Bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo
Trên thế giới, chuyển đổi số đã tạo nên những bước đột phá để hình thành, phát triển xã hội số, tiến tới hình thành và phát triển nền kinh tế thông minh, xã hội thông minh. Chuyển đổi số tác động mạnh nhất đến 8 ngành, lĩnh vực, trong đó có GDĐT.
Tại Việt Nam, mục tiêu của ngành Giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, đã thể hiện rõ rệt trong kết quả dạy học online trong thời điểm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các quốc gia vừa qua.
Trong Quân đội, trên cơ sở thực hiện Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng nhà trường thông minh, bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo; triển khai đào tạo một số chuyên ngành mũi nhọn, chuyên sâu để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh hệ thống thông tin, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng…
Một số học viện, nhà trường trong quân đội đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng.
Tại Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy, học ngoại ngữ trong Quân đội” do Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) phối hợp với Bộ Tư lệnh 86, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, chuyển đổi số, giảng dạy ngoại ngữ trong toàn quân sẽ góp phần nâng cao nhận thức, phát huy tiềm năng của công nghệ thông tin, truyền thông; tiềm năng của cộng đồng, hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy, học ngoại ngữ trong Quân đội.
Trung tướng Ngô Minh Tiến nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để các cán bộ quản lý, các nhà khoa học, giảng viên ngoại ngữ trong và ngoài Quân đội cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, nhận diện rõ thời cơ, thách thức, trên cơ sở đó đề ra định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu góp phần thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng như việc dạy và học ngoại ngữ trong Quân đội.
Trung tướng Ngô Minh Tiến giao các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh trong Chiến lược phát triển công nghệ thông tin của Quân đội giai đoạn 2021-2030 cho phù hợp với định hướng của Chính phủ; nghiên cứu triển khai hệ thống ngoại ngữ trực tuyến mở trong quân đội, lựa chọn một số học viện, trường quân đội có tiềm năng, lợi thế để chuyển đổi số trước làm mô hình để các nhà trường khác học tập; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, nhà trường liên quan triển khai chương trình Dạy và học ngoại ngữ trên truyền hình và các nền tảng số.
Trung tướng Ngô Minh Tiến đề nghị, sau hội thảo, các học viện, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy, học ngoại ngữ phù hợp với điều kiện thực tiễn.
100% giáo viên ngoại ngữ được chuẩn hóa, đạt IELTS 6.0
Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ bảo đảm phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, đối ngoại quốc phòng và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 89 ngày 9/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội, các cơ quan, đơn vị, nòng cốt là hệ thống nhà trường Quân đội đã triển khai với nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ Quân đội; 100% đội ngũ giáo viên ngoại ngữ được chuẩn hóa, đạt chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ tương đương IELTS 6.0 trở lên.
Nội dung, chương trình dạy, học ngoại ngữ trong các học viện, nhà trường Quân đội cũng được chuẩn hóa. Tổ chức thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học và tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ bằng tiếng Anh, tiếng Nga cho nghiên cứu sinh, học viên cao học, bác sĩ nội trú và học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội.
Tổ chức thành công các hội thi Olimpic tiếng Anh, tiếng Nga ở các học viện, trường sĩ quan; mở rộng liên kết trong nước và hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ.
Ở Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS), những năm gần đây, việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trên các tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục ISI, SCOPUS đã trở thành hoạt động thường xuyên.
Nhiều học viên đã tự tin viết và bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp, luận văn, luận án bằng ngoại ngữ. Ngày càng nhiều hội thảo quốc tế được nhà trường đăng cai, tổ chức thành công. Các đội tuyển Olympic tiếng Anh, tiếng Nga của học viện luôn có kết quả cao trong các cuộc thi cấp toàn quân trong hai năm qua…
Để có được kết quả này, Học viện KTQS đã thực hiện những giải pháp đồng bộ như: Phát triển đội ngũ giảng viên ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế, giao nhiệm vụ cho các giảng viên chuyên ngành tham gia giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành và giảng dạy kiến thức chuyên ngành bằng ngoại ngữ; quy định về chuẩn năng lực ngoại ngữ cho từng đối tượng cán bộ, giáo viên theo chuẩn quốc tế, coi đó là một tiêu chí để bình xét thi đua, thăng quân hàm, xét chức danh chuyên môn-kỹ thuật-nghiệp vụ; quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho các đối tượng học viên, sinh viên; có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc học tập nâng cao trình độ, nghiên cứu, công bố các công trình khoa học bằng ngoại ngữ; khuyến khích học viên thực hiện đồ án, luận văn, luận án bằng ngoại ngữ...
Mục tiêu của Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” trong Quân đội đặt ra, đến năm 2025, cán bộ dưới 40 tuổi đều đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2; 40 - 50% cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu, chuyên môn kỹ thuật, kiểm soát cửa khẩu đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên.
Đến năm 2030, xây dựng, hoàn thiện nội dung chương trình và phương pháp học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các loại hình đơn vị. 100% cán bộ dưới 40 tuổi đều đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên; cán bộ lãnh đạo chỉ huy cấp sư đoàn, cấp tỉnh và tương đương đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên và ngoại ngữ chuyên ngành.