'Đánh thức' vùng trồng để nông sản quê mình thành 'hàng hot' đất khách

(PLVN) -  Từ con số 0, chỉ sau 4 năm thành lập, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm đã ký kết được các đơn hàng xuất khẩu sang nhiều "thị trường kỹ tính" như Nhật Bản, Pháp, Đức...

Gian nan dò đường

Đầu tư cho nông nghiệp sạch để xuất khẩu đang được nhiều doanh nghiệp trong nước hướng đến. Nhưng để đạt được thành công không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm.

Từng là một cán bộ công chức nhà nước, chuyển hướng sang kinh doanh, bà Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm cho biết, bà xuất thân từ vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang). Bà từng chứng kiến cảnh cứ tới vụ mùa người dân quê hương lại bị thương lái ép giá, công sức mồ hôi nước mắt cả năm đổi lại chẳng được là bao. Trong khi đó, mỗi lần đi sang “nước bạn”, nhìn thấy nông dân nước họ cũng làm nông sản mà giàu có, bà luôn đặt câu hỏi tại sao người dân nước mình lại không làm được?

“Đến Singapore, lần nào tôi cũng vào các siêu thị, quan sát sở thích mua hàng của người tiêu dùng và nhận thấy nhu cầu về nông sản sạch của người dân Singapore rất lớn. Tương tự, tại thị trường Nhật bản, Đức cũng vậy.

Hay như tại Trung Quốc, trong chuyến khảo sát thực tế, tôi đã phải bỏ ra 500 nghìn đồng để mua 1kg vải thiều của Trung Quốc. Trong khi đó, ở Việt Nam giá bán của vải thiều chỉ là vài chục nghìn đồng/kg với chất lượng còn cao hơn nhiều so với nước bạn. Do vậy, tôi quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp sạch, đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới”, bà Tuyết bộc bạch.

Nghĩ là làm, bà rời bỏ công việc “ổn định” mà bao người mơ ước chuyển ra kinh doanh riêng, vì vậy mà “Phúc Lâm” ra đời. Thành lập từ năm 2019, sau 4 năm hình thành và phát triển, “Phúc Lâm” đã đạt được những thành công nhất định khi đưa vải thiều sang một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Đức, Dubai...

Nhớ lại quãng thời gian bắt đầu khởi sự, nữ giám đốc chia sẻ bà đã mất một thời gian dài để tìm được đúng hướng đi cho mình.

Đặc biệt, giai đoạn Phúc Lâm ra đời lại rơi vào đúng đợt dịch COVID-19 bùng phát. Rất nhiều kế hoạch lúc đó của doanh nghiệp đã không thể thực hiện, việc đưa hàng ra nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cho tới năm 2020, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, mọi thứ dần đi vào ổn định doanh nghiệp mới bắt đầu trở lại “đường đua” xuất khẩu.

Nhưng việc bắt đầu lại cũng không hề dễ dàng, năm 2021 khi xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Đức, doanh nghiệp đã bị thiệt hại 35.000 USD và bị tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa do vi phạm tiêu chuẩn chất lượng của Đức. Sau lô hàng đó, doanh nghiệp phải gửi lại một lô hàng khác nhưng “niềm vui đã gõ cửa”, người tiêu dùng Đức vô cùng yêu thích trái vải của Việt Nam, với giá bán 18,5 Euro/kg.

“Đánh thức vùng trồng”, bứt phá

Chiêm nghiệm lại quá trình trưởng thành của mình, bà Tuyết cười nói: “Khi đó tôi mới hiểu, việc để thị trường nước bạn đón nhận điều quan trọng nhất đó là chất lượng và uy tín. Chính vì vậy, tôi quyết tâm quay trở về “đánh thức” lại vùng trồng, thay đổi cách làm của bà con, hướng tới việc trồng trọt, chăm sóc cây trái theo quy trình sạch, đảm bảo yêu cầu khắt khe của từng thị trường doanh nghiệp nhắm tới”.

Do tập quán canh tác lâu đời, người dân quen với canh tác truyền thống, việc tiếp cận với canh tác hữu cơ có những nguyên tắc nhất định nên gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc trồng vải theo quy trình GlobalGAP khá tỉ mỉ. Ngoài sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục cho phép, phun thuốc, bón phân đúng thời điểm… người trồng vải phải thường xuyên dọn vườn sạch sẽ, không cho người lạ và súc vật vào vườn để phòng các loại dịch bệnh.

Vì vậy Phúc Lâm đã mời chuyên gia về đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền cho bà con; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đường đi vào vùng trồng; đứng ra thành lập Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp & thương mại du lịch sinh thái Giáp Sơn với 10 hộ thành viên tại thôn Chão, huyện Lục Ngạn. Mở thêm dịch vụ du lịch sinh thái để họ có thêm nguồn thu nhập và kéo dài thời gian lao động không chỉ trong mùa vải mà xuyên suốt cả năm.

“Hiện tại, chúng tôi đã liên kết với nông dân, đầu tư, phát triển vùng trồng rộng 15ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại thôn Chão, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Việc sản xuất theo quy trình GlobalGap, đem lại chất lượng cao cho nông sản. So sánh giá bán cao hơn hẳn so với việc canh tác truyền thống. Minh chứng là sau khi gửi mẫu đi các nước, chúng tôi liên tiếp có các đơn hàng xuất đi Pháp, Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong niên vụ năm nay, dự kiến sẽ xuất khẩu 100 tấn vải thiều sang Pháp, Đức, Dubai. Còn lại 100 tấn sẽ phân bổ tại một số tỉnh phía Bắc và TP Hồ Chí Minh.

Chúng tôi cũng đã gửi mẫu cho đối tác tại một số thị trường quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc… để lên kế hoạch chuẩn bị nền móng cho năm sau. Tôi tin rằng đây là con đường bền vững để doanh nghiệp trẻ như chúng tôi có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới”, nữ giám đốc chia sẻ.