Dân ca dân vũ Đông Anh – hành trình bảo tồn và phát triển mạch suối nguồn văn hóa

(PLVN) - Dân ca dân vũ Đông Anh là di sản văn hóa quý báu của xứ Thanh. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những lời ca câu hát của bộ môn nghệ thuật độc đáo này vẫn còn vang vọng theo năm tháng, trở thành một phần đời sống tinh thần của người dân trên mảnh đất này và sẽ còn được cất lên, vượt ra khỏi lãnh thổ địa phương bởi những thế hệ trẻ nối tiếp.
Liên khúc “Đi cấy, đi gặt”, dân ca dân vũ Đông Anh do đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Đông Sơn biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII ( Nguồn ảnh: internet)

Ngũ trò Viên Khê qua trăm năm phát triển thành điệu dân ca dân vũ Đông Anh (Nguồn ảnh: internet).

Làng Viên Khê thuộc xã Đông Anh (nay là xã Đông Khê), huyện Đông Sơn, Thanh Hóa chính là mảnh đất sản sinh ra Ngũ trò Viên Khê. Trải qua thời gian hàng trăm năm cùng sự tiếp biến, giao thoa văn hóa, đã phát triển thành điệu múa chung của toàn thể người dân xã Đông Anh, hình thành dân ca dân vũ Đông Anh.

Cũng như hầu hết loại hình văn hóa dân gian phổ biến, di sản văn hóa Ngũ trò Viên Khê được lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng, tiếp nối thế hệ qua từng lớp người. Bởi vậy, rất khó để khẳng định chính xác thời gian hình thành. Có người nói, Ngũ trò Viên Khê có từ thời Bắc thuộc (thời Tùy) gắn liền với tên tuổi của chàng Cả Lãng Đại vương - con trai của thủ lĩnh Lê Ngọc.

Tục truyền, ông thường về tận các thôn xóm để chung vui với người dân, qua đó truyền dạy và phổ biến đến cộng đồng những lời ca, tiếng hát, điệu múa do chính mình sáng tạo. Lại có ý cho rằng, di sản có từ thời Hậu Lê, do quan Bộ Lễ Nguyễn Mộng Tuân (người gốc Viên Khê) truyền dạy cho nhân dân.

Các trò diễn là sự lồng ghép, đan xen, bổ trợ giữa lời ca, điệu múa tạo thành những làn điệu dân ca đặc sắc. Các tích trò phản ánh một cách chân thật về hoạt động sản xuất nông nghiệp, cầu mưa, cầu nắng, chống chọi với thiên tai, dịch bệnh, thú dữ, với các thế lực thiên nhiên và duy trì sự sinh sôi, nẩy nở của muôn loài.

Từ một loại hình diễn xướng dân gian bị mai một

Trước đây, làn điệu dân ca, dân vũ Đông Anh được các vương hầu, vua chúa chọn vào biểu diễn trong cung đình. Sau này được biểu diễn mừng lễ Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945, các ngày lễ lớn và có mặt ở các lễ hội, hội thi trong toàn quốc.

Biểu diễn "Múa đèn" tại lễ hội làng xưa ( Nguồn ảnh: internet).

Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, từ tháng Chạp các làng, xã đã sôi động mua sắm, chuẩn bị các đạo cụ cần thiết và tích cực tập luyện các trò diễn. Vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu, tất cả các làng phải tự tập luyện, lựa chọn con trò đưa đến các cụm thi trò. Cuộc thi cụm này có các vị chức sắc hàng tổng đến dự và chấm giải để chọn trò nào hay, xuất sắc đưa đi diễn ở nghè Sâm.

Tục truyền rằng, lễ hội Nghè Sâm được mở rộng khắp vùng, cứ ba năm một lần vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Nghè Sâm là nơi được chọn là trung tâm của lễ hội và diễn trò. Trong Nghè là nơi tế lễ rất nghiêm trang, trang hoàng lộng lẫy, bên ngoài có sân chơi để các địa phương biểu diễn các trò dân ca, dân vũ.

Với mục đích lễ tế thần linh nên Ngũ trò Viên Khê đặc biệt khắt khe trong việc tuyển chọn “con trò” (diễn viên). Các “con trò” được chọn vào các tiết mục, trò diễn phải là những người con gái chưa chồng, con trai chưa vợ, tuổi từ 12 – 16, nhà không có tang, có cớ. Tùy theo từng hiệp trò mà lựa chọn số lượng “con trò” khác nhau.

Cùng với sự biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, Nghè Sâm không còn, dân ca, dân vũ Đông Anh không còn được đưa đến diễn ở lễ hội thờ thánh thần như trước kia và dần dần bị lãng quên giữa nhịp sống đời thường tất bật, hối hả.

Đến di sản văn hóa quốc gia, niềm tự hào của người dân xứ Thanh

Tưởng như nét đẹp văn hóa bị phủ bụi thời gian, những ký ức về một thời sôi nổi, rộn ràng của nghệ thuật trình diễn dân ca dân vũ Đông Anh cũng dần theo đó mà phai nhạt, nhưng tình yêu với làn điệu dân ca và tích trò xưa của những người dân Đông Anh vẫn còn đó, ngọn lửa đam mê vẫn được nhen nhóm, ủ ấp trong mỗi buổi hội họp gia đình, dưới mỗi mái nhà, từ ông bà truyền lại cho con cháu.

Năm 2002 là dấu mốc quan trọng với người dân Đông Khê nói chung và với các nghệ nhân dân ca dân vũ Đông Anh nói riêng. Khi đó, Viện Âm nhạc Việt Nam triển khai dự án “Khôi phục văn hóa phi vật thể”, cùng ngành Văn hóa Thể thao tỉnh Thanh Hóa (nay là Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với nhân dân và chính quyền Đông Khê tổ chức khôi phục các trò diễn thuộc “Ngũ trò Viên Khê”.

Đặc biệt là những nghệ nhân tâm huyết trong làng như: vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Lịch, bà Lê Thị Nghi; bà Nguyễn Thị Cốc, ông Lê Bá Tuất... đã nỗ lực cùng sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục hệ thống trò diễn. Sau 10 năm, việc khôi phục, bảo tồn cơ bản được hoàn thành.

Thời điểm ấy, những “con trò” nặng lòng với dân ca dân vũ Đông Anh đều tạm gác mọi công việc gia đình, cung cấp tất cả những hiểu biết của mình cho các nhà nghiên cứu; đồng thời, hỗ trợ tích cực, cùng với họ trên con đường tìm tư liệu “sống” phục dựng hệ thống các trò diễn. Cả làng Viên Khê nói riêng và cán bộ, nhân dân xã Đông Anh nói chung cùng chung sức đồng lòng, quyết tâm khôi phục lại toàn bộ các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh. Không khí làng vui như trẩy hội, mỗi thôn được giao phục dựng từ 1 - 2 trò, các cụ cao niên trong làng, con trò xưa giúp đỡ đội văn nghệ làng không quản ngày đêm.

Tuy hoàn cảnh lúc đó thiếu thốn, kinh tế nhà nào cũng khó khăn, không có đạo cụ, trang phục, sân khấu trình diễn... nhưng mọi người đều rất nhiệt tình và tâm huyết, ai cũng mong muốn một di sản văn hóa phi vật thể được “sống” lại.
Lần theo từng chút trí nhớ, từng lời hát điệu múa còn trong tâm trí, ông Lịch, ông Tuất ghi chép cẩn thận, rồi cùng mọi người chắp nối, hoàn thiện từng chút một. Mỗi lần phục dựng lại mời các cụ đến “thẩm” xem đã đúng nguyên tác chưa. Cứ như vậy, từng trò một được hoàn thiện dưới sự nhiệt tình, tâm huyết của những nghệ nhân dân gian như vợ chồng ông Lịch, bà Cốc, ông Tuất và nhà nghiên cứu. “Có những cụ sau khi được mời đến để thẩm định đã khóc và nói “cám ơn mọi người đã cho tôi sống lại một thời của tuổi trẻ”. Đó cũng là lúc chúng tôi biết trò diễn được khôi phục thành công”, ông Tuất cho biết.

Để rồi từ đó, hệ thống 12 tích trò dân ca dân vũ Đông Anh gồm: Múa đèn, Trống mõ, trò Ngô, trò Xiêm Thành (Chiêm Thành), trò Bắt cọp (Vằn vương), trò Tiên Cuội, trò Hà Lan, trò Thủy, trò Nữ quan, trò Tú Huần, trò Thiếp, trò Ai Lao dần được khôi phục và phát triển cho đến ngày nay.

Năm 2017, Ngũ trò Viên Khê chính thức được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia với hệ thống 12 trò diễn (múa hát).

Những Nghệ nhân Ưu tú của làng Viên Khê tựa hồ như những linh hồn của dân ca dân vũ Đông Anh. Trên hành trình đưa dân ca, dân vũ Đông Anh đến với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, họ là những người mang trên mình sứ mệnh “trao truyền” và “tiếp lửa”. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, người còn người mất, họ đặt hết tâm huyết đời mình, niềm tin, niềm hy vọng vào thế hệ trẻ hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Cốc tự hào khi cả 3 thế hệ trong gia đình đều do bà truyền dạy, “tiếp lửa” tình yêu: con dâu, cháu, chắt đều có thể tham gia trình diễn dân ca, dân vũ Đông Anh; con trai đánh trống, con dâu và cháu nội múa đèn, cháu đầu chơi nhạc cụ. Đến nay, ở Đông Khê, nhất là ở làng Viên Khê ai cũng có thể thuộc từ 1 - 2 trò, đã có nhiều em học sinh là “con trò” giỏi. Những chú cuội có sức sống, trẻ trung đã và đang tiếp nối trò Tiên Cuội. Vào dịp lễ hội của làng, hay ngày đại đoàn kết toàn dân thì làng Viên Khê ai cũng là con trò.

Múa đèn- tiết mục đặc sắc của dân ca dân vũ Đông Anh trên các sân khấu lễ hội, sự kiện du lịch ngày nay ( Nguồn ảnh : internet).

Thời gian gần đây, các cấp, các ngành Thanh Hóa đã quan tâm, chú trọng việc đưa nghệ thuật dân ca dân vũ lên sân khấu ở các sự kiện lớn để quảng bá hoặc biểu diễn ngay tại địa điểm du lịch địa phương. Điều này trở thành yếu tố mang tính đặc trưng riêng biệt, làm đa dạng hóa, tăng thêm giá trị cho sản phẩm du lịch, kích thích sự tìm tòi khám phá điều mới lạ, góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách trong nước và quốc tế về với xứ Thanh.

"Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” – Câu hát không chỉ trở nên quen thuộc đối với những người con xứ Thanh mà giờ đây còn đi vào tiềm thức của rất nhiều bạn nhỏ trên mọi miền đất Việt, được trích trong trò “Múa đèn”, tích trò phổ biến, đặc sắc nhất của làn điệu dân ca, dân vũ Đông Anh. Nội dung bài ca nói đến công việc sản xuất của nhà nông trong năm: thắp đèn, luống bông, luống đậu, vãi mạ, chẻ lạt, đan lừ, nhổ mạ, đi cấy, kéo sợi, dệt vải, vá may, đi gặt.

Trò diễn được kết thúc bởi ba điệu múa “đánh gà luộc, cúng cơm mới, dâng oản” thể hiện sự biết ơn của người dân trước đấng thần linh phù hộ cho một năm mùa màng bội thu, no đủ. Trên sân khấu trình diễn thường là 12 cô gái trong trang phục quần trắng, áo đỏ, thắt lưng xanh, đầu chít khăn vành rây bằng nhiễu đỏ, bên trong là khăn trắng nếp to, trên đầu đội một đĩa đèn thắp sáng, vừa hát vừa múa với những động tác cơ thể mềm mại.

Các thiếu nữ lăn trên sân 2 vòng rất nhanh, đầu thẳng đứng, giữ đèn cháy không đổ (mặc dù từ cổ trở xuống múa uyển chuyển, từ cổ trở lên giữ tư thế thẳng đứng), chính là thời khắc để lại ấn tượng nhất, là điểm nhấn trong lòng khán giả.

Giờ đây, nhờ sự đam mê và tình yêu của những nghệ nhân; sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, dân ca, dân vũ Đông Anh đã tìm được vị trí xứng đáng, trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Đông Sơn nói riêng mà cả tỉnh Thanh Hóa nói chung. Vào dịp Tết sắp đến, xuân sửa soạn về, những tổ khúc hát múa nổi tiếng của dân ca Đông Anh lại tiếp tục vang lên rộn ràng hơn bao giờ hết trong những lễ hội, sự kiện chào mừng năm mới.

Đọc thêm