Đảm bảo nguyên tắc công bằng trong pháp luật thuế thu nhập cá nhân

(PLO) - Góp ý sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Ths. Ls Nguyễn Đức Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TV - TM Trí Nguyễn, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, cần phải coi trọng và triệt để thực hiện nguyên tắc công bằng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ths.Ls Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, nguyên tắc công bằng yêu cầu tất các các đối tượng nộp thuế có thu nhập như nhau thì có nghĩa vụ thuế tương đương.

Hiện nay, thu nhập chịu thuế bao gồm: Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ trúng thưởng và các thu nhập khác. Tuy nhiên, căn cứ tính thuế đối với cá nhân cư trú là không giống nhau. 

Nên thống nhất căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân là thu nhập nhận được

Thứ nhất, hoạt động đầu tư vốn chịu thuế suất 5% thu nhập; hoạt động chuyển nhượng vốn chịu thuế suất 0,1% doanh thu; hoạt động chuyển nhượng bất động sản chịu thuế suất 2%  doanh thu. “Ở đây không thể hiện căn cứ tính thuế là thu nhập mà lại phụ thuộc vào doanh thu. Như vậy, sự không công bằng nảy sinh là cá nhân bắt buộc phải chịu nghĩa vụ thuế kể cả khi thua lỗ” – ông Nghĩa nhận định – “Điều này dẫn tới hai hệ lụy. Thứ nhất, khi kinh doanh được thì cá nhân sẵn sàng nộp thuế, khi kinh doanh khó khăn (như thời kỳ 2011-2013), cá nhân sẽ lý luận để trốn tránh nghĩa vụ thuế với lý do không có thu nhập, do đó không có khả năng nộp thuế. Điều đó dẫn tới việc Bộ Tài chính phải điều chỉnh, miễn giảm, gây méo mó luật pháp”.

Hệ lụy thứ hai là, cá nhân luôn tìm cách lợi dụng khe hở luật pháp để trốn tránh nghĩa vụ thuế. Họ sẽ áp dụng thuế đầu tư vốn hay chuyển nhượng chứng khoán để đem lại lợi ích nhiều nhất. Vấn đề này gây thất thu thuế và  làm cho các quy  định pháp luật trở nên vô hiệu.

“Do đó, tôi kiến nghị nên thống nhất căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân là thu nhập nhận được, tức là phần lãi cá nhân nhận được do hoạt động kinh doanh của mình” – ông Nghĩa nói – “Trước đây, các cá nhân thường viện cớ về hóa đơn, chứng từ, thanh toán… để phản đối căn cứ tính thuế trên thu nhập. Nay do sự phát triển của công nghệ và pháp luật chặt chẽ, đồng bộ của hóa đơn, ngân hàng thì việc tính thuế theo qui chuẩn chung của thế giới là hoàn toàn có thể thực hiện”.

Một tình huống khác là hoạt động đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp chịu thuế suất 5% trên doanh thu, trong khi thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công tính thuế theo biểu lũy kế từng phần, với thuế suất cao nhất lên tới 35%. Điều này cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa 2 cá nhân có thu nhập cao (trên 80 triệu đồng/ tháng) hoạt động ở 2 lĩnh vực trên.

“Do đó, tôi kiến nghị nên cùng tính thuế trên thu nhập nhận được. Điều này không những đảm bảo sự công bằng thuế mà còn có tác dụng thu hút nhân tài hoạt động trong các đơn vị kinh doanh, hành chính công … phục vụ yêu cầu quản lý và phát triển đất nước” – ông Nghĩa đưa ra đề xuất.

Khởi điểm thu nhập tính thuế: bao nhiêu?

Hiện nay, mức khởi điểm thu nhập tính thuế được xác định là 9 triệu đồng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng đối với người phụ thuộc. “Chưa đề cập tới căn cứ này đúng hay sai, nhưng mức khởi điểm này chắc chắn là khó bền vững khi nhu cầu giảm thuế của các cá nhân luôn gia tăng” – ông Nghĩa nhận định. Vì thế, ông kiến nghị, cần có căn cứ có tính pháp lý để xác định mức khởi điểm tính thuế. Đó là mức thu nhập tối thiểu để một cá nhân tồn tại, được Chính phủ quy định từng thời kỳ, gọi là mức tiền lương tối thiểu vùng. Mức thu nhập này có căn cứ pháp lý nhà nước nên rất dễ thuyết phục dư luận. Hơn nữa, cần thuyết phục dư luận đây là Luật thuế thu nhập cá nhân, tức là có thu nhập thì tính thuế và là nghĩa vụ chung của người có thu nhập, chứ không phải là Luật thuế thu nhập cao – tức là chỉ tính thuế người giàu.

Bên cạnh đó, cần xem xét nghiên cứu nâng mức khấu trừ người phụ thuộc ngang bằng người nộp thuế chính, bởi vì họ cũng có đầy đủ các nhu cầu cơ bản tối thiểu (ăn, mặc, ở..) như nhau. 

Hiện nay, thuế thu nhập doanh nghiệp chịu thuế suất 20% và sẽ giảm xuống 15%-17% và được khấu trừ tất cả các chi phí hợp lệ liên quan. Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân chịu thuế suất cao nhất 35% và không được khấu trừ chi phí. Do đó, ngoài việc cân bằng thuế suất giữa 2 sắc thuế này, cũng  cần xem xét, bổ sung các khoản “Không tính vào thu nhập chịu thuế” nếu đáp ứng các nguyên tắc cơ bản là phục vụ các chi phí cơ bản của con người ( ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh..) và có hóa đơn, chứng từ  hợp pháp.

“Cụ thể, bổ sung một số khoản chi phí sau khi tính giảm trừ thu nhập cá nhân: Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có); Tiền học bản thân, con cái; Các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ…; Mua nhà ở, du lịch, bảo hiểm, phương tiện đi lại…; Viện phí và chi phí chữa bệnh hiểm nghèo đối với bản thân, vợ/chồng, cha mẹ, con cái. Lý do là các chi phí này góp phần vào việc tái tạo sức lao động của các cá nhân tạo thu nhập” – ông Nghĩa gợi ý.

Bên cạnh việc đảm bảo sự công bằng về thuế thu nhập giữa thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, giữa thuế thu nhập cá nhân tiền lương, tiền công và thuế thu nhập cá nhân các ngành nghề khác, pháp luật thuế cũng cần rõ ràng, dễ thực hiện, nhất quán để việc chấp hành pháp luật thuế trở nên tự nguyện, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế trong xã hội, vừa góp phần gia tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước với yêu cầu có thu nhập là có thuế, vừa góp phần giảm thiểu tình trạng trốn lậu thuế bằng việc khuyến khích nhu cầu lấy hóa đơn để khấu trừ của người nộp thuế.

Đọc thêm