“Ám sát” dòng suối 15km
Từ tháng 9/2016 Nhà máy chế biến tinh bột khoai mì thuộc Công ty Cổ phần XNK Bình Phước, nằm ở vị trí đầu nguồn nước (thuộc thôn 2, xã Krông Á) đi vào hoạt động.
Thời điểm đó, nhiều người dân trong vùng khấp khởi mừng vui, bởi có nhà máy đóng tại xã, đồng nghĩa với việc nhiều lao động trên địa bàn sẽ được tạo công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn đi vào hoạt động, nhà máy mì này đã khiến bà con trong vùng phải sống trong khốn khổ.
Đầu tiên là sự cố vỡ đập tại sân phơi bã mì của công ty vào đêm 14/11/2016. Hậu quả, bã mì theo nước tràn ra suối và cả ao cá, ruộng lúa của người dân khiến cá ở suối Krông Á cũng như cá trong ao người dân chết trắng mặt nước. Bên cạnh đó, nhiều ruộng lúa bị nước cùng bã mì từ công ty vùi lấp.
Ngay sáng 15/11, một số hộ dân đã xách những xô cá chết đến trình báo với UBND xã, yêu cầu phải có biện pháp can thiệp, giải quyết về sự cố nói trên. Kết quả, phía nhà máy mì nhận lỗi, triển khai hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng, chia làm hai đợt.
Từ tháng 12/2016 đến nay, hàng trăm hộ dân sống dọc 15km bờ suối Krông Á sống trong khốn khổ vì nhà máy mì cứ xả thải nước bẩn ra suối. “Cứ 2 - 3 ngày họ lại xả thải nước bẩn một lần. Ban đầu, nhà máy mì chỉ xả ban đêm, rồi họ xả luôn cả ban ngày. Giờ dòng suối đen ngòm, nổi bọt, đóng váng, bốc mùi hôi thối rất khó chịu”, anh Hoàng Văn Sòng (41 tuổi, ngụ thôn 4) phản ánh.
Suối Krông Á là nguồn nước chính của bà con trong xã, dùng để tưới tiêu, phục vụ trồng trọt, chăn nuôi của hàng trăm gia đình. Từ khi con suối này bị ô nhiễm, người dân nơi đây lâm vào cảnh khốn khổ vì suốt ngày phải chật vật tìm nước tưới cây, cho gia súc, gia cầm uống.
“Giờ suối bẩn, cá chết sạch, cỏ cây ven suối cũng chết nên chẳng ai dám dùng nước ở đây vào bất cứ việc gì. Thời điểm này đã vào mùa hạn, giếng đào của nhiều gia đình bắt đầu cạn nước, không biết rồi mai mốt nắng to, chúng tôi phải làm sao mà sống?”, anh Sòng lo lắng.
|
Con suối Krông Á bị nhiễm độc nặng vì nhà máy mì xả chất bẩn |
Bò chết, chó ngộ độc, ruộng phải bỏ hoang
Bà Trần Thị Giang (69 tuổi, ngụ thôn 3) cho rằng, trước đây bà có một con bò cái đang chửa, do hay cột ven suối, con bò này cũng uống phải nước xả thải từ nhà máy mì và không đẻ được rồi chết. Bên cạnh đó, 2 con chó của bà cũng ăn phải cá chết ven suối rồi ngộ độc, lăn quay ra chết nốt.
“Cứ kiểu này, không sớm thì muộn dân chúng tôi cũng chết dần chết mòn vì mùi hôi vì nước từ suối ngấm vào nước giếng. Tôi chẳng hiểu phía nhà máy mì làm ăn kiểu gì, lại xả ào ào ra suối một cách bất chấp hậu quả như vậy”, bà Giang bức xúc.
Bà Lý Thị Phảng (50 tuổi, ngụ thôn 3) cho biết thêm, mấy hôm trước bà có việc, phải lội qua suối, khi về thì toàn thân ngứa ngáy và bị chảy máu cam. Đến giờ, bà vẫn cảm thấy chóng mặt, buồn nôn bởi cái mùi hôi ở suối xộc thẳng vào mũi.
Ghi nhận thực tế của PLVN tại hiện trường cho thấy, dòng suối Krông Á rất bẩn, đen, bốc mùi hôi khó chịu. Bên cạnh đó, cuối bãi đất thuộc khuôn viên của nhà máy mì đóng từng vũng nước đen kịt, sùi bọt và cực kì hôi hám. Khi đứng gần suối khoảng 10 phút, ai cũng phản ánh đã cảm thấy đau đầu, chóng mặt, cảm giác rất khó chịu.
Khi trao đổi với anh Ngô Văn Quang (41 tuổi, ngụ thôn 2), người này cho biết, gia đình anh sống gần bãi xả thải của nhà máy mì. Bởi vậy ngày nào cũng bị mùi hôi hành hạ. “Hiện nay, nhiều thửa ruộng trong vùng đã phải bỏ hoang vì nước xả của nhà máy mì tràn vào. Bên cạnh đó, những thửa ruộng còn lại cũng không còn đạt năng suất như trước dù đã được đầu tư lượng phân bón gấp đôi. Cứ đà này, người dân chúng tôi sẽ không thể có cuộc sống ổn định được nữa”, anh Quang phản ánh.
Cũng là một hộ dân sống cách suối Krông Á chưa đầy 100m, anh Bùi Văn Tuấn (33 tuổi, ngụ thôn 2) tỏ ra rất bức xúc vì đứa con nhỏ mới 4 tuổi, theo lời anh, “cứ bị sốt, ho, ăn vào là ói”.
Anh Tuấn nói: “Bà con chúng tôi không phản đối việc nhà máy mì hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi cần nhà máy phải xả thải khi đã xử lý nước để đảm bảo môi trường sinh thái. Nhà máy làm gì thì làm, cũng phải nghĩ đến người dân và môi trường. Nhà máy đặt ở vị trí cao, ở đầu nguồn một nhánh suối mà cứ xả kiểu này đúng là quá gây hại. Giờ con suối đã bị nhà máy “giết chết”, váng bẩn đóng từng lớp, có khắc phục chắc cũng mất rất nhiều thời gian”.
Trước những phản ánh của người dân, PV đã liên hệ với người phụ trách nhà máy mì để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên qua điện thoại, người này bảo đang “ở ngoài huyện” và từ chối gặp mặt.
|
Nhà máy mì cố tình vi phạm khiến hàng trăm hộ dân sống trong khổ sở |
Chính quyền địa phương nói gì
Trao đổi với PLVN về vụ việc trên, đại diện UBND xã Krông Á cho biết, sau khi nhận phản ánh của người dân, xã đã nhiều lần họp, tiếp xúc cử tri, đối thoại với bà con. Bên cạnh đó, xã cũng nhiều lần báo cáo lên huyện để xin ý kiến chỉ đạo và cùng phối hợp xử lý vi phạm của nhà máy nêu trên.
Gần đây nhất, vào ngày 21/3, UBND xã đã mời đại diện nhà máy mì lên làm việc, viết cam kết không xả thải ra suối khi nước thải chưa được xử lý theo quy định. Tuy nhiên, phía nhà máy mì vẫn tiếp tục vi phạm, nhiều lần xả thải ra môi trường khiến người dân bức xúc.
Một cán bộ xã Krông Á cho biết: “Dòng nước thải từ nhà máy mì chảy qua 15km suối ở địa bàn xã, sau đó còn chảy qua địa bàn xã Cư San. Thẩm quyền của xã có hạn nên không giải quyết triệt để được vấn đề này mà phải báo cáo lên cấp trên”.
Ở cấp cao hơn, ông Khương Văn Phong, Trưởng Phòng TN&MT huyện Ma Đrắk cho biết, vào tháng 9/2016, nhà máy mì Bình Phước tiến hành cho chạy thử. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng phát hiện nhà máy này còn một số hạng mục môi trường như sân phơi, hệ thống xử lý nước thải chưa đáp ứng được như phê duyệt của tỉnh.
Không lâu sau, UBND huyện Ma Đrắk thành lập đoàn kiểm tra, báo cáo những thiếu sót, hạn chế của nhà máy mì lên cấp tỉnh. Cuối năm 2016, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng Sở Tài nguyên & Môi trường xuống kiểm tra thêm một lần nữa. Kết quả, UBND tỉnh đã có văn bản, yêu cầu nhà máy mì dừng chạy thử nghiệm để khắc phục, hoàn thiện hệ thống xả thải, sân phơi.
Cũng theo ông Phong, đại diện nhà máy mì cam kết sẽ thực hiện theo nội dung mà UBND tỉnh Đắk Lắk công bố. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng vắng bóng, nhà máy này lại tiếp tục hoạt động, liên tục xả thải nước ra suối, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí.
Ông Phong cho biết: “Trước mặt cơ quan chức năng, đại diện nhà máy hứa, cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng, khi cán bộ các ban ngành rời đi, mọi chuyện đâu lại vào đó, nhà máy vẫn tiếp tục xả thải. Theo quy định, nước chảy ra suối phải đạt chất lượng B, tức là có thể nuôi cá, thả bèo được.
Hiện giờ, chưa có cơ quan nào đưa mẫu nước mà công ty xả ra suối đi kiểm tra nên không thể khẳng định nước bị ô nhiễm tới mức nào. Tuy nhiên, nhìn bằng mắt thường thì nước mà nhà máy mì xả thải đục, có mùi hôi.
Quan điểm của chúng tôi là phải xử lý kiên quyết, cho nhà máy tạm dừng hoạt động để khắc phục thiếu sót chứ không thể tiếp tục như thế này được. Trong nay mai, huyện sẽ cho mời đại diện nhà máy ra trụ sở để làm việc về vấn đề trên”.