Đất đang ở bỗng dưng bị coi “không phù hợp quy hoạch”?

(PLO) - Xây nhà mới trên nền đất cũ tại  khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, ông Phạm Văn Phú đã bị UBND phường Vũ Ninh ra Thông báo yêu cầu  “tháo dỡ công trình” vì “không phù hợp quy hoạch”. Ngỡ ngàng trước lý do này, ông Phú khẳng định gia đình mình không hề vi phạm như thông báo của chính quyền.

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Bế (SN 1932, vợ liệt sỹ, mẹ đẻ ông Phú) thì gia đình bà sử dụng thửa đất tại khu Cô Mê để ở và làm quán bán hàng mã từ năm 1990. Trong quá trình sử dụng, gia đình bà Bế đã cải tạo, khai phá và nhận chuyển nhượng thêm một số diện tích đất xung quanh. Một phần diện tích đã được cập nhật vào Sổ mục kê và Bản đồ địa chính của địa phương. Vào năm 1998, do nhà tạm xuống cấp, gia đình bà đã tiến hành sửa chữa, cải tạo và được lãnh đạo thôn và lãnh đạo UBND xã lúc đó xác nhận vào đơn.

Mới đây, do căn nhà này xuống cấp nên các con bà Bế đã phá nhà cũ để định xây dựng ngôi nhà mới gồm hai gian, mái bằng. Sau khi gian nhà ngoài hoàn thành được một thời gian, gia đình tiếp tục xây dựng gian nhà trong thì nhận được Thông báo số 19/TB-UBND (ngày 17/03/2017) của UBND phường Vũ Ninh yêu cầu “tự giác tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, không phù hợp với quy hoạch tại khu Cô Mễ”.

 Thông báo trên khiến công trình xây dựng của gia đình bà Bế bị dang dở (chưa lợp mái), mỗi khi trời mưa, nước chảy tràn vào nhà, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và việc kinh doanh kiếm sống.

Hơn nữa, cứ theo nội dung Thông báo rằng “nếu ông, bà không thực hiện thì UBND phường Vũ Ninh sẽ thực hiện tháo dỡ…” thì gia đình liệt sỹ này còn đang đứng trước nguy cơ bị chính quyền cưỡng chế phá dỡ toàn bộ nhà trong khi quyền sử dụng đất hợp pháp đã được ghi nhận rõ ràng trong Sổ mục kê và bản đồ địa chính.

Thông báo của UBND phường Vũ Ninh đề cập đến một loạt các căn cứ như: “Quy định về sử dụng vỉa hè, lòng đường”; Công văn về “xử lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị”; “kế hoạch ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị”…  nhằm yêu cầu người dân tháo dỡ nhà tạm, công trình vi phạm, mái che, mái vẩy, bục bệ lên xuống. Tuy nhiên, văn bản này lại không hề đề cập tới cái gọi là “quy hoạch” để đối chiếu xem người dân xây dựng “không phù hợp như thế nào”.   

Ông Phạm Văn Phú cho hay, nếu cho rằng gia đình tôi xây dựng vi phạm hành lang giao thông là rất vô lý bởi vào năm 2013, sau khi được chính quyền yêu cầu, gia đình đã tự nguyện tháo dỡ công trình trong hành lang đường giao thông. Còn công trình xây dựng hiện nay không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không lấn chiếm hành lang giao thông thì tại sao vẫn bị UBND phường Vũ Ninh “dọa” cưỡng chế tháo dỡ. Trong khi đó, ở cùng dãy với nhà này, hàng loạt nhà cao tầng của các hộ dân khác thì vẫn được tồn tại?

Sau khi có thông báo trên, gia đình bà Bế đã có đơn khiếu nại đề nghị chính quyền căn cứ nguồn gốc đất, hồ sơ địa chính để làm rõ quyền sử dụng đất của gia đình cũng như làm rõ quy hoạch mà UBND phường Vũ Ninh đề cập trong Thông báo 19/TB-UBND  là quy hoạch gì? Quy hoạch cụ thể như thế nào? Đã công bố quy hoạch hoặc cấm mốc giới hay chưa… nhằm giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của gia đình, sớm ổn định cuộc sống. 

Trước vụ việc trên, Luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng VPLS Interla, Hà Nội) cho rằng, qua hồ sơ địa chính và xác nhận của chính quyền năm 1998, có thể thấy đất của gia đình bà Bế đã sử dụng ổn định từ trước năm 1993, không có tranh chấp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước nên đủ điều kiện để hợp thức hóa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, giả sử như Nhà nước có quy hoạch công trình gì mà “lấn” vào đất của dân thì cũng cần phải có quyết định thu hồi đất và tiến hành đền bù đúng quy định. Việc cho rằng gia đình bà Bế đã xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch là không hợp lý. Trong vụ việc này, cần làm rõ có hay không việc “lập lờ” khi dùng kế hoạch ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè để yêu cầu người dân phá dỡ cả những công trình không vi phạm hành lang giao thông, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của dân. 

Đọc thêm