Kết quả đo tốc độ của “hộp đen” không có giá trị để xử phạt
Thượng tá Nhật lý giải cơ sở pháp lý của việc “phạt nguội” là Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó có quy định cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, trong các nghị định xử phạt của Chính phủ trong lĩnh vực giao thông đường bộ như nghị định 46 cũng có quy định sử dụng trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm giao thông.
Ông Nhật nói tiếp, tại Nghị định 165 quy định về quản lý, sử dụng và danh mục các trang thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm trong an toàn giao thông, có máy đo tốc độ có hình ảnh. “Căn cứ vào Luật Đo lường 2011, Thông tư 23 của Bộ KHCN năm 2013 quy định danh mục phương tiện kiểm soát đo lường thì máy đo tốc độ nằm trong danh mục buộc phải kiểm định. Tức thiết bị được kiểm soát về đo lường được kiểm định ban đầu, kiểm định sau sửa chữa và chu kỳ kiểm định đối với phương tiện này là 12 tháng”, Thượng tá Nhật nói.
Đại diện C67 nói tiếp, trong các Thông tư 01, 02 của Bộ Công an quy định về hoạt động tuần tra, tiêu chuẩn, quy trình tuần tra an toàn giao thông đường bộ có quy định việc sử dụng hệ thống camera giám sát, để xử phạt. Hiện việc lắp đặt camera giám sát để xử lý vi phạm giao thông được Chính phủ, Bộ Công an phê duyệt trên một số tuyến đường, tuyến cao tốc.
“Mong muốn là tất cả các tuyến đường đều có lắp hệ thống giám sát camera, vừa đảm bảo an ninh trật tự vừa đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng vì điều kiện chưa đủ nên đang lắp dần. Việc lắp đặt camera giám sát giúp CSGT phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời, “phạt nóng” hoặc “phạt nguội” bằng cách gửi thông báo vi phạm về cho chủ phương tiện”, ông Nhật nói và cho biết việc lắp đặt camera giám sát có nhiều nguồn kinh phí khác nhau nhưng tất cả các thiết bị được lắp đặt đều phải đảm bảo đúng quy chuẩn, thỏa mãn điều kiện kiểm định. Còn việc lắp ở đâu là do tính toán, cơ quan CSGT tham mưu và tùy vào đặc thù của từng địa phương.
“Phạt nóng” hay “nguội” đều có ưu, nhược điểm
Ông Nhật cho hay “phạt nóng” hay “phạt nguội” đều có những điểm mạnh, điểm yếu. Hoạt động “phạt nguội” gặp những khó khăn như vấn đề sang tên chuyển chủ, chủ phương tiện chuyển chỗ ở nhiều nơi. Vị này nói sắp tới cần có những quy định về quy trình “phạt nguội” chặt chẽ hơn. Ví dụ như quy định chủ xe đăng kí phải có tài khoản, vi phạm giao thông sẽ trừ vào tài khoản thì bắt buộc chủ phương tiện sang tên đổi chủ.
Đối với thiết bị giám sát hành trình qua sóng vệ tinh (thường gọi hộp đen), ông Nhật nói rằng thiết bị này không nằm trong danh mục thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính, không nằm trong danh mục phương tiện của Thông tư 23 của Bộ KHCN mà chỉ được quy định trong Nghị định 86 của Bộ GTVT. Đây là thiết bị ngành, chỉ có giá trị cho ngành Giao thông thực hiện quản lý xe chạy theo tuyến, điểm vào điểm ra, đảm bảo tài xế không chạy quá số giờ quy định. Đặc biệt kết quả đo tốc độ của “hộp đen” không có giá trị để xử phạt.
Khi PV đặt câu hỏi theo quy định pháp luật, trong các thông tin bắt buộc “hộp đen” truyền dữ liệu về cơ quan quản lý, có thông tin tốc độ, vậy kết quả này liệu có giá trị gì hay không? Đại diện C67 khẳng định: “Đó vẫn là việc quản lý của ngành Giao thông. Câu chuyện quản lý và xử phạt khác, nếu xử phạt thì phải căn cứ vào Luật Xử phạt vi phạm hành chính”.
Thượng tá Nhật thông tin tiếp, khi điều tra vụ tai nạn giao thông, có nhiều cách tính tốc độ phương tiện, trong đó kết quả tốc độ của hộp đen là thông tin tham khảo, còn vẫn dựa vào kỹ thuật hình sự:
Khi đề cập tới căn cứ điều chỉnh tốc độ phương tiện là công-tơ-mét trên xe, Thượng tá Nhật trả lời đây là thiết bị của nhà sản xuất, cho chỉ số tức thời. Thiết bị này đã được kiểm định của Nhà nước: “Công-tơ-mét theo chuẩn của phương tiện được kiểm định theo phương tiện, là kiểm định của Nhà nước, khác với tiêu chuẩn ngành chỉ áp dụng cho ngành”.
Theo đại diện C67, nhiều lái xe phản ứng cho rằng điều khiển theo đúng tốc độ trên công-tơ-mét nhưng máy đo tốc độ lại cho kết quả tốc độ vượt quy định, là ý kiến chủ quan. Ông Nhật cho rằng: “Nếu đi đúng công-tơ-mét thì không bao giờ vượt quá tốc độ, bản chất người vi phạm bao giờ cũng muốn bào chữa cho hành vi vi phạm của mình”.
“Người vi phạm cảm thấy không thỏa đáng có thể khiếu nại, khởi kiện”
Trong buổi làm việc với PLVN, Thượng tá Nhật cũng trả lời một số câu hỏi để làm rõ sự việc:
Thưa ông, hiện nay ngoài việc lấy thông số từ hộp đen để xác định vi phạm luồng tuyến, nhiều đơn vị vận tải phản ánh họ bị Tổng cục Đường bộ đếm lỗi vi phạm tốc độ qua hộp đen, sau đó bị xử lý như tước phù hiệu? Ông có nhận xét gì?
- Tước phù hiệu là kết hợp nhiều yếu tố khác, còn ra quyết định xử phạt hành chính là vấn đề khác nhau. Ở đây tôi chỉ bàn hai vấn đề là hộp đen dùng để quản lý và xử phạt, là hai cái khác nhau.
Liệu có sự mâu thuẫn, khập khiễng trong quy định pháp luật ở đây không, khi một bên là Tổng cục Đường bộ dựa vào hộp đen để quản lý; còn một bên CSGT dùng súng bắn tốc độ để xử phạt?
- Không có gì mâu thuẫn, Tổng cục Đường bộ thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải.
Trong các trường hợp còn nhiều tranh cãi có nên áp dụng nguyên tắc xử lý có lợi cho người vi phạm không?
- Trong tình huống hai máy bắn tốc độ có giá trị pháp lý như nhau, trong cùng thời điểm cho ra chỉ số khác nhau mà trong quá trình kiểm định đều đúng thì mới xem xét theo hướng xử lý có lợi cho người vi phạm.
Khi tài xế đưa ra vài căn cứ khiếu nại, theo ông trong trường hợp như thế có nên xử phạt?
- Nếu người vi phạm cảm thấy không thỏa đáng có thể khiếu nại, khởi kiện ra tòa.
Thưa ông, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát, mục đích không phải xử phạt mà nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông. Nhưng trong tình huống có nhiều ý kiến thắc mắc, CSGT vẫn xử phạt bằng được, liệu có mâu thuẫn quan điểm?
- Theo tôi không có gì mâu thuẫn ở đây. Quy định pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mà ai cũng phải thực hiện.
Sau khi PLVN phản ánh sự việc số liệu đo tốc độ “vênh” nhau ở Hà Tĩnh, C67 đã cử tổ công tác vào Hà Tĩnh làm việc. Việc CSGT Hà Tĩnh trả lời chỉ căn cứ vào thiết bị đo tốc độ của CSGT để xử phạt là đúng quy định.
Câu chuyện đến đây đã khá rõ. Theo xác định của CSGT, thiết bị “phạt nguội” của lực lượng công an là chính xác, thông số của “hộp đen” lắp trên xe mới là thiết bị có nhiều khi không chuẩn. Và không thể dựa vào số liệu hộp đen để xử lý.
Tuy nhiên với các tài xế, sự việc tiếp tục làm nảy ra một vấn đề. Vậy thì vì sao từ bao lâu nay, Tổng cục Đường bộ vẫn căn cứ vào số liệu “hộp đen” để xử lý tài xế?
Trong một bản tin đăng tải hồi tháng 3/2018 trên tờ báo chuyên ngành giao thông, cho thấy Tổng cục Đường bộ yêu cầu các Sở GTVT khẩn trương đôn đốc đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn hoàn thành lộ trình lắp đặt hộp đen trước ngày 1/7/2018. Trong bản tin này, Tổng cục Đường bộ cho biết, qua phân tích tình hình vi phạm từ hộp đen cho thấy, tháng 2/2018, toàn quốc đã có 164.051 lần tài xế vi phạm tốc độ. Trong đó, lực lượng chức năng đã đã xử lý 930 trường hợp, thu hồi phù hiệu thời hạn một tháng với 669 xe, đình chỉ khai thác tuyến một tháng với ba xe, từ chối cấp phù hiệu 258 xe.
PLVN tiếp tục tìm đến Tổng cục Đường bộ để tìm hiểu vấn đề này. Quá trình đề nghị trả lời vấn đề diễn ra nhiều ngày, liên hệ làm việc nhiều ngày, PV liên tiếp bị tránh né, gây khó dễ. Thậm chí khi PV gặp mặt, liên hệ trực tiếp với Bộ trưởng Giao thông Vận tải nêu vấn đề, và ông Nguyễn Văn Thể hướng dẫn sang gặp Tổng cục Đường bộ, cơ quan này vẫn có phản ứng khá khó hiểu.
Mời bạn đọc xem tiếp diễn biến sự việc trên.