Xa hơn, e-Tag dán trên các xe sẽ tích hợp nhiều thông tin về lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, góp phần giúp quản lý nhà nước lĩnh vực này tốt hơn.
E-Tag là thẻ định danh trong đó tích hợp thông tin về chủ xe, tài khoản để trả phí đường bộ khi xe ô tô lưu thông qua các trạm thu phí đường bộ theo hình thức BOT.
Giảm hơn 10 tỷ/trạm thu phí
Dự án thu phí đường bộ tự động không dừng (ETC) đang vào giai đoạn gấp rút khi ba trạm thu thí điểm đã được xây dựng và có nơi đã đưa vào vận hành trên QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Trao đổi với PLVN, ông Dương Viết Roãn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho hay, giữa tháng 4/2015, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ thiết kế trạm mẫu, thiết bị thu phí và cân tải trọng. Theo đó, trên QL1A các trạm sẽ được lắp đặt với 6 làn xe (2 làn thủ công, 2 làn hỗn hợp, 2 làn ETC), trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được lắp đặt 4 làn (2 làn hỗn hợp, 2 làn ETC). Thiết bị lắp đặt tại nhà điều hành gồm máy chủ dữ liệu thu phí, máy tính nhận dạng biển số, máy tính chụp hình ghép tín hiệu...
“Nếu xây dựng và vận hành trạm theo hình thức thủ công trên QL1A có thể sẽ phải bố trí tới 10 làn, với chi phí trước đây có thể lên tới 50 - 60 tỷ đồng. Nhưng với mô hình trạm mẫu vừa phê duyệt do TCty Tư vấn Thiết kế TEDI thiết kế trên cơ sở có tham khảo kinh nghiệm ở Đài Loan để phục vụ dự án này thì mô hình trạm thu tự động đã giảm xuống còn khoảng 40 tỷ đồng” - ông Roãn thông tin thêm.
Cấp miễn phí e-Tag cho chủ phương tiện
Liên quan đến việc triển khai dự án nói trên, mới đây Bộ GTVT đã có Công văn số 11475/BGTVT-CQLXD yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp và hỗ trợ Công ty CP TASCO (đơn vị được giao triển khai thí điểm công nghệ thu phí không dừng) tiến hành việc dán thẻ e-Tag cho các phương tiện giao thông thông qua các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Theo đó, chi phí dán thẻ e-Tag trước mắt do Công ty CP TASCO chi trả và được hạch toán vào Dự án thu phí tự động không dừng để tiến hành cấp cho các chủ phương tiện.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo: Dù công nghệ nào cũng không bắt người sử dụng phải bỏ tiền mua thiết bị mà phải phát không cho lái xe, chủ xe có nhu cầu. Thay vào đó, yêu cầu họ mở tài khoản cá nhân, bỏ tiền vào tài khoản trả phí sử dụng đường bộ.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quang Lâm, Giám đốc Công ty VETC (thuộc Công ty CP TASCO) cho biết, dán thẻ định danh e-Tag là tiền đề quan trọng để triển khai rộng rãi công nghệ ETC; việc thông qua hệ thống cơ quan đăng kiểm để phổ biến và dán loại thẻ này lên các phương tiện cơ giới sẽ thúc đẩy nhanh chủ trương ứng dụng công nghệ thu phí tự động của Bộ GTVT.
“Trước mắt, thẻ chỉ tích hợp những thông tin liên quan đến việc thu phí đường bộ tự động. Xa hơn, e-Tag dán trên các xe sẽ tích hợp thêm nhiều thông tin về lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, góp phần giúp quản lý nhà nước lĩnh vực này tốt hơn. Chúng tôi đồng tình với cách làm này”, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình nói.
Theo đại diện của VETC, trong mỗi thẻ e-Tag ngoài việc chứa các thông tin liên quan đến chủ phương tiện và tài khoản để trả phí đường bộ khi xe qua trạm, tới đây thẻ này có thể sẽ tích hợp thêm các thông tin liên quan đến “lý lịch” kỹ thuật của mỗi chiếc xe. Vì thế, thông qua e-Tag, cơ quan đăng kiểm có thể trích xuất, kiểm tra các thông tin cụ thể của bất cứ chiếc xe nào trong mọi lúc, mọi nơi nhờ sự tiện ích mà công nghệ ETC mang lại.
E-tag thay người xé vé, kéo cần ba-ri-e
“Để sử dụng ETC, chủ phương tiện sẽ được phát một thẻ e-Tag nhỏ, có độ bền cao lên kính lái hoặc pha ô tô kèm một tài khoản thu phí để giao dịch. Sau khi xe đã dán e-Tag chạy vào làn thu phí, hệ thống nhận diện bằng công nghệ laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và antena sẽ phát tín hiệu đọc thẻ e-Tag. Hình ảnh và thông tin sau đó được chuyển về trung tâm dữ liệu để kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản đủ tiền, các thanh chắn ba-ri-e sẽ tự động mở để xe qua, đồng thời gửi một tin nhắn SMS đến điện thoại chủ xe để thông báo xe vừa qua trạm”.