liên quan đến vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc Hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
* Ninh Thuận: Chính quyền có làm ngơ cho doanh nghiệp dùng vũ lực để lấy đất của người dân?
* UBND tỉnh Ninh Thuận nói gì sau phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam
Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đối với những hộ gia đình khai hoang đất từ những năm 1985, cụ thể ở đây là trường hợp ông Nguyễn Văn Chở không có hợp đồng giao khoán của nông trường; không được xác nhận của địa phương, nếu muốn chứng minh đó là đất tự canh tác cần dựa vào xác nhận của địa phương, của bà con xung quanh mảnh đất đó.
Giả sử có xác nhận của hợp tác xã rằng đây là đất khai hoang, hoặc trong tờ khai để xin cấp sổ đỏ mà xã đã xác nhận thì đó là 1 trong những căn cứ để xác nhận đất do hộ gia đình ông Nguyễn Văn Chở đã canh tác.
Tại kết luận ngày 30/12/2020 của UBND huyện Thuận Nam nêu rõ: “Theo nội dung sổ Mục kê đất đai hiện đang lưu trữ tại UBND xã Phước Minh thửa đất số 32 có diện tích 5.535 m2 tờ BDĐC số 8 xã Phước Minh tên chủ sử dụng đất ban đầu là Nông trường Quán thẻ (có đối chiếu với Sổ Mục kê đất đai lưu trữ tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Ninh Thuận) sau đó có người viết đè lên và ghi Nguyễn Văn Chở, tuy nhiên việc chỉnh lý nội dung tên chủ sử dụng đất trong Sổ Mục kê đất đai lưu trữ tại UBND xã Phước Minh thực hiện chưa đúng theo quy định do cột ghi chú không ghi chú thích nội dung có thay đổi”.
Về việc này, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, “nếu vào thời điểm đó xã phản ứng ngay thì sẽ khác so với hiện nay, còn bây giờ nêu ra quan điểm đó để lấp liếm. Trong trường hợp người ta khai đè thì từ năm 1990 đến bây giờ vẫn để cho người ta khai đè rồi lại nói như vậy là không đúng".
|
Ông Nguyễn Văn Chở - thôn Thiện Đức, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đang đứng trên khu vực đất ông khai hoang từ 1987. |
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đây là vụ việc mà hiện nay xảy ra nhiều nơi, kể cả trong quá trình kỳ họp của Quốc hội, ông cũng đã có phát biểu về vấn đề này. Trong vấn đề về đất của người dân thì chúng ta có chủ trương cấp sổ đỏ cho dân, thậm chí là Chính phủ và Thủ tướng luôn có chỉ đạo khẩn trương cấp sổ đỏ cho dân.
Tuy nhiên tình trạng hiện nay việc chính quyền không cấp sổ đỏ để đến khi người dân vướng phải vụ việc như thế này, dân không có cơ sở để bấu víu và rất thiệt thòi.
“Do đó người dân cho dù khai hoang hoặc ở mảnh đất đó mấy chục năm ổn định, không có tránh chấp thì cũng sẽ tìm cách thoái thác trách nhiệm với người dân. Chuyện như này là rất khó chấp nhận vì người dân không thể tự cấp sổ đỏ, họ chỉ có thể nhờ người dâng xung quanh. Cụ thể trong trường hợp này là nguyên giám đốc nông trường xác nhận chứ xã không có 1 văn bản nào chính thức. Vậy căn cứ ở đâu chứng minh là xã đang sử dụng mảnh đất đó. Nếu xã không chứng minh được thì đương nhiên đất đó thuộc quyền sở hữu của người dân. Còn cấp sổ đỏ hay không là phụ thuộc vào cơ quan có thẩm quyền của nhà nước”, ông Nhưỡng cho biết.
Theo đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương phủ nhận tất cả bằng chứng là những người dân xung quanh và lấy lời khai của những người không liên quan để làm căn cứ đó là đất của xã thì đây là việc làm không đúng.
Về mặt nguyên tắc, những người như thế là đang cố tình bóp méo sự thật, vì thông thường về đất đai cần hỏi những người giáp ranh, còn nếu hỏi những người ở nơi khác, thậm chí là bố trí trả lời thì đây là nguỵ tạo chứng cứ. Trong trường hợp này, người dân đã mất rất nhiều công lao từ giữa những năm 80 bắt đầu khai hoang, có nhiều người dân làm chứng theo đúng quý định của Bộ luật dân sự, 2 người trở lên làm chứng thì đây là chứng cứ hợp pháp.
“Cần làm việc theo pháp luật và không được làm dụng chức quyền để làm việc sai trái. Trong trường hợp này cần công nhận quyền sử dụng của họ và tính toán mức độ bồi thường hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật”, ông Nhưỡng nói.
Theo gia đình ông Chở, ông không những không được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ mà chính quyền lại giao đất cho doanh nghiệp mà không bồi thường, con trai ông Chở còn 2 lần bị đánh đến mức phải nhập viện.
|
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (bên phải) đang trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam |
Phó trưởng Ban Dân Nguyện Quốc Hội nhấn mạnh: “Doanh nghiệp không có thẩm quyền sử dụng lực lượng để “uy hiếp” người dân. Chúng ta cần rút kinh nghiệm xương máu tại Đắk Nông, công ty đã cưỡng chế đất dẫn đến việc người dân phải nổ súng. Người nổ súng là sai nhưng công ty đi “chiếm đất” của dân là không có cơ sở pháp lý, cho nên chính quyền mà đứng ngoài cuộc thì thực ra là đang bao che cho doanh nghiệp, như thế là không công bằng.
Phải có kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo địa phương cấp huyện, cấp tỉnh phải vào cuộc và giải quyết một cách công bằng theo đúng quy định của pháp luật. Cần thiết có thể tiến hành thanh tra để xác định rõ, tránh trường hợp phán xét và lấy đất của dân một cách vô tội vạ. Như thế sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng với Nhà nước”.
|
Ngày 22/6/2020 Nhà máy Điện Mặt trời Phước Ninh đã đi vào hoạt động, tuy nhiên khoảng 2,5 ha đất của gia đình ông Nguyễn Văn Chở khai hoang từ năm 1987 vẫn chưa được bồi thường. |
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, ông thấy rất tiếc khi để xảy ra câu chuyện "giang hồ" vào uy hiếp người dân. Cần phải giải quyết bằng pháp luật. Về chủ chương đường lối không thể chấp nhận và câu chuyện này ở nhiều nơi mà báo chí đưa tin gây ra phản cảm trong xã hội. Chính vì vậy tôi mong cấp uỷ Đảng và chính quyền phải thực sự vào cuộc. Tránh cả trạng thái là bao che cho các hành vi tiêu cực và vô trách nhiệm buông lỏng quản lý để hưởng lợi.
“Tôi cho rằng cái gì cũng có nguyên nhân. Người dân vẫn luôn sẵn sàng hiến đất để thực hiện các công trình công cộng vì chúng ta đã tuyên truyền tốt công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, giải quyết đúng để người dân thấy rằng mình đang đóng góp cho xã hội, cho nhà nước. Người dân có thể làm văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền, có thể gửi cho Ban dân nguyện, uỷ ban thường vụ QH để xem xét và nếu có thể chúng tôi sẽ làm việc với địa phương”, Đại biểu Quốc hội cho biết.
Theo thông tin trước đó Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin về việc, Chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh được UBND tỉnh Ninh Thuận giao doanh nghiệp thuê hơn 65 ha đất để thực hiện dự án, nhưng trong đó có 2,5 ha mà gia đình ông Nguyễn Văn Chở đang kiện UBND xã Phước Minh, huyện Thuận Nam về việc quy chủ đất.
Đến tháng 2/2020, doanh nghiệp bắt đầu triển khai dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh trên 2 địa bàn xã Phước Ninh và Phước Minh huyện Thuận Nam, Công ty cổ phần Năng lượng Công nghiệp Ninh Thuận đã nhiều lần cho lực lượng đến khu đất của nhà ông Chở yêu cầu gia đình phải bàn giao đất cho Công ty thi công dự án vô điều kiện.
Do không đồng tình, gia đình anh Nguyễn Thành Chuyên đã ra ngăn cản, không cho đơn vị thi công trên phần đang tranh chấp. Mâu thuẫn dẫn đến xô xát và anh Nguyễn Thành Chuyên bị gây thương tích phải nhập viện.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.