Đám tang của người Mông trong cái nhìn xuyên thời gian...

(PLVN) - Đối với bất kỳ dân tộc nào, các giá trị văn hoá của dân tộc đều được thể hiện trong dân ca, dân vũ, trang phục, tập tục ma chay, cưới xin, nghi lễ, nghi thức thờ cúng tổ tiên, thần linh, ở các lễ, hội của thôn bản trong năm.
Đám tang của người Mông.
Đám tang của người Mông.

Trong đó, tang ma là một nghi lễ thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự tri ân giữa người sống với người đã mất. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của đời sống hiện hành, không ít vấn đề được coi là hủ tục vẫn hiện hữu trong những nghi lễ đó, mà làm thế nào để thay đổi rất cần một góc nhìn thấu đáo…

Năm 2019, Huyện ủy Mèo Vạc đã đưa “Đề án cải tiến tổ chức đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Mèo Vạc giai đoạn 2019 - 2022 và những năm tiếp theo”. Theo đó, trong những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong huyện đã triển khai việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bước đầu đã tạo được chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tang trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế như: tổ chức ăn uống dài ngày, quy định số trâu, bò, lợn, gà phải mổ rất rườm rà, tốn kém, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Một số nơi vẫn còn tập quán lạc hậu như đốt nhiều vàng mã, rắc rải vàng mã trên đường đưa tang, để thi hài quá lâu… Do đó, Đề án sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo nhận thức cho người dân về việc thay đổi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong tang lễ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh…

Ở một góc độ khác, người Mông nói chung và người Mông ở Hà Giang nói riêng, khi con người từ bỏ cõi trần gian để về với tổ tiên, người Mông xem đó sự thuận theo quy luật của tự nhiên. Dựa trên đối tượng và nguyên nhân của người chết mà người Mông có những nghi lễ tổ chức tang ma khác nhau.

Tại tọa đàm “Đám tang văn minh” nằm trong Chuỗi tọa đàm Góc nhìn Tiên Phong do Mạng lưới Tiên Phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số (DTTS) và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp thực hiện mới đây, các nhà làm chính sách và các bên liên quan, đã mang đến những góc nhìn rất khác từ câu chuyện tang lễ của người Mông.

Góc nhìn được xây dựng thông qua các câu chuyện thực tiễn của những người Mông đến từ các cộng đồng người Mông khác nhau là ông Mã A Vàng ở huyện Sapa – Lào Cai và ông Giàng Mí Hờ ở huyện Mèo Vạc – Hà Giang.

Hai câu chuyện, hai góc nhìn

Kể câu chuyện của mình từ góc độ của một người đảm nhiệm công việc thổi khèn trong đám ma người Mông, ông Mã A Vàng cho biết, xưa kia theo truyền thống tổ tiên để lại, người Mông không đưa người chết vào quan tài mà thay vào đó để trong “ki” (một dạng cáng, đòn khiêng đan bằng tre hoặc gỗ để đưa người chết đi chôn cất) và để trong nhà dài ngày để người chết biết mình đã chết, theo quan niệm người Mông.

Ông Mã A Vàng lý giải tục người chết để trong “ki” bằng một câu chuyện kể rằng vào thời xa xưa, người Mông cũng dùng quan tài để chôn người chết, tuy nhiên, quan tài nặng không phải ai cũng có thể khiêng ra nơi chôn cất được nên chỉ có một nhóm người khỏe làm. Sau khi chôn cất xong, nhóm người khỏe trở về và được ưu tiên mời rượu thịt ăn trước nhóm người yếu phục vụ tang lễ ở nhà. Sự bất đồng nảy sinh giữa hai nhóm này đã khiến người già trong họ tộc đi đến một quyết định dùng “ki” trong đám tang để người khỏe, người yếu đều được tham gia giúp đỡ gia chủ.

“Nhưng đến năm 2004-2005 từ sự vận động của chính quyền nhằm hướng tới nếp sống văn hóa trong việc tang, việc cưới, người Mông ở địa phương chúng tôi đã dần thay đổi. Chúng tôi đã sử dụng quan tài thay cho “ki”, không để người chết quá lâu trong nhà, không mổ trâu bò tốn kém trong tang lễ. Bây giờ hầu hết người Mông ở Sapa đều tổ chức đám tang như vậy, duy chỉ có xã San Sả Hồ có 50 hộ bao gồm những họ lớn như họ Sùng, Mã, Hồ… thì có một họ vẫn chưa thực hiện theo nếp mới và chính quyền đang tiếp tục vận động. Bản thân tôi thấy việc dùng quan tài và không để người chết quá lâu trong nhà cũng không khiến có ai trong họ bị lụn bại như quan niệm trước kia” – ông Mã A Vàng cho biết.

Cũng có một câu chuyện tương tự để lý giải tục dùng “ki” trong đám tang như ông Mã A Vàng, ông Giàng Mí Hờ ở huyện Mèo Vạc – Đồng Văn bổ sung thêm, trong văn hóa của mình người Mông quan niệm “ki” tượng trưng cho con ngựa đưa người mất về với tổ tiên. Vì thế, nếu để vào quan tài, người chết sẽ không có phương tiện để về với tổ tiên.

“Dòng họ tôi chuyên làm khèn và bản thân cũng là người thổi khèn trong đám ma, tôi thấy nhiều người Mông cho rằng nếu không dùng “ki”, người chết sẽ oán và làm cho dòng họ có người chết theo hoặc ốm đau, bệnh tật, lụn bại. Đám tang ông nội tôi diễn ra trong 8 ngày, 8 ngày đó chúng tôi để ông trên “ki” trong nhà, sau đó mới mang đi chôn mà không có mùi gì, người trong họ bảo làm thế ông tôi vui lắm” – ông Giàng Mí Hờ kể. Từ câu chuyện của mình, ông Giàng Mí Hờ cho rằng để thay đổi nhận thức thì phải dần dần, chứ khó mà thực hiện ngay được.

Tôn trọng sự đa dạng văn hóa và phù hợp với cuộc sống hiện hành

Quay lại với câu chuyện của “Đề án cải tiến tổ chức đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Mèo Vạc giai đoạn 2019 - 2022 và những năm tiếp theo”, được biết, đầu năm 2019, Huyện ủy Mèo Vạc đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Đề án từ các Ban Xây dựng Đảng Huyện ủy; lãnh đạo các xã, thị trấn và người có uy tín thuộc một số dòng họ người Mông trên địa bàn…

Tuy nhiên, tương tự như quan điểm của ông Giàng Mí Hờ nói trên rằng để thay đổi nhận thức thì phải dần dần, chứ khó mà thực hiện ngay được, trong thực tế, vẫn còn có những vấn đề trong đề án khúc mắc khi cộng đồng Mông tại đây nhận thấy việc cải tiến chưa phù hợp với văn hóa của họ. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là các vấn đề thực hành văn hóa nên được thực hiện thế nào để vừa tôn trọng sự đa dạng văn hóa lại vừa phù hợp với cuộc sống hiện hành.

Đám ma truyền thống của người Mông.
 Đám ma truyền thống của người Mông.

Với vai trò là nhà nghiên cứu văn hóa, tham gia tọa đàm, TS. Hoàng Cầm - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng ở bất kỳ dân tộc nào đám tang không phải làm cho người chết mà là cho người sống. Việc tổ chức đám tang như thế nào có thể xoa dịu nỗi đau mất người thân, vì thế việc “thay đổi” đám ma là quyền của tang gia, yêu cầu của bên ngoài sẽ dễ gây xáo trộn. “Đa dạng văn hóa giống như đa dạng sinh học, với tôi sự so sánh này có hàm ý các nhóm thiểu số càng cần được tôn trọng để nuôi dưỡng sự đa dạng. Và để nuôi dưỡng sự đa dạng văn hóa nên bắt đầu từ sự thấu hiểu”.

Ở góc độ, nhà nghiên cứu độc lập về văn hóa và nhân quyền, đã có thời gian công tác ở tổ chức UNESCO, Thạc sĩ Nghiêm Hoa nêu quan điểm cho rằng nhìn từ góc độ quyền văn hóa thì tự do lựa chọn rất quan trọng. Tất nhiên trong một đám ma, sự lựa chọn của một gia đình, một cá nhân luôn chịu tác động từ những người xung quanh như người hàng xóm, thầy mo hay di nguyện của người đã mất…

Tất cả trăn trở, nỗi lo, sự lựa chọn đều do cộng đồng tự quyết định. Tôi lựa chọn điều tốt nhất cho tôi, cộng đồng tôi và những người xung quanh tôi. Sự lựa chọn đó xuất phát từ những niềm tin riêng của mỗi dân tộc nên sự tôn trọng là điều kiện then chốt để chung sống. Vì thế, theo Thạc sĩ Nghiêm Hoa , nếu muốn thay đổi tập quán – thay đổi một sự lựa chọn, luôn cần có đối thoại nhà nước - cộng đồng…

Kết

Đối với bất kỳ quốc gia, vùng đất nào, văn hóa và tôn giáo luôn là vấn đề nhạy cảm, cần sự cân nhắc kỹ lưỡng khi nhắc đến nó cũng như đưa ra các quyết định hành chính.

Cũng vì thế, để kết thúc bài viết này, người viết xin không đưa ra bình luận cá nhân mà chỉ xin nhắc lại một quan điểm đã từng được đọc ở đâu đó rằng: “Các địa phương có đồng bào Mông sinh sống đều coi việc vận động người Mông bỏ hủ tục là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng nếp sống văn hóa mới. Tuy nhiên, không địa phương nào khẳng định hủ tục này đã vĩnh viễn bị loại bỏ khỏi cộng đồng. Nguyên nhân là những lý giải về gốc gác của tục này vốn ăn sâu vào tiềm thức của họ chưa được thấu tỏ.

Nhiều gia đình người Mông chôn cất người chết theo nếp mới là do họ tuân thủ theo những quy định của chính quyền sở tại, ý thức chấp hành nghiêm luật pháp của Nhà nước chứ chưa được tuyên truyền cặn kẽ, có kiến thức đúng dẫn đến thay đổi hành vi.

Đa số các địa phương đều hỗ trợ các gia đình người Mông kinh phí mua áo quan để chôn người chết. Điều này mang lại lợi ích cho cả tang gia, địa phương và cộng đồng người dân ở đó.

Tuy nhiên, họ chỉ dừng lại ở cách hiểu là được hỗ trợ mua áo quan để chôn người chết theo cách phổ thông, chứ không thật sự được tuyên truyền giải thích để thấu tỏ rằng những hủ tục của chính dân tộc mình cần được thay đổi từ trong ý thức…”. 

Đọc thêm