Đại diện Viện Kiểm sát: Không đủ căn cứ buộc tội cựu Bí thư Bến Cát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phát biểu quan điểm tại phiên tòa phúc thẩm xét xử cựu Bí thư thị xã Bến Cát (Bình Dương) Nguyễn Hồng Khanh - đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao - cho rằng hành vi của hai cựu cán bộ không đủ cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” nên quy kết ông Khanh đồng phạm giúp sức là không đúng.
Cả ba bị cáo đều kêu oan tại phiên phúc thẩm.
Cả ba bị cáo đều kêu oan tại phiên phúc thẩm.

Tài sản thế chấp có phải là tài sản nhà nước?

Ngày 24/5, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử phúc thẩm cựu Bí thư thị xã Bến Cát (Bình Dương) Nguyễn Hồng Khanh bị cáo buộc giúp sức cho hai cán bộ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn là ông Nguyễn Huy Hùng và ông Nguyễn Quang Lộc về tội: “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ông Hùng và ông Lộc bị cáo buộc xử lý tài sản thế chấp sai quy định, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Ông Khanh bị quy kết là đồng phạm giúp sức khi mua tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất của bà Hồ Thị Hiệp (đã chết) - Giám đốc Công ty TNHH An Tây từ năm 2012 đến năm 2015.  Bản án sơ thẩm, tuyên ông Hùng 12 năm tù, ông Lộc 11 năm tù và ông Khanh 10 năm tù.

Tại phiên phúc thẩm, ba bị cáo giữ nguyên kháng cáo kêu oan, cho rằng bản án sơ thẩm buộc tội không có căn cứ, không đúng tội danh, đề nghị cấp phúc thẩm tuyên không phạm tội.

HĐXX cho rằng cần làm rõ tài sản là quyền sử dụng đất trong vụ án có phải là tài sản nhà nước hay không? Từ đó xác định tội danh cấp sơ thẩm quy kết cho các bị cáo có đúng hay không?

HĐXX hỏi người tố cáo Nguyễn Hiệp Hòa (con trai bà Hiệp) có chứng cứ chứng minh ông Khanh, ông Hùng và ông Lộc cấu kết, o ép bà Hiệp bán đất giá rẻ hay không? Ông Hòa cho rằng chứng cứ đã nộp cho cơ quan điều tra và nhờ luật sư trả lời.

Người làm chứng khai: “Tôi là cò đất, trong một lần giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng BIDV thì có nhân viên ngân hàng nói “có khách hàng cần bán đất để xử lý nợ”, tôi xin sổ đỏ photo để tìm khách hàng. Biết ông Khanh có nhu cầu mua nên tôi giới thiệu. Ông Khanh nói để bàn với gia đình. Một tuần sau, ông Khanh hỏi đất còn không. Tôi dắt ông Khanh đến gặp bà Hiệp. Tôi yêu cầu ông Khanh trả 200 triệu tiền “cò” nếu mua bán thành công. Khi gặp bà Hiệp thì có cả con bà Hiệp. Lúc đó các bên rất vui vẻ, dẫn nhau đi xem đất, không có chuyện ép buộc”.

Ông Hùng khai, bà Hiệp là người đề xuất được bán tài sản để trả nợ. Trong đề xuất, bà nêu rõ một phần tiền nộp vào tài khoản ngân hàng, một phần giữ lại để tiếp tục kinh doanh sản xuất và ông Hùng đồng ý.

Còn ông Lộc trình bày: “Bà Hiệp đưa ra đề xuất về giá bán, trên cơ sở giá bà Hiệp đưa ra, ngân hàng có kiểm tra, thấy phù hợp với giá thị trường nên đồng ý cho bán. Mua bán giữa ông Khanh và bà Hiệp là khách quan, không có sự o ép”. Về hợp đồng ba bên, ông Lộc khai do bà Hiệp và ông Khanh chưa tin tưởng nhau nên khi đặt cọc nên phải có sự xác nhận của ngân hàng; đó không phải là “bàn bạc thỏa thuận” để phạm tội”.

Ông Khanh khai rằng việc mua bán với bà Hiệp là giao dịch dân sự. “Tôi mua bán với bà Hiệp chứ không mua bán với ngân hàng. Vì thế, việc trả tiền, tôi phải tuân thủ theo thỏa thuận với người bán”. Đại diện phía ngân hàng nói việc xử lý tài sản thế chấp của ông Hùng và ông Lộc là đúng luật. Trong lần xử lý cuối cùng còn thiếu sót về mặt hình thức, là không đưa ra hội đồng tín dụng.

Đại diện phí ngân hàng cũng khẳng định tài sản thế chấp không phải là tài sản của ngân hàng, tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của bà Hiệp. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng không trả lời câu hỏi “Tài sản thế chấp nêu trên có phải là tài sản nhà nước hay không?”.

Theo Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn, khi đã có bản án về việc trả nợ, ngân hàng và bà Hiệp vẫn được quyền thỏa thuận phương thức xử lý là giao cho bà Hiệp bán để trả nợ. Bán đấu giá hay giao cho bà Hiệp bán trả nợ là quyền của ngân hàng. Trong mọi trường hợp, ngân hàng ưu tiên phương án xử lý nhanh và hiệu quả nhất.

VKS đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm điều tra lại

Tại phần luận tội, về tố tụng, VKS nhận định, các cơ quan tố tụng Bình Dương có vi phạm nghiêm trọng. Việc tách vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tạm đình chỉ là chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến bị cáo Khanh, các bị cáo khác và người liên quan.

Bản án sơ thẩm quy kết, từ năm 2012 – 2105, ông Hùng, ông Lộc, ông Khanh và bà Hiệp cấu kết với nhau, gây thất thoát tài sản nhà nước. “Quy kết của bản án sơ thẩm là chưa có cơ sở. Qua xem xét toàn bộ vụ án và các quy định pháp luật về tài sản nhà nước thì tài sản thế chấp tại ngân hàng không phải là tài sản nhà nước. Cấp sơ thẩm cũng không làm rõ được động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo Hùng và bị cáo Lộc”, đại diện VKS nhận định.

Từ những phân tích nên trên và căn cứ vào hồ sơ, VKS xác định hành vi của các bị cáo Hùng và Lộc không đủ cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Do hành vi của bị cáo Hùng và bị cáo Lộc không phạm tội như trên nên quy kết ông Khanh đồng phạm giúp sức là không đúng.

Cấp sơ thẩm quy kết, ông Khanh biết rõ tài sản thế chấp, khi mua bán phải nộp tiền vào ngân hàng nhưng lại trả tiền mặt bên ngoài là không có cơ sở. Xét hợp đồng 3 bên (là hợp đồng mà cấp sơ thẩm dùng quy kết ông Khanh cấu kết với ngân hàng, bà Hiệp gây thất thoát tài sản nhà nước) thì đây là hợp đồng đặt cọc. Nội dung là sự thỏa thuận giữa ông Khanh và bà Hiệp, có sự chứng kiến của ngân hàng nhằm đảm bảo cho việc thực hiện thỏa thuận của bên mua – bên bán.

Không có sự bàn bạc thỏa thuận để hạ giá tài sản của bà Hiệp. Trong đơn đề nghị được bán tài sản cho ông Khanh để trả nợ, bà Hiệp nêu rõ thời điểm mua bán, thị trường bất động sản đóng băng, có nhiều người đến mua nhưng giá thấp, có một đối tác (ông Khanh) mua giá cao nên đề nghị được bán. Bà Hiệp có đăng báo rao bán nhưng không ai đến mua.

Ngoài ra, bà Hiệp còn bán tài sản cho ông Nguyễn Hồng Thoại, chứ không phải bán duy nhất cho ông Khanh. Ngân hàng cũng có tham khảo giá thị trường, trên internet nên cáo buộc mua giá rẻ là không có cơ sở.

Từ phân tích nêu trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về để cơ quan tố tụng Bình Dương điều tra lại.

Bào chữa cho ông Hùng, LS Trần Minh Hải (Đoàn LS TP HCM) đồng ý với quan điểm của VKS về phân tích nội dung vụ án. “Căn cứ Điều 157 BLTTHS, tôi đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo không phạm tội, đình chỉ vụ án, trả tự do ngay cho các bị cáo tại phiên tòa” LS Hải đưa ra 10 vấn đề mà cấp sơ thẩm gây oan sai cho các bị cáo. Một LS khác đề nghị nếu hủy án thì HĐXX cần cho ông Hùng, ông Lộc tại ngoại; việc tạm giam là không cần thiết.

LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) cũng đồng ý với quan điểm với LS Hải: “Việc hủy án trả hồ sơ là không cần thiết. Cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ nhiều lần, HĐXX cần tuyên các bị cáo không phạm tội. Đồng thời, kiến nghị đình chỉ các vụ án khác đã khởi tố có liên quan đến ông Khanh”. Dự kiến hôm nay (25/5), HĐXX sẽ tuyên án. 

Đọc thêm