“Tiền hậu bất nhất”, liên tục điều chỉnh
Hộ bà Thái Thị Minh (thôn Tân Lập, xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa) khai hoang, sử dụng đất ổn định từ năm 1990. Đến năm 2002, đất được UBND huyện Đắk Nông (cũ) cấp GCNQSDĐ diện tích 8.795m2, năm 2011 được UBND thị xã Gia Nghĩa cấp lại GCNQSDĐ diện tích 8.595m2 (thửa 317, tờ bản đồ số 2, thôn Tân Lập), trong đó có 280m2 đất ở tiếp giáp QL14.
Năm 2015, thị xã Gia Nghĩa ra quyết định thu hồi một phần thửa đất trên của bà Minh để làm dự án đường tránh đô thị Gia Nghĩa. Việc thu hồi sau đó được điều chỉnh, thay đổi nhiều lần, ban đầu xác định đất HLATGT là 319m2, sau đó giảm xuống 249,1m2.
Cạnh đó, chị Trần Thị Hương (con gái bà Minh) cũng bị thu hồi hơn 80m2, trong đó xác định đất hành lang 68m2 nhưng không được bồi thường. Chị Hương khởi kiện yêu cầu huỷ quyết định thu hồi, bồi thường đất bởi cho rằng sai luật, tuy nhiên TAND tỉnh Đắk Nông đã bác bỏ. Vụ án sắp tới sẽ được TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc phẩm.
Ngày 11/8/2016, thị xã Gia Nghĩa ra Quyết định 1461/QĐ-UBND, thu hồi của bà Minh 556m2, trong đó đất HLATGT 249,1m2, đất ngoài HLATGT 306,9m2, gồm đất ở và đất nông nghiệp. Cùng với đó là, Quyết định 1462/QĐ-UBND phê duyệt bồi thường. Ngay sau đó, chính quyền tiếp tục điều chỉnh diện tích từng loại đất thu hồi ngoài HLATGT.
Ngoài việc thu hồi, bồi thường một cách “tiền hậu bất nhất”, liên tục điều chỉnh, việc cưỡng chế thu hồi đất cũng gây nhiều bức xúc. Như ngày 05/9/2016, chính quyền ra thông báo thì sáng 8/9/2016 đã tiến hành cưỡng chế, gây hư hỏng, mất mát nhiều tài sản gia đình.
Năm 2017, bà Minh khởi kiện, yêu cầu huỷ Quyết định 1461 và 1462. Bà Minh cho rằng căn cứ GCNQSDĐ số CH 00798 bà được cấp năm 2011, không hề có phần đất HLATGT, chỉ có đất ở nằm tiếp giáp quốc lộ 14 với diện tích là 280m2.
Như vậy, khi thu hồi 556m2 đất mặt tiền đường thì phần đất ở của bà cũng nằm toàn bộ trong phần đất thu hồi. Việc thu hồi trên thực địa cũng không đúng với sơ đồ kèm theo thông báo. Đối với phần đất phía trong, phải căn cứ vào hiện trạng để xác định đúng bản chất loại đất thu hồi. Quyết định 1461 xác định diện tích, loại đất không đúng thực tế nên Quyết định 1462 cũng không đúng quy định.
Ngoài ra, việc chính quyền không bồi thường diện tích 249,1m2 được cho là thuộc HLATGT cũng trái luật. Theo Luật Đất đai, toàn bộ diện tích thu hồi 556m2 phải được bồi thường. Nhất là khi phần đất này được gia đình bà sử dụng từ năm 1990, bỏ nhiều tiền của để tôn tạo, nâng nền. Ngoài ra, mức giá bồi thường đất cũng quá thấp với thị trường.
Vấn đề nữa, phần đất ở còn lại của bà Minh sau thu hồi được xác định là hơn 90m2. Nhưng thực tế đây là triền đồi, độ dốc rất lớn, càng nâng nền càng nguy cơ sạt lở, không thể xây nhà an cư như trước đây. Theo bà Minh, ngay từ đầu UBND thị xã Gia Nghĩa đã lập lờ, xác định sai loại đất thu hồi nhằm né việc bồi thường và trốn tránh nghĩa vụ tái định cư cho dân.
Toà bị tố căn cứ bản đồ nguỵ tạo để tuyên án
Tại buổi xét xử ngày 22/9/2017 của TAND tỉnh Đắk Nông, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Gia Nghĩa cho rằng phần đất của bà Minh thuộc HLATGT thì không được bồi thường. Đối với phần đất ở, bà Minh xây nhà diện tích bao nhiêu thì bồi thường đất bấy nhiêu.
Đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, năm 2002 khi cấp GCNQSDĐ cho bà Minh, chính quyền đã trừ ra HLATGT với lộ giới giao thông 25m tính từ tim đường. Có nghĩa diện tích này không nằm trong GCNQSDĐ của bà Minh và không được bồi thường, là đúng quy định. Tuy nhiên, vị này không đưa ra căn cứ rõ ràng mà chỉ nói là theo bản đồ địa chính xã Quảng Thành số 02 và GCNQSDĐ cấp cho bà Minh.
Quan điểm trên, theo nhiều ý kiến, là trái luật. Cụ thể, Thông tư 17/2009/TT-BTNMT quy định, trường hợp một phần thửa đất thuộc HLATGT “đã công bố, cắm mốc” thì trên GCNQSDĐ phải ghi rõ diện tích đó là bao nhiêu, phải thể hiện trên sơ đồ. Ở đây, GCNQSDĐ của bà Minh chỉ thể hiện phần đất ở 280m2 giáp QL14, không hề có phần HLATGT.
Mặt khác, bản đồ địa chính năm 2002 chính quyền cung cấp cho Toà không hề thể hiện HLATGT là bao nhiêu lẫn quy định cụ thể để áp dụng. Bản đồ còn có dấu hiệu chỉnh sửa khi xuất hiện thửa đất số 318, diện tích 200m2 mà tận 9 năm sau, tức năm 2011, bà Minh mới tặng cho con gái. Tức là bản đồ năm 2002 lại có 2 thửa đất hình thành năm… 2011.
Thế nhưng, kỳ lạ là toà vẫn đồng tình với ý kiến của đại diện VKS và chính quyền địa phương. Với những yêu cầu về tái định cư, hỗ trợ chi phí đầu tư, bồi thường về đất, Toà cũng cho rằng địa phương làm đúng quy định. Từ đó, Toà bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bà Minh đã kháng cáo lên TAND Cấp cao tại TP HCM.
Bà Minh cho hay, phần đất chính quyền xác định là đất ở vốn trũng sâu, có chỗ sâu hơn 10m, nhưng vì không còn cách nào khác, bà phải đổ hơn 100 triệu đồng tiền đất. Hết tiền, vợ chồng dựng căn nhà tạm vách gỗ ở qua ngày nhưng nhà dựng xong thì nền móng nứt nẻ vì đất nền sụp lún. “Chính quyền nói phần đất còn lại đủ điều kiện ở được nhưng chúng tôi ngày đêm nơm nớp lo sợ, không biết nhà sập lúc nào”, bà Minh trần tình.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM), vụ việc thu hồi đất này được áp dụng theo Luật Đất đai 2013. Đối với hộ bà Minh thì giấy chứng nhận QSDĐ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền lợi hợp pháp của bà. Quan điểm của các cơ quan chức năng không đúng sự thật khách quan và áp dụng sai quy định pháp luật, trái với khoản 2 Điều 8 Thông tư 17/2009/TT-BTNMT.
Ngoài ra, QSDĐ của bà Minh không thể hiện diện tích nào thuộc HLATGT. Bà Minh được cấp lại GCNQSDĐ năm 2011, đến năm 2013 mới có quy hoạch chỉ giới đường đỏ QL14 là 43m. Như vậy GCNQSDĐ cấp cho bà Minh không thể nào thể hiện 249,1m2 thuộc HLATGT. Căn cứ theo GCNQSDĐ, phần đất bị thu hồi tiếp giáp đường phải là đất ở chứ không phải đất thuộc HLATGT.