Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Mãi mãi một bài ca tình yêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã cho trình làng vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022). Đây cũng coi như một nỗ lực của người nhạc sĩ 89 tuổi, góp phần đưa nghệ thuật bác học đến gần hơn với công chúng.
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Mãi mãi một bài ca tình yêu

Tình yêu với đề tài người lính

Bắt đầu từ năm 1965, nhạc sỹ Đỗ Nhuận viết vở opera đầu tiên của người Việt mang tên “Cô Sao”, ông đã cố gắng chuyển thể các quy tắc tối thiếu trong opera một cách khéo léo. Những vở nhạc kịch (opera) được trình làng tiếp theo như: Người tạc tượng của Đỗ Nhuận, Bên bờ Krông Pa của Nhật Lai, Người giữ cồn của Ca Lê Thuần, Thạch Sanh của Đức Minh, Lá đỏ của Đỗ Hồng Quân, Đam San của Nguyễn Cường,… cũng đều là những vở nhạc kịch được đầu tư dàn dựng công phu, đặc sắc, có ngôn ngữ riêng. Nhạc kịch “Giai điệu tình yêu” của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho cũng là một trong những nỗ lực để đưa nghệ thuật opera đến gần hơn với công chúng. Đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố: trí tuệ, tâm huyết, thời gian, công sức,… mà người nhạc sĩ 89 tuổi chắt chiu để viết trong vòng ba năm (2011 - 2014). Theo nhạc sĩ Doãn Nho, vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” có lẽ sẽ là tác phẩm lớn cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật.

Một số người cũng cho rằng ở các quốc gia có nền âm nhạc phát triển cao thì cùng với âm nhạc giao hưởng, opera là một trong những môn nghệ thuật được chú trọng, nhưng dường như ở Việt Nam, thể loại opera vẫn chưa được quan tâm đúng mức, theo nhạc sĩ Doãn Nho, dòng nhạc opera ở Việt Nam đã tiến bộ hơn trước rất nhiều. Opera, cùng với nhạc giao hưởng, thính phòng, nhạc sân khấu... đã góp phần cho sự phát triển của nền âm nhạc chuyên nghiệp nước ta, nó là một bộ phận làm nên diện mạo hoàn chỉnh cho âm nhạc sân khấu.

Tốt nghiệp Đại học ở Nhạc viện Kiev (Liên Xô) ngành sáng tác lý luận (1962 - 1964) và đạt học vị Tiến sĩ nghệ thuật học tại đây (1973 - 1980), nhạc sĩ Doãn Nho mong muốn vận dụng những kiến thức được học của mình để sáng tác những tác phẩm có tính hàn lâm, có giá trị để lại cho thế hệ sau này. Với tâm niệm đó, ông đã viết hợp xướng “Sóng cửa Tùng” vào những năm 1956 - 1957, rồi giao hưởng “Chiến thắng” từ 1975 - 1976 và gần đây nhất, thanh xướng kịch “Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô” được công diễn vào năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

“Bài ca tình yêu” của nhạc sĩ Doãn Nho dựa trên câu chuyện có thật trong giai đoạn từ chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đến trước chiến dịch Mậu Thân 1968. Đây cũng là vở opera thứ bảy về người lính Cụ Hồ được công diễn ở Việt Nam. Viết về người lính trong chiến tranh nhưng ông không muốn mang đạn bom, chết chóc vào vở mà muốn khai thác khía cạnh tình yêu của họ. “Bài ca tình yêu” đến với nhạc sĩ Doãn Nho từ một mẩu tin trên Báo Tiền phong về một người anh hùng tưởng đã hy sinh trong một trận chiến, nhưng thực ra chỉ bị thương. Sau khi được đối phương chữa lành thì người lính ấy thành tù binh và bị đưa đi làm khổ sai xây dựng sân bay. Nhân sơ hở của lính gác, người lính ấy đã đào thoát thành công và trở về với hàng ngũ của mình để tiếp tục chiến đấu. Nhạc sĩ Doãn Nho đã lấy đó làm “cốt” để tạo thành “Bài ca tình yêu”. Tác phẩm này được ông dồn tất cả tâm huyết cùng với sự thăng hoa về cảm xúc khi suy nghĩ về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhạc sĩ Doãn Nho nhập ngũ năm 1950, thế nhưng thực chất thì ông đã tham gia Đội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, là liên lạc cho đồng chí Vũ Oanh từ năm 1944, khi đó nhạc sĩ mới chỉ 12 tuổi. Sau đó ông đã tham gia các mặt trận Tây Bắc, Việt Bắc rồi vượt dãy Trường Sơn vào mặt trận Tây Nguyên. Qua mỗi mặt trận, mỗi chiến dịch, ông lại có cảm hứng sáng tác để cổ vũ, động viên người lính trong cuộc chiến khốc liệt phía trước. Hòa bình lập lại, độ lùi của thời gian đã giúp nhạc sĩ Doãn Nho có cái nhìn sâu sắc hơn, thấu cảm hơn về chiến tranh, về người lính.

“Tôi viết về người lính cũng như một cách để trả ơn quân đội, trả ơn cuộc đời đã cho tôi những tháng ngày được khoác trên mình bộ quần áo xanh, được trở thành người lính Cụ Hồ” – nhạc sĩ Doãn Nho xúc động chia sẻ.

Theo nhạc sĩ Doãn Nho, điều khó khăn nhất khi viết về đề tài người lính, là phải thấu hiểu, thấu cảm với người lính: “Anh muốn viết về người lính thì anh phải là người lính!” – nhạc sĩ Doãn Nho nhấn mạnh. Có lẽ câu nói này ông muốn nhấn mạnh đến sự thấu hiểu sâu sắc, thậm chí là hóa thân vào người lính để có thể khai thác những khía cạnh chiều sâu tâm hồn, những rung động cảm xúc của người lính một cách tinh vi nhất.

Tình yêu của opera với nghệ thuật truyền thống

Phải nói, để dàn dựng được một vở nhạc kịch quy mô hoành tráng như “Bài ca tình yêu”, các nghệ sĩ cũng phải rất vất vả.

“Tập luyện thì ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam nhưng lại biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, điều này khiến cho vị trí của diễn viên rồi quá trình tập kết, chuẩn bị trang phục, đạo cụ có nhiều thay đổi. Đòi hỏi công tác chỉ huy phải thật sự khoa học, nhanh nhạy để số lượng lớn nghệ sĩ (gần 200 người) tiếp cận được với sân khấu mới. Sự phối kết hợp các thành phần sáng tạo phải thống nhất thì việc chỉ huy biểu diễn mới tạo nên sức mạnh, điều đó đòi hỏi người chỉ huy phải rất tập trung” – nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ.

Công diễn vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”.

Công diễn vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”.

Với số lượng lớn nghệ sĩ đó, chỉ phân bổ thời gian để tập luyện đã khó. Vì có những em học sinh phổ thông tham gia vào vai các em nhỏ ở làng quê nên thời gian tập luyện phải linh hoạt để ban ngày các em còn đi học. Đặc biệt, nhạc kịch cần phải sử dụng giọng thật, nếu có sử dụng âm thanh chỉ mang tính hỗ trợ, bổ trợ nên ekip rất cân nhắc để đúng với bản chất của nhạc kịch. Chưa kể, bên cạnh yêu cầu về giọng hát tốt, người nghệ sĩ cũng cần phải thành thạo cả kỹ năng diễn xuất, kỹ năng nhảy múa và thể hiện cảm xúc trên sân khấu.

Hơn nữa, một vấn đề được đặt ra với nhạc sĩ Doãn Nho, đó là làm thế nào để xây dựng một vở nhạc kịch opera mang bản sắc của dân tộc?

Nhạc sĩ Doãn Nho đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Mặc dù là vở nhạc kịch nhưng “Bài ca tình yêu” đã khai thác những đặc thù rất riêng của nghệ thuật cải lương, tuồng, chèo, kết hợp giữa dân tộc và hiện đại để phù hợp với khán giả hiện nay, nhất là khán giả trẻ. Đây là một vở nhạc kịch rất dung dị, đậm đặc màu sắc, âm hưởng của âm nhạc dân tộc nên rất dễ nghe, dễ đi vào lòng người.

Nếu tinh ý, ta sẽ thấy rõ sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nằm ẩn sau ngay trong câu chuyện. Đó là câu chuyện về tình yêu của người lính ngoài chiến trường với hậu phương, mối quan hệ của tình quân dân, mộc mạc, êm đềm nhưng sang trọng, hiện đại, gần gũi. Trong vở diễn, nhạc sĩ Doãn Nho còn đặt ra nhiều vấn đề về mối quan hệ giữa các tôn giáo và giải trình bằng ngôn ngữ của nghệ thuật.

“Opera là âm nhạc của phương Tây nên muốn viết cho người Việt thì phải vận dụng dân ca của người Việt. Khi tôi học sáng tác, bí quyết mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận gợi mở cho tôi là phải ngấm dân ca với tất cả tâm hồn của mình, cùng với nắm bắt tính độc đáo trong ngôn ngữ của từng vùng” – nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ.

Theo nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Đỗ Nhuận rất đúng khi ông đã “tự làm lấy” ca từ trong những vở nhạc kịch: “Cô Sao”, “Người tạc tượng”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”. Riêng với vở “Cô Sao”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận không chỉ là tác giả âm nhạc, mà còn là tác giả kịch bản và tham gia cả vào các khâu đạo diễn, phục trang, ánh sáng,…

Theo nhạc sĩ Doãn Nho, đã nói đến dân ca thì không thể không nhắc tới màu sắc hài, bởi vì trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân ta vẫn tồn tại vẫn phát triển, một phần nhờ ở bản chất, bản tính lạc quan. Điều này thể hiện rất rõ trước hết ở các điệu hát của các vai hề trong chèo, tuồng, cải lương. Bà con mình thích đi xem chèo, tuồng, cải lương cũng một phần nhờ các vai hề. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết, thậm chí đã diễn những vai hề trong hoạt cảnh mà mình sáng tác, đem lại tiếng cười hả hê, thích thú trước chiến dịch và cả trong chiến dịch. Ông có nhắc nhạc sĩ Doãn Nho phải nhớ khai thác khía cạnh này khi thâm nhập xuống các địa phương.

Trong “Bài ca tình yêu”, chất hài cũng gắn với hai nhân vật nam trong cảnh hành quân trước trận đánh. Đó là đoạn hát nói trên nền âm điệu ngũ cung của Hùng – Dũng, khi đôi bạn truyền cho nhau kinh nghiệm “Việt hóa” những câu tiếng Anh thông dụng, kiểu như “turn back, take off your shoes” thành “quẫn bách, tích cóp hai ba xu”. Vẻ bỡn cợt lính tráng đem lại hiệu quả tương phản ngay trước cao trào bi hùng cuối màn.

“Chính sự kỳ công của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã góp phần đặt nền móng cho sự sáng tạo tiếp theo của các thế hệ nhạc sĩ cho đến tận bây giờ. Có thể nói, toàn bộ vở “Bài ca tình yêu” từ kịch bản đến âm nhạc với tính cách các nhân vật thể hiện qua các trạng thái tình cảm hỉ, nộ, ai, lạc đều nằm trong hướng đi, hướng sáng tạo mà tôi học được ở nhạc sĩ Đỗ Nhuận” – nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Chiếc khăn piêu”... Ông cũng là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều tác phẩm khí nhạc, điển hình như: “Trẩy hội đền Hùng”, giao hưởng thơ “Tháng Tám lịch sử”, “Thánh Gióng”, thanh xướng kịch “Hoa Lư - Thăng Long”... cho tới nay tác phẩm lớn cuối cùng của ông – vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” đã tiếp tục được Bộ Quốc phòng đầu tư dàn dựng, công diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đọc thêm