Đánh thuế người có nhiều nhà đất, bỏ hoang đất: Còn nhiều băn khoăn!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tán thành việc đánh thuế người có nhiều nhà đất, nhưng các chuyên gia băn khoăn việc đánh thuế liệu có đúng đối tượng hay không? Nhà nước có đủ dữ liệu để xác định một người có nhiều đất ở các tỉnh khác nhau không? Xử lý vấn đề đứng tên hộ thế nào…

Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội tờ trình tóm tắt về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung mới quy định mức thuế cao hơn đánh vào người sở hữu nhiều nhà, đất. Việc này nhằm thể chế hóa chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 18 (tháng 6.2022) đề cập việc cần thiết có mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang…

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng việc đánh thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất là những biện pháp cần thiết, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hiện tại.

“Tình trạng sử dụng lãng phí đất cũng diễn ra khá phổ biến, có nhiều người thì ôm rất nhiều đất, coi nó là tài sản dự trữ, trong khi đó cũng có nhiều người không có đất, nhà để ở. Vì thế, việc đánh thuế này vừa mang tính chất điều tiết vấn đề cung, cầu sử dụng đất của người dân, hướng tới đánh vào những người đầu cơ, tích trữ đất. Góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai để đẩy giá đất lên cao nhằm trục lợi”, ông Hùng nói.

Với giải pháp này, ông Hùng cho rằng sẽ tạo cơ hội cho những người chưa có nhà, đất và những người có nhu cầu thật sự được mua với giá hợp lý. Đặc biệt với những người bỏ hoang đất, chậm sử dụng đất thì đánh thuế cao cũng là giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu việc bỏ hoang đất, đưa đất đai thành nguồn lực xã hội và phục vụ nhu cầu ở, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Nhiều khu biệt thự bỏ hoang nhiều năm

Cũng nói với phóng viên Một Thế Giới, TS Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM lại băn khoăn việc đánh thuế liệu có đúng đối tượng hay không? Ví dụ, cách tính thuế hiện nay là tự khai, tự nộp, nhưng liệu cơ quan nhà nước có đủ dữ liệu để xác định một người có nhiều đất ở các tỉnh khác nhau này không? Nếu không xác định được thì cơ quan thuế đâu thể đánh thuế đúng được?

Ngoài ra, theo ông Nam, với trường hợp nhờ người khác đứng tên thay thì giải quyết thế nào? Nếu công chức thì còn đặt vấn đề kê khai tài sản, còn người dân bình thường thì căn cứ vào đâu để xác định? Do đó, khi làm luật phải tính toán đến những vấn đề này.

Thêm nữa, chuyên gia này cũng khuyến nghị cần xác định đúng những đối tượng sở hữu nhiều nhà đất để thực hiện hoạt động đầu cơ. Còn những người chỉ mua để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của họ thì phải có phương án khác.

Ví dụ một người có một căn nhà, nhưng chật chội, nhỏ bé, trong khi con cái đông đúc nên họ mua thêm miếng đất xây nhà cho rộng rãi hơn. Nhưng khi mua được miếng đất thì hết tài chính để xây nhà. Nếu nhà nước chỉ căn cứ rằng họ có 2 miếng đất để đánh thuế thì không hợp lý, bởi bản chất họ không phải muốn đầu cơ mà thực tế chưa có tiền để xây nhà ở.

“Do đó, Nhà nước cần tính tới những yếu tố đó và có những quy định miễn hay buộc nộp cho đúng đối tượng, tránh trường hợp người đáng được miễn thì không được, còn người phải nộp thì lại lách luật không nộp”, ông Nam nói.

TS Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM

TS-LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng quy định về đánh thuế cao đối với người sử dụng nhiều điện tích nhà đất, đầu cơ, chậm sử dụng phải bỏ hoang đã được áp dụng trên nhiều quốc gia trên thế giới để hướng đến mục tiêu hài hòa lợi ích từ bất động sản và sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu mức thuế cao quá thì cũng có thể tạo ra sự bất bình đẳng và không kích thích được hoạt động lao động sản xuất để có nhiều tài sản.

Hơn nữa, theo ông Cường, việc đánh thuế với mức thuế cao đối với người sử dụng nhiều nhà đất, đầu cơ, chậm sử dụng phải bỏ hoang chỉ có ý nghĩa khi đã quản lý được đất chính chủ. Nếu không quản lý được đất chính chủ như hiện nay, hiện tượng đứng tên hộ, đứng tên giùm còn diễn ra phổ biến thì quy định này không thể phát huy được giá trị mà có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.

Trước đó, năm 2021, TP.Hà Nội đã có đề xuất gửi Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Theo đề xuất của UBND TP.Hà Nội, với các bất động sản bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm bất động sản vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị.

Ngoài ra, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên; hay tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những đề xuất này đến nay chưa thể thực hiện.

Đọc thêm