Đắk Song (Đắk Nông): Đất rừng giảm sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đây là thông tin được nêu tại Kết luận thanh tra số 131/KL-TTr về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đắk Song mà Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa công bố.
Cây bị chết khô tại rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn huyện Đắk Song.
Cây bị chết khô tại rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn huyện Đắk Song.

Theo Kết luận thanh tra (KLTT), trước năm 2013, diện tích rừng trên địa bàn huyện Đắk Song chủ yếu là do các Công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất để quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và thực hiện dự án phát triển nông, lâm nghiệp.

Từ năm 2013 - 2018 Sở NN&PTNN tỉnh Đắk Nông tham mưu UBND tỉnh ban hành 3 quyết định quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng. Qua thanh tra cho thấy, diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng của huyện Đắk Song liên tục giảm qua 3 lần quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.

Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn huyện Đắk Song giai đoạn 2013 - 2018 trong thời gian là 5 năm, nhưng phải điều chỉnh quy hoạch 2 lần là không đúng với kỳ quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng quy định tại điều 16 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.

Ngoài ra, quy hoạch, điều chỉnh 3 loại rừng của huyện Đắk Song chủ yếu dựa vào hiện trạng biến động diện tích 3 loại rừng, không đảm bảo tính định hướng ổn định cho công tác bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn.

Trước khi đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, diện tích đất lâm nghiệp có nguồn gốc rừng tự nhiên bị phá, bị lấn chiếm nhưng chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông không có biện pháp xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Đáng chú ý, từ năm 2010-2019, diện tích rừng trên địa bàn huyện Đắk Song giảm hơn 3.286,25 ha, có liên quan đến trách nhiệm của UBND huyện là 521,47 ha. Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Đắk Song đã không chỉ đạo triển khai lập kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đối với diện tích rừng do UBND tỉnh thu hồi của các công ty giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý, bảo vệ.

Cùng với đó, diện tích rừng thuộc trách nhiệm quản lý, bảo vệ của UBND huyện Đắk Song bị giảm, thể hiện việc buông lỏng công tác QLBVR, không kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép...

Mặt khác, việc giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 và bản Đắk Lép cho 66 nhóm hộ gia đình và các tổ chức không đúng đối tượng, nhưng UBND huyện Đắk Song mới ban hành 44 văn bản thu hồi.

Ngoài ra, nội dung ghi trong GCNQSDĐ được UBND huyện Đắk Song cấp cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, tổ chức nhận QLBVR không hạn chế một số quyền lợi theo quy định. Việc này sẽ dẫn đến hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ gia đình, tổ chức được cấp GCNQSDĐ lạm dụng về quyền sở hữu, sử dụng diện tích rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 và đất rừng đã nhận khoán để thế chấp vay vốn, huy động vốn, sang nhượng trái pháp luật.

Đặc biệt, trong thời gian Thanh tra tỉnh Đắk Nông đang tiến hành thanh tra nhưng vẫn xảy ra tình trạng san ủi, lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên diện tích rừng phòng hộ nhưng UBND huyện Đắk Song, UBND các xã Nâm N’Jang, Trường Xuân không xử lý cương quyết, để tình trạng tồn tại hành vi vi phạm.

Qua thanh tra cho thấy, tại UBND xã Nâm N’Jang, diện tích rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 và bản Đắk Lép được giao cho UBND xã quản lý, bảo vệ từ năm 2015 đến tháng 11/2020 là hơn 229,126 ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra xác định có 70,533ha bị các hộ dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng. Đối với diện tích 441,98 ha rừng của các công ty giao quản lý, bảo vệ, nhưng UBND xã Nâm N’Jang chưa xây dựng phương án quản lý, bảo vệ, để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm so với thời điểm bàn giao là 177,743ha.

Tại UBND xã Trường Xuân, diện tích 111,99ha rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 được UBND huyện Đắk Song giao cho quản lý nhưng đã để người dân chặt phá, lấn chiếm 19,57ha. Ngoài ra, đối với diện tích 356,53ha rừng được UBND tỉnh thu hồi của các công ty lâm nghiệp giao về cho quản lý, UBND xã Trường Xuân đã không xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm 252,47ha.

Cũng theo KLTT, diện tích đất có rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14, giai đoạn 2010-2015, UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Chi cục Kiểm lâm quản lý là 315,92 ha, nhưng để người dân phá rừng, ken cây, lấn chiếm đất, sử dụng trái phép 58,94 ha.

Mặt khác, trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, tình trạng mất rừng trên địa bàn huyện Đắk Song, nhất là tại 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân có liên quan đến trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2012 - 2020.

Đọc thêm