“Đáo tụng đình” 20 năm vì tỉnh nói một đằng, tòa phán một nẻo

(PLO) -Vụ tranh chấp đất tại huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) tưởng chừng đơn giản nhưng kéo dài đến 20 năm, qua 7 lần xét xử vẫn không thể giải quyết thỏa đáng. Điều đáng nói, vừa qua, sau một bản án khó hiểu của tòa án, vụ việc lại càng thêm phức tạp.
 Bà An với đống hồ sơ đòi quyền lợi mỗi năm một dày.
Bà An với đống hồ sơ đòi quyền lợi mỗi năm một dày.

Vay vàng, trả đất

Gửi đơn đến báo Câu chuyện Pháp luật, bà Nguyễn Thị An (SN 1960, trú tại phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) trình bày, năm 1995, vợ chồng ông Đào Minh Thạc, bà Tạ Thị Xuấn có vay của vợ chồng bà 24 chỉ vàng 24k và của ông Phạm Thanh La 10 chỉ vàng 24k, thế chấp bằng đất.

Quá thời hạn trả nợ, vợ chồng ông Thạc không thực hiện nghĩa vụ nên ông La, bà An làm đơn khởi kiện. Tháng 4/1998, TAND huyện Phước Long ra quyết định số 11/QĐCN, công nhận thoả thuận của các đương sự. Theo đó, vợ chồng ông Thạc có trách nhiệm trả cho ông La 10 chỉ vàng 24k (gốc) và 3 chỉ vàng 24k (lãi), trả cho vợ chồng bà An 24 chỉ vàng 24k. 

Do vợ chồng ông Thạc không tự nguyện thi hành án nên ông La, bà An làm đơn yêu cầu thi hành án. Các bên đã cùng thống nhất, tự nguyện giao nhận tài sản theo thoả thuận để thi hành án. Nội dung thoả thuận thể hiện rõ tại biên bản giao nhận tài sản lập ngày 28/12/1999.

Cụ thể, ông Thạc đồng ý giao cho gia đình bà An diện tích đất sản xuất 24.000 m2, trong đó 20.000 m2 đất đã trồng điều 8 – 10 năm tuổi, còn lại là đất “bưng”. Giao cho ông La diện tích đất sản xuất 12.000 m2, trong đó 10.000 m2 đất trồng điều 8 – 10 năm tuổi, còn lại đất “bưng”, toạ lạc tại thôn 7 (xã Long Hưng, huyện Phước Long).

Tuy nhiên tới đầu năm 2000, khi vợ chồng bà An và ông La vào sử dụng diện tích đất nói trên thì bị ông Nguyễn Đức Thú (thôn 7, xã Long Hưng) bất ngờ ngăn cản. Ông Thú cho rằng, năm 1996, bà Xuấn đã bán toàn bộ diện tích đất nói trên (32.661m2 trồng điều) cho gia đình ông.

Phó chủ tịch tỉnh chủ trì giải quyết

Sau khi xảy ra tranh chấp, nhiều năm liền, bà An và ông La gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng nhờ giải quyết, yêu cầu ông Thú phải trả đất và tài sản trên đất.

Tháng 8/2004, ông Nguyễn Huy Phong – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã chủ trì cuộc họp với các ngành để thống nhất hướng giải quyết đơn khiếu nại của vợ chồng bà An và ông La.

Theo kết luận cuộc họp, năm 1999, Phòng thi hành án tỉnh Bình Phước thực hiện thi hành Quyết định số 11 ngày 20/4/1998 của TAND huyện Phước Long về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự trong vụ kiện đòi nợ giữa gia đình ông Thạc với gia đình bà An và ông La.

Cụ thể, gia đình ông Thạc đồng ý giao đất và vườn điều cho vợ chồng bà An và ông La, thay cho việc phải trả nợ bằng vàng. Khi các bên thực hiện việc giao nhận tài sản có cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương xác nhận.

Từ đó cho thấy, việc sử dụng đất và vườn điều của bà An và ông La là hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất và vườn điều này đang bị ông Thú chiếm giữ và đã làm nhà trên đất.

Vì vậy, UBND tỉnh giao cho UBND huyện Phước Long chủ trì, phối hợp Phòng thi hành án tỉnh, cùng với UBND xã Long Hưng và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành hòa giải các bên. Theo đó, vụ việc có thể được giải quyết theo 2 phương án:

Trường hợp thứ nhất, nếu các bên liên quan đồng ý thực hiện quyết định của tòa án bằng việc trả tiền, vàng hoặc giao đất ở vị trí khác, thì lập biên bản công nhận việc thỏa thuận.

Thứ 2, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau thì UBND huyện Phước Long thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà An và ông La theo biên bản thỏa thuận giữa các đương sự lập ngày 28/12/1999. Đồng thời thông báo gia đình ông Thú dời đi, nếu không chấp hành thì cưỡng chế.

Sau hơn 10 năm từ khi lãnh đạo tỉnh Bình Phước có ý kiến kết luận vụ việc vẫn chưa được giải quyết
Sau hơn 10 năm từ khi lãnh đạo tỉnh Bình Phước có ý kiến kết luận vụ việc vẫn chưa được giải quyết

Ý kiến kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng được vợ chồng ông Thạc đồng ý. Tuy nhiên từ đó đến nay đã hơn 10 năm, phần đất trên vẫn bị ông Thú chiếm giữ.

Tháng 7/2007, vợ chồng bà An và ông La làm đơn khởi kiện ra Tòa yêu cầu ông Thú phải trả đất và sản lượng hạt điều thu hoạch trên diện tích đất từ năm 2000 đến khi giải quyết xong vụ án. Nhưng đến nay, ông Thú vẫn “cố thủ” không giao đất.

Mặc dù việc chuyển nhượng giữa bà Xuấn và ông Thú là không hợp lệ bởi không được sự đồng ý của chủ hộ là ông Thạc, đồng thời ngay sau khi được cán bộ địa chính xã ký xác nhận thì đã bị phát hiện có sai phạm.

Cụ thể, phần đất này từ năm 1995 đã được ông Thạc thế chấp cho gia đình bà An và ông La, thế nên bà Xuấn không thể tiếp tục đem bán cho người khác. Xác định việc chuyển nhượng này không phù hợp với pháp luật, chính quyền địa phương đã ra thông báo đình chỉ việc chuyển nhượng.

Vô phúc đáo tụng đình

Bức xúc khi không được giải quyết thỏa đáng, nhiều năm qua, bà An liên tục làm đơn khởi kiện. Gần đây nhất, tháng 6/2016, TAND huyện Phú Riềng đã đưa vụ án dân sự nói trên ra xét xử sơ thẩm.

Tuy nhiên, thay vì tuyên xử dựa vào quá trình diễn biến vụ việc cũng như ý kiến kết luận của lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Tòa huyện lại tuyên án theo một hướng trái ngược hoàn toàn.

Theo đó, Tòa bác bỏ yêu cầu khởi kiện của hai nguyên đơn là bà An và ông La. Đồng thời, tuyên bố giao dịch giữa gia đình vợ chồng bà An và ông La với vợ chồng ông Thạc và bà Xuấn theo biên bản lập ngày 28/12/1999 là vô hiệu. Tòa bất ngờ tuyên các đương sự trả lại cho nhau những gì đã nhận. 

Như vậy, ông Thạc và bà Xuấn phải có nghĩa vụ trả số vàng (kèm lãi) đã vay của gia đình bà An, ông La. Đồng thời, buộc ông Thạc và bà Xuấn có nghĩa vụ trả lại cho ông Thú số tiền 21 triệu đồng đã vay và được thế chấp bằng diện tích đất mà ông Thú đã và đang sử dụng, ông Thú có nghĩa vụ trả lại đất cho ông Thạc bà Xuấn.

Từ phán quyết của TAND huyện Phú Riềng, một câu hỏi đặt ra, tại sao trong Biên bản giải quyết thi hành án lập ngày 15/12/1999, và biên bản giao nhận tài sản theo thỏa thuận để thi hành án lập ngày 28/12/1999, các đương sự đã thống nhất thỏa thuận giải quyết và chính quyền xác nhận, TAND huyện Phú Riềng lại coi như không có giá trị?

Bao nhiêu năm mòn mỏi hết đòi vàng lại đi đòi đất, hồ sơ giấy tờ chất chồng, bây giờ lại cầm trong tay bản án của TAND huyện Phú Riềng (đây là bản án sơ thẩm thứ 4), bà An thất vọng não nề. Đây đã là lần xét xử thứ 7 (4 lần sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm) mà bà vẫn chưa đòi được quyền lợi, dù điều đó tưởng chừng là lẽ hiển nhiên.

Bà An cho rằng Tòa đã tuyên xử không hợp lí. Số tài sản thuộc về gia đình bà trong vụ tranh chấp đất đai cách đây gần 20 năm, bị người khác chiếm giữ. Gia đình bà không được hưởng bất kì lợi ích nào từ phần đất của mình. 

“Một sự việc hết sức rõ ràng. Đất của tôi thì phải trả lại cho tôi thôi. Vậy mà suốt bao nhiêu năm qua, xử đi xử lại đến 7 lần rồi không xong. Gia đình tôi vì việc này mà tan nát, con cái thất học, nợ nần, bản thân tôi thì rã rời vì theo kiện…”, bà An khổ sở.

Đọc thêm