Sinh viên Đại học Luật - tư duy và tỏa sáng

Nhiều năm trước đây, sinh viên luật tốt nghiệp ra trường thường bị đánh giá là nặng kiến thức cứng mà thiếu kỹ năng mềm nên khả năng tiếp cận công việc thực tế bị hạn chế. Nhưng giờ đây, điều đó đã thay đổi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với sự giúp đỡ của thầy cô, tổ chức đoàn và nỗ lực tự thân sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội đã làm nên chuyện…

Nhiều năm trước đây, sinh viên luật tốt nghiệp ra trường thường bị đánh giá là nặng kiến thức cứng mà thiếu kỹ năng mềm nên khả năng tiếp cận công việc thực tế bị hạn chế. Nhưng giờ đây, điều đó đã thay đổi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với sự giúp đỡ của thầy cô, tổ chức đoàn và nỗ lực tự thân sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội đã làm nên chuyện…
“Nét luật” từ một cuộc thi 
Đúng như câu slogan “Bạn tư duy – bạn nói – bạn tỏa sáng”, dường như tất cả các thí sinh bước lên sân khấu trong đêm chung kết Cuộc thi hùng biện Socrates 2012 đều tỏa sáng lung linh - ánh sáng của trí tuệ và tự tin. Một câu hỏi có thể nói là tương đối “xương xẩu” với những ai đã và đang theo đuổi nghề luật: “Có nên quy định quyền được chết là một quyền của người dân trong hệ thông pháp luật Việt Nam” vậy mà đã được các cử nhân luật tương lai xử lý một cách “ngon ơ” trong tiếng vỗ tay rào rào của khán giả và những cái gật đầu thích thú của Ban giám khảo.
Hinh
- Những người chiến thắng trong cuộc thi hùng biện Socrates 2012
Hãy thử nghe toàn văn đoạn đối kháng đầu thuyết phục của hai “tiểu Socrates”  Bùi Thị Hồng Dương và Lê Hoàng Hữu Tài về vấn đề này dù chỉ trong một thời gian suy nghĩ và chuẩn bị rất ngắn. Tha thiết thuyết phục, nhà hùng biện Bùi Thị Hồng Dương nói “Pháp luật Việt Nam nên quy định quyền được chết vì khi mỗi con người chúng ta sống ở trên đời đâu chỉ sống cho mỗi bản thân mình mà còn sống cho người thân, cho xã hội, cộng đồng. Thế nên, khi con người ta thật sự bất lực với cuộc sống của mình vì bệnh tật, vì tai nạn thì hãy để cho họ quyền được “ra đi” để cuộc sống của một cá nhân không bị “bóc mỏng” dần trên đau khổ. Mặt khác, nếu thiếu vắng quy định về quyền được chất, các nhà thực thi pháp luật rồi sẽ có lúc phải bó tay không phận biệt nổi đâu là hành vi tự sát và hành vi giết người, rồi tự đó sẽ kéo theo bao oan khiên xét xử.
Nhưng hãy nhớ cho rằng làm cái gì cũng phải có lộ trình để có được một hành lang pháp lý và cơ chế đảm bảo thực thi hiệu quả. Và điều đó phụ thuộc vào mỗi chúng ta hôm nay…”. Kiên quyết và cũng không kém phần thuyết phục, nhà hùng biện Lê Hoàng Hữu Tài phản đối: “Tại sao lại có thể quy định quyền được chết khi điều đó là phụ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, sự nâng đỡ của cộng đồng, xã hội? Tại sao lại có thể quy định quyền được chết khi điều đó khiến cho những bác sỹ phải đau khổ đi ngược lại lời thề thiêng liêng Hypocrat của mình? Đó là chưa kể rồi đây sẽ có những kẻ ác tâm lợi dụng cái quyền được chết để giết người. Tuyên ngôn của Đại hội đồng Liên hiệp quốc nói rằng quyền được sống của mỗi con người không phải nghĩa vụ, mà đó là sứ mệnh thiêng liêng, là món quà của tạo hóa…”. 
Điều bất ngờ nhất trong đêm chung kết Cuộc thi hùng biện Socrates 2012 đó là khi vị Tiến sĩ Mỹ học Phạm Thế Hùng – cũng là một nhà hùng biện rất nổi tiếng, vé vào cửa để nghe những buổi nói chuyện chuyên đề của ông không bao giờ có giá dưới nửa triệu đồng – đã vì quá bị thuyết phục trước những hai “tiểu Socrates” ĐH Luật HN mà tuyên bố sẽ tặng miễn phí toàn bộ sinh viên hai buổi nói chuyện chuyên đề trị giá hàng chục triệu. 
Còn nhớ, cách đây gần sau bảy, năm tầm năm 2006, 2007, sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội đã rất hào hứng với cuộc thi hùng biện. Nhiều bạn cựu sinh viên nay đã ra trường, làm việc ở các cơ quan tư pháp vẫn rất hào hứng khi kể về cuộc thi ngày đó: “Em nhớ nhất ấn tượng trong đêm chung kết là bình luận về câu nói "Lưỡi gươm công lý không có vỏ". Nên tổ chức cuộc thi này hàng năm vì nó phát huy được thế mạnh của sinh viên trường luật” – một cựu sinh viên nói. Mong muốn này là hoàn toàn chính xác bởi thuyết trình  và hùng biện là kĩ năng vô cùng quan trọng đối với mọi sinh viên, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành luật. Thế nên TS Phan Chí Hiếu – Hiệu trưởng nhà trường đã khẳng định: “Từ nay về sau, Cuộc thi hùng biện Socrates sẽ trở thành một trong những hoạt động chính và thường niên của Hội sinh viên ĐH Luật Hà Nội, mang đến cho những cử nhân luật tương lai sân chơi thực sự bổ ích và có tác dụng định hướng nghề nghiệp”.
Tự tin cánh chim non
Trong giới luật không ai lạ gì cuộc thi tranh tụng quốc tế Vis East International Arbitral Moot. Nhưng, trước nay, sinh viên chỉ dám “kinh nhi viễn chi” với cuộc thi vì nhiều lý do. Thế nên khi nhóm sinh viên của Trần Minh Phương bao gồm các sinh viên là thành viên từ Câu lạc bộ Moot Club (CLB Tranh tụng của trường, dưới sự quản lý của Đoàn Thanh Niên trường ĐH Luật Hà Nội, được lập ra vào tháng 10 năm 2010) quyết định tham dự Vis East International Arbitral Moot đã nhận được nhiều rất nhiều chia sẻ, quan tâm. Trần Minh Phương (khi bài báo này đến tay bạn đọc thì bạn trẻ này đã lên đường sang Mỹ để theo học chương trình thạc sĩ) cho biết, ban đầu chúng cháu vì ham thích cuộc thi mà các em tự luyện tập với nhau và mạnh dạn đăng kí thi.  Dần dần từng thành viên trong nhóm đã chứng minh được khả năng của mình và vào tháng 1/2012 BGH nhà trường đã quyết định đồng ý cho nhóm đại diện cho trường để thi đấu tại Hồng Kông. 
vv
Nhóm sinh viên ĐH Luật HN tại cuộc thi Vis East International Arbitral Moot thang 3/2012 tại Hong Kong 
Điều đáng nói là các  thành viên trong nhóm đều là các thành viên từ Câu lạc bộ Moot Club. Câu lạc bộ chỉ gồm 10 đến 15 thành viên và các thành viên tự tập luyện và học tập cùng với nhau hàng tuần vào thứ bảy hoặc Chủ Nhật. Bản thân mỗi thành viên trong CLB trước khi được tham gia vào CLB đều phải trải qua các phần thi rất khó như phải viết luận và phỏng vấn bằng tiếng Anh vì CLB rất giới hạn thành viên và chỉ tuyển chọn những thành viên có năng lực, tâm huyết, đặc biệt là khả năng làm việc nhóm (teamwork) tốt. Hiện ĐH Luật có không ít các câu lạc bộ sinh viên hoạt động chất lượng và năng nổ như vậy.
Để chuẩn bị cho cuộc thi, mỗi tuần nhóm qua việc tham khảo các trang web về cuộc thi quốc tế, trong đó chủ yếu về các tranh chấp về hợp đồng thương mại quốc tế nhằm rút ra những phương pháp luyện tập phù hợp và bài bản để soạn một vụ việc dựa trên những vụ việc có thật và đơn giản hoá các chi tiết để các thành viên đều có thể nắm được mấu chốt vấn đề và biết cách sử dụng luật để áp dụng vào xử lý các vụ việc đó. Tất cả quá trình tranh tụng đều tập luyện bằng tiếng Anh… 
Sau khi Ban giám hiệu ĐH Luật HN trường cho phép sinh viên của mình đại diện cho trường thi đấu, các thầy cô đã hết sức tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các em luyện tập và rèn luyện, đồng thời tạo điều kiện về mặt thủ tục để dễ dàng hơn trong việc xin visa nhập cảnh vào Hong Kong. Tháng 3/2012, từ mùng 9 đến 17 nhóm của Trần Minh Phương lên đường sang Hong Kong. Mặc dù gặp nhiều bỡ ngỡ nhưng với tinh thần đoàn kết của các thành viên trong đội các em đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn để đạt được kết quả cao nhất có thể, dù rằng số lượng các đội thi tại VIS East năm nay tăng vọt so với các năm trước, hơn 165 đội và hơn 70% các đội đến từ các trường đại học danh tiếng ở Châu Âu và Mĩ. 
Được biết, nhóm 5  thí sinh dự thi Vis East International Arbitral Moot thì có hai người đã vừa tốt nghiệp, còn hai đang chuẩn bị vào năm thứ tư. Hiện nay, các em đều đã và đang tham gia vào các chương trình thực tập luật tại nước ngoài hoặc chuẩn bị đi du học lấy bằng thạc sĩ.  Thế mới thấy, sự thay đổi trong tư duy đào tạo luật đã thực sự trở thành sức mạnh giúp cho những cánh chim non đủ lực để tự tin tung cánh. 
Một nhà giáo dục đã từng đúc kết, nếu muốn tìm ra được hướng đào tạo mới thì phải xác định được mục đích cuối cùng là gì. Với ĐH Luật HN, điều này đã và đang được tiến hành với đội ngũ thầy cô giỏi và đặc biệt với những lứa sinh viên ngày càng tâm huyết với việc học và thực sự yêu nghề luật (điều này có được một phần cũng nhờ những tư duy và hoạt động mới như việc sinh viên với sự hỗ trợ của nhà trường tự tin tham gia các cuộc thi hùng biện và Vis East International Arbitral Moot nói trên). Thế nên có thể không quá tự tin để nói rằng: sinh viên ĐH Luật HN đang ngày trở nên “đắt giá” trên thị trường nhân lực trẻ.  
Xuân Hoa

Đọc thêm