Đại học Luật Hà Nội hội thảo vấn đề pháp lý về hộ chiếu Vaccine

(PLVN) -Sáng 30/6, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Một số vấn đề pháp lý về hộ chiếu Vaccine.
Đại học Luật Hà Nội hội thảo vấn đề pháp lý về hộ chiếu Vaccine

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Luật Hà Nội Nguyễn Sơn Tùng khẳng định dịch bệnh COVID-19 đã và đang là vấn nạn lớn toàn cầu. Dịch bệnh này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, hộ chiếu vaccine được coi như “tấm thẻ bài” giúp các quốc gia khôi phục lại nền kinh tế, góp phần bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.

Qua đó, Bí thư Đoàn Trường Nguyễn Sơn Tùng hy vọng Hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các giảng viên chia sẻ, đóng góp ý kiến để hoàn thiện, tìm ra ý tưởng mới liên quan đến hộ chiếu Vaccine.

Tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Hồng Thuý, Giảng viên khoa Pháp luật Hành chính nhà nước đã nêu một số khó khăn trong việc quản lý hộ chiếu vaccine với kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19, như chưa rõ hiệu quả hoàn toàn của vaccine hay tình trạng vaccine giả, hộ chiếu vaccine giả còn xuất hiện tràn lan…

Do đó, để có thể sớm triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 một cách hiệu quả, bà Thuý cho rằng cần xem xét và đảm bảo ký điện tử trên hộ chiếu bằng các khoá mã hoá như quét mã QR; cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân chỉ tiêm ngừa Covid-10 tại các cơ sở tiêm chủng quóc gia theo chương trình của Chính phủ, tránh trường hợp mua hộ chiếu vaccine giả hay tiêm các loại vaccine giả trôi nổi trên thị trường…

Đồng tình với bà Thuý về những khó khăn khi sử dụng hộ chiếu Vaccine, ThS. Phạm Thanh Tùng, Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao cho rằng hộ chiếu Vaccine được chấp thuận và sử dụng chỉ khi các quốc gia thống nhất được một bộ tiêu chuẩn về loại hộ chiếu này có cân nhắc các yếu tố như loại vaccine, hệ thống kỹ thuật đảm bảo thông tin người dùng hay thậm chí là cả mức độ tiêm chủng của quốc gia mà người nhập cảnh mang quốc tịch...

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận về khái niệm hộ chiếu Vaccine; thực tiễn pháp luật ở một số quốc gia và trong khu vực; xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về hộ chiếu Vaccine cho công dân Việt Nam…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), hộ chiếu vaccine thực chất là giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước, thông thường là 2 mũi. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “hộ chiếu vaccine” để nhanh chóng phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế.

Từ đầu năm 2021, nhóm các nước gồm Estonia, Romania, Gruzia đã chấp nhận hộ chiếu vaccine. họ chấp nhận đón khách quốc tế có chứng nhận tiêm vaccine ít nhất trong vòng 10 ngày mà không cần thực hiện tự cách ly; còn những ai mới chỉ tiêm đủ 2 mũi vaccine trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vẫn sẽ phải thực hiện 14 ngày tự cách ly.

Đầu tháng 6/2021, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vaccine.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19. Có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60%-90% nhân sự nghỉ việc không lương.

TTXVN dẫn lời các chuyên gia du lịch cho rằng, nếu Việt Nam sớm chuẩn bị, đề ra các giải pháp kỹ thuật và sẵn sàng ban hành cơ chế, chính sách hợp lý trong bối cảnh này thì sẽ tạo ra thế mạnh cho du lịch Việt Nam. Cụ thể là du lịch nước ta sẽ thu hút và đáp ứng nhu cầu đi du lịch của rất nhiều người trên thế giới đã có được hộ chiếu vaccine. Bên cạnh đó, chính sách hộ chiếu vaccine cũng góp phần kịp thời khôi phục các hoạt động vận chuyển hàng không, mặt đất và dịch vụ bổ trợ khác…, góp phần hoàn thành các mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội, một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm