Cũng trong ngày, Đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp và thi hành án dân sự của tỉnh. Tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, đồng chí Y Dhăm Ênuôl - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Chuyển biến đồng bộ
Đại diện tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo với Đoàn công tác kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 48. Theo đó, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 48, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai phổ biến, quán triệt Nghị quyết 48 đến các đồng chí Tỉnh ủy viên, các Huyện, Thành ủy và đảng ủy trực thuộc; đồng thời chỉ đạo các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết đã đề ra.
Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ và chuyển biến cơ bản; hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, động lực mạnh mẽ để tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Sau 10 năm triển khai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả tích cực.Từ năm 2005 đến nay, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành tổng số 887 văn bản quy phạm pháp luật.
Nhìn chung, các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành đều đảm bảo về trình tự thủ tục và nội dung phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự xã hội. Cũng trong 10 năm qua, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 64 văn bản quản lý ngành trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có 15 văn bản liên quan đến luật (bao gồm 3 nghị quyết, 5 quyết định và 7 chỉ thị).
Việc thực hiện Nghị quyết 48 đã từng bước đề cao được trách nhiệm và sự chuyển biến khá đồng bộ của hệ thống chính trị ở tỉnh Đắk Lắk đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật tại địa phương. Các cấp ủy Đảng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo công tác ban hành văn bản và tổ chức thi hành pháp luật.
Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp luật từng bước được nâng lên và có hiệu quả. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác pháp luật được củng cố, kiện toàn từng bước đạt yêu cầu nhiệm vụ, giải quyết được tình trạng thiếu hụt cán bộ pháp lý ở các cơ quan nhà nước như những năm trước đây.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế nhất định như việc phát triển hệ thống thông tin và phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường năng lực tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật chưa thực sự hiệu quả, rõ ràng; việc phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực làm công tác pháp luật tại địa phương vẫn còn hạn chế. Công tác theo dõi thi hành pháp luật và xử lí vi phạm hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.
Nghiên cứu để có những kiến nghị xác đáng
Sau khi nghe Tỉnh ủy Đắk Lắk báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận xét, về cơ bản tỉnh đã bám sát những nội dung mà Ban Chỉ đạo đã có hướng dẫn. Bộ trưởng cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của đại diện các sở, ban, ngành tỉnh để báo cáo Ban Chỉ đạo.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh, Nghị quyết 48 hết sức quan trọng và cần thiết trong hoàn cảnh đất nước từng trải qua chiến tranh và nhiều thời kỳ khó khăn. Sau 20 năm đổi mới, nhìn lại với chuẩn mực của Nhà nước pháp quyền, với yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế, lần đầu tiên Đảng đề ra chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đến năm 2005, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo với 6 định hướng lớn về hoàn thiện hệ thống Nhà nước pháp luật với hai nhóm giải pháp.
Bộ trưởng cũng đề nghị Tỉnh ủy Đắk Lắk bám sát hơn nữa vào các giải pháp trong công tác thi hành pháp luật tại địa phương; từ những vấn đề cụ thể của địa phương cần đề xuất, kiến nghị với Trung ương. Qua đó, Bộ Chính trị sẽ có những đánh giá đầy đủ, khách quan, từ đó có những giải pháp, định hướng trong thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng, đồng chí Phạm Minh Tấn –Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện báo cáo, nghiên cứu để có những kiến nghị xác đáng góp ý xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam được tốt hơn.
Cũng sáng 20/7, Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, THADS 6 tháng đầu năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh Đắk Lắk tập trung làm tốt các lĩnh vực của công tác tư pháp; công tác THADS có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế như: công tác tổ chức cán bộ chưa hợp lý, việc giải quyết án tồn đọng còn chậm, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà, công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật chưa được triển khai đồng đều, chưa đi vào chiều sâu. Hoạt động trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn, công tác hộ tịch, chứng thực ở một số địa phương chưa được tốt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá cao những kết quả trong hoạt động tư pháp, THADS mà tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác cải cách thủ tục hành chính, phổ biến pháp luật, hòa giải cơ sở cũng như đẩy mạnh công tác THADS...
Cũng trong chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, đoàn công tác Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu đã đến thăm và dự Lễ khởi công xây dựng Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột giai đoạn 2.
|
Ông Nguyễn Hùng Vừa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột cho biết, Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột là trường trung cấp luật đầu tiên trong hệ thống 5 trường trung cấp luật thuộc Bộ Tư pháp. Sau 6 năm thành lập, Trường đã tuyển sinh và đào tạo 7 khóa, hoàn thành chương trình đào tạo 5 khóa, cấp bằng tốt nghiệp trung cấp luật cho gần 2.600 học sinh, sinh viên nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho sự đổi mới công tác tư pháp – hộ tịch cấp xã, phường, thị trấn ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung. Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp gần 10ha đất tại phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo và lưu trú cho học sinh, sinh viên.