“Chơi vơi” chế tài xử lý du khách ăn mặc kiểu “bôi bẩn” nơi công cộng

(PLVN) - Tình trạng, du khách ăn mặc hở hang, hớ hênh, thậm chí khoả thân tại các bãi biển, địa điểm du lịch nổi tiếng, khu di tích, danh lam thắng cảnh đang ngày càng phổ biến thời gian gần đây. Câu hỏi đặt ra rằng, những du khách này có bị xử phạt và mức phạt có đủ răn đe?

“Bôi bẩn” cảnh quan

Thời gian vừa qua, người dân ở một số điểm du lịch đã phản ánh tình trạng nhóm du khách khoả thân tắm biển là hành vi phản cảm, vô văn hoá. Đơn cử, ngày 16/8, một nhóm du khách khỏa thân tắm tại bãi biển Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

Sau đó, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Việc khỏa thân tắm biển công cộng là điều cấm kỵ, có quy định trong nội quy. Tuy nhiên, đơn vị không có chức năng xử phạt” mà chỉ có thể “tham mưu các sở, ngành liên quan hướng xử lý sự việc khách khỏa thân tắm biển”.

Sau đó, tháng 9/2019, cộng đồng mạng cũng chia sẻ bức ảnh khách Tây bán khỏa thân, nằm tắm nắng tại bãi biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) với nhiều ý kiến trái chiều. Dù rằng văn hoá phương Tây cởi mở và phóng khoáng hơn phương Đông, những du khách này vẫn bị đánh giá “không phù hợp thuần phong mỹ tục”, “nên nhập gia tuỳ tục”, “thiếu tôn trọng văn hoá Việt Nam”.  

Hình ảnh du khách “bán khỏa thân” tại bãi biển Cửa Đại
 Hình ảnh du khách “bán khỏa thân” tại bãi biển Cửa Đại

Cũng thời điểm này, một nữ du khách Việt Nam tung lên mạng clip cởi đồ, lấy nón che ngực trên sân thượng quán cà phê ở Hội An. Trong khung cảnh một Di sản Thế giới cổ kính, tôn nghiêm như vậy, hành vi này ngay lập tức bị đánh giá là “dung tục, phản cảm, cần bài trừ”.

Còn tại Hà Nội cũng xảy ra không ít trường hợp du khách “thích cởi” vào mùa sen nở rộ, bất chấp ý kiến “mượn hình ảnh hoa sen để khoe thân là sự vấy bẩn biểu tượng quốc hoa của nước nhà, làm xấu đi hình ảnh loài hoa thuần khiết, trong sáng”, khiến người xem “đỏ mặt thay sen”.

Nói chung, tình trạng du khách khoe thân tại các khu du lịch, điểm văn hóa, di sản ngày càng gia tăng đến mức lo ngại. Về mặt quản lý, phải chăng vẫn chưa có chế tài đủ mạnh điều chỉnh vấn đề này?

Chế tài “chơi vơi”

Trước đây, tại Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP có quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60 ngàn đến 100 ngàn đồng với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.

Tuy nhiên Nghị định 73/2010 đã hết hiệu lực kể từ 28/12/2013 và được thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, điều khoản về hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh không còn xuất hiện trong Nghị định 167. 

Đầu năm 2017, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch nhằm định hướng và nhắc nhở du khách những điều nên – không nên làm khi đặt chân đến mỗi địa danh, trong đó có các quy tắc như xếp hàng theo thứ tự, tuân thủ giờ giấc, trang phục lịch sự, ứng xử văn minh. Tuy nhiên, đây cũng chỉ dừng lại ở bộ quy tắc ứng xử mang tính khuyến khích chứ không phải quy định về điều luật xử phạt mang tính chế tài, không có tác dụng ngăn chặn tình trạng này. 

Cô gái không mặc áo quay clip tại Hội An
 Cô gái không mặc áo quay clip tại Hội An

Gần nhất, Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/8/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, mới có quy định về xử phạt hành vi vi phạm của khách du lịch.

Tuy nhiên các hành vi được nêu ra cũng khá chung chung như: không thực hiện nội quy, quy định của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch; hành vi ứng xử  không văn minh hoặc không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương nơi đến du lịch; hành vi gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam... mà vẫn chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng hơn là những hành vi cụ thể nào.

Vì thế,  vụ việc du khách khoả thân ở bãi biển không thể xử phạt. Thế nên dù đã có căn cứ xử phạt như trên, nhưng hành vi “khoe thân” vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng tăng lên. 

Đọc thêm