Theo quy định tại Điều 56 Luật ĐGTS thì sau khi có quyết định của người có thẩm quyền, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS về việc lựa chọn tổ chức đấu giá.
Việc lựa chọn tổ chức ĐGTS căn cứ vào các tiêu chí tại khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS (gồm tiêu chí về phương án đấu giá; năng lực, kinh nghiệm, uy tín của tổ chức đấu giá, cơ sở vật chất, thù lao dịch vụ đấu giá…) và các tiêu chí cụ thể khác phù hợp với tài sản do người có tài sản quyết định để lựa chọn được tổ chức đấu giá có đủ năng lực thực hiện việc ĐGTS.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn tình trạng người có tài sản khi đưa ra tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS đã đề ra các tiêu chí “chủ quan”, thiếu minh bạch, không trực tiếp liên quan đến việc tổ chức cuộc đấu giá mà chủ yếu hướng đến tổ chức đấu giá đã được lựa chọn trước, “sân sau”. Ví dụ, tiêu chí đấu giá viên đồng thời là luật sư có kinh nghiệm 10 năm hành nghề; phải tốt nghiệp chuyên ngành hàng hải, điện lực; phải tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, hệ chính quy; có học vị thạc sĩ, tiến sĩ; tổ chức đấu giá được lựa chọn phải có ít nhất 5 chi nhánh trong cả nước, có tên trong mạng hệ thống đấu thầu quốc gia…
Việc đưa ra các tiêu chí như trên là mang tính chủ quan, tạo điều kiện cho việc lựa chọn các tổ chức ĐGTS là “sân sau” của người có tài sản, có thể làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động ĐGTS, thông đồng giữa người có tài sản với tổ chức ĐGTS, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản bán đấu giá (nhất là hiện nay hầu hết tài sản đấu giá là tài sản công trong đó 90% là quyền sử dụng đất).
Từ tình hình thực tiễn nêu trên, việc hướng dẫn thống nhất về các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS theo hướng cụ thể hoá các tiêu chí tại Điều 56 Luật ĐGTS để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ĐGTS theo khoản 2 Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho người có tài sản thực hiện việc lựa chọn và thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thực tế là rất cần thiết. Do đó, Bộ Tư pháp hiện đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định cách đánh giá tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS được thực hiện theo phương pháp chấm điểm với thang điểm tối đa là 100. Tổ chức ĐGTS được chọn là tổ chức có tên trong danh sách tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố và phải có tổng số điểm chấm cao nhất theo các tiêu chí. Để dự liệu trường hợp có từ 2 tổ chức ĐGTS trở lên có số điểm chấm bằng nhau, dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn tổ chức ĐGTS theo thứ tự ưu tiên: tổ chức có số điểm của tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín cao hơn; tổ chức có số điểm về tiêu chí phương án đấu giá khả thi, hiệu quả cao hơn.
Trường hợp có từ 2 tổ chức đấu giá trở lên có số điểm chấm bằng nhau sau khi được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên nêu trên thì người có tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn. Dự thảo Thông tư quy định cụ thể người có tài sản có trách nhiệm thông báo công khai kết quả chấm điểm cụ thể theo các tiêu chí của tổ chức đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả theo các hình thức tương tự như khi thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức ĐGTS.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS, dự thảo Thông tư quy định 05 nhóm tiêu chí và các tiêu chí thành phần cụ thể để lựa chọn tổ chức ĐGTS. Cụ thể là, nhóm tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức ĐGTS; nhóm tiêu chí về thù lao dịch vụ ĐGTS, chi phí ĐGTS phù hợp; nhóm tiêu chí khác theo tính chất của tài sản đấu giá, tình hình thực tiễn tổ chức việc đấu giá do người có tài sản quyết định.