Chùm ngây là gì?
Chùm ngây là một loại cây thân gỗ, có thể cao tới 5-6m và có đường kính 10cm, khá dễ trồng và dễ sống. Thân cây chùm ngây óng chuốt, không có gai; lá kép dài 30-60cm, hình lông chim, màu xanh mốc; lá chét dài 12-20mm hình trứng, mọc đối có 6-9 đôi.
Ở Việt Nam, chùm ngây hay còn gọi là cây ba đậu dại, trước kia mọc hoang ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng Bảy Núi ở An Giang, đảo Phú Quốc… khi ấy, lợi ích của loại cây này không được nhiều người biết tới. Phải đến vài năm gần đây, trải qua nhiều cuộc hội thảo và tham khảo các tài liệu từ nước ngoài, người dân mới biết đến công dụng của cây chùm ngây. Từ đó cây chùm ngây được người dân trồng có chủ định và nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ khi nhiều chủ vườn thành công với việc kinh doanh chùm ngây, thông tin về loại cây này bắt đầu tràn ngập trên internet và được quảng cáo rộng rãi hơn.
Theo kinh nghiệm từ những chủ vườn, cây chùm ngây khá dễ trồng. Khi cây đâm rễ, đủ cứng cáp, người trồng cần đào lỗ trên đất, kích cỡ rộng và sâu gấp đôi chậu nhựa, ứng với mỗi lỗ đào cách nhau 1,5-2 mét. Từ khí hậu lạnh đến nóng, cây đều phát triển rất tốt, không kén đất. Cây chùm ngây 3 tháng tuổi bắt đầu cho thu hoạch, cây cao 60cm bắt đầu cắt ngọn. Sau 6 tháng, cây cao 2 mét và là lúc thu hoạch chính, trung bình cho từ 500 gram đến 900 gram lá tươi trên một cây mỗi tháng.
Hiện nay, hầu hết các trang thông tin về chùm ngây đều cho biết, cây chùm ngây có chứa khá nhiều chất khoáng, vitamin, các axit amin, beta-caroten, phenolics… Chùm ngây chứa vitamin C gấp 7 lần cam, vitamin A gấp 4 lần cà rốt, calcium gấp 4 lần sữa, chất sắt gấp 3 lần cải xôi. Các bộ phận của cây như lá, rễ, hạt, vỏ, quả và hoa… có những hoạt tính như kích thích hoạt động của tim và hệ tuần hoàn, hoạt tính chống u bướu, hạ nhiệt, chống kinh phong, chống sưng viêm, trị ung loét, chống co giật, lợi tiểu, hạ huyết áp, hạ cholesterol, chống oxy hóa, trị tiểu đường, bảo vệ gan, kháng sinh và chống nấm. Cây đã được dùng để trị nhiều bệnh trong y học dân gian tại nhiều nước trong vùng Nam Á.
Giá trị dinh dưỡng của chùm ngây khá cao nên người già, trẻ em, người có thể trạng yếu thường sử dụng loại rau này để bồi bổ sức khỏe. Nhưng phụ nữ mang thai tuyệt đối không sử dụng chùm ngây vì một số chất trong cây có thể gây sảy thai. Khi có thai, hormon thai nghén là progesterone bài tiết làm mềm tử cung khiến cơ tử cung không co bóp, còn alpha-sitosterol trong rau chùm ngây gây co cơ trơn tử cung và làm sảy thai.
Một số tài liệu cho biết, dù mới lạ ở Việt Nam nhưng thực tế cây chùm ngây đã được sử dụng ở 80 quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia ứng dụng chùm ngây rộng rãi trong công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát dinh dưỡng và thực phẩm chức năng. Hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển sử dụng chùm ngây như dược liệu kỳ diệu kết hợp chữa bệnh hiểm nghèo, bệnh thông thường và thực phẩm dinh dưỡng. Toàn bộ cây chùm ngây, kể cả hạt giống, lá, vỏ và rễ cây có chứa các hợp chất như niaziminin, đã được chứng minh để ức chế sự tăng trưởng tế bào ung thư.
Sốt xình xịch chùm ngây trên thị trường
Với mức giá 60.000 – 100.000 đồng/kg, rau chùm ngây được xem là một loại thực phẩm khá đắt đỏ. Ấy vậy, thời gian gần đây loại rau này vẫn được người tiêu dùng ráo riết săn tìm trên mạng và siêu thị. Nguyên nhân một phần là do hàng loạt thông tin quảng cáo về công dụng của chùm ngây ngập tràn trên mạng xã hội hay các diễn đàn của cha mẹ. Mặt khác, trồng chùm ngây khá dễ dàng, lợi nhuận thu được cao khiến ngày càng nhiều người đổ xô kinh doanh loại cây này.
Một đồn mười, mười đồn trăm, với lợi thế từ công dụng chữa bách bệnh của chùm ngây, người trồng dễ dàng tìm được nguồn ra cho cây trồng của mình. Nhiều chủ vườn đã nhanh chóng trở thành triệu phú từ loại dược liệu này. Anh Nguyễn Tiến Dương (Sóc Sơn) là một điển hình khi quyết định lập một trang trại trồng chùm ngây với diện tích rộng 5.000m2. Trung bình mỗi năm trang trại của anh Dương cung cấp khoảng 3.000 cây chùm ngây, thu nhập gần 300 triệu đồng. Làm giàu từ cây chùm ngây, anh Dương còn thuê thêm 6 công nhân chăm sóc trang trại. Anh Ngọc Hân (Hưng Yên) cũng thành công với hơn 2.000 cây chùm cây, tạo công ăn việc làm cho nhiều nhân viên với thu nhập 5 -7 triệu/tháng. Mỗi tháng, vườn chùm cây của anh cho 6-8 tạ rau.
Người thành công với chùm ngây ở khắp các tỉnh, thành không ít, nhưng chùm ngây chỉ thực sự trở thành “cơn sốt” khi nhiều phụ nữ tìm mua chúng để chế biến thực phẩm, đồng thời có ý định kinh doanh
online. Hiện nay tìm mua rau và hạt giống chùm ngây không khó. Chỉ với từ khóa “chùm ngây”, google đã cho hàng trăm website, facebook rao bán chùm ngây ở mọi tỉnh, thành… Những chủ vườn ở ngoại thành đều cho biết họ ươm trồng cả nghìn cây và sẵn sàng cung cấp số lượng lớn với giá 15.000 đồng/cây con, 500.000 đồng/kg hạt giống chùm ngây. Ngoài ra, không ít người mạnh dạn chế biến thêm nhiều sản phẩm khác từ chùm ngây như bột, lá khô, rễ cây, hoa, trà để làm giàu từ loại dược liệu này.
Một chủ cửa hàng bán giống chùm ngây online cho biết: “Hiện tại rất nhiều người biết đến chùm ngây. Loại rau này sớm muộn cũng sẽ trở thành thực phẩm chính trong bữa ăn gia đình nên trồng cây chùm ngây yên tâm không sợ lỗ. Mới đầu nhiều người trồng chùm ngây để ăn là chủ yếu. Đến khi khách đến nhà hay mình chia sẻ trên facebook, nhiều bạn bè đều hỏi mua để trồng. Cây chùm ngây trồng một lần có thể bán cả năm. Ngày thường có thể nấu canh như canh rau ngót. Vì khá giống với rau ngót nên nhiều người nhầm cây chùm ngây với rau ngót. Thực tế chùm ngây lớn và sinh trưởng nhanh hơn, thân cây khác. Vị rau chùm ngây ăn khá nồng nhưng khi nấu chín, nó ra nước ngọt, ăn ngon hơn rau ngót rất nhiều”.
Đứng ngoài “cơn sốt” tìm mua chùm ngây, một số người lại tỏ vẻ hoài nghi về công dụng của loại cây này. Minh Cường, một độc giả cho rằng: “Mọi người chỉ nghe qua internet nên làm sao chứng thực được công dụng của nó như thế nào? Trong khi nó không khác gì với loại rau khác, có điều hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và dễ trồng. Tuy nhiên, năng suất khá thấp. 100.000 đồng/kg rau quả thật quá đắt so với nhiều gia đình ở Việt Nam nhưng bán rẻ hơn lại dễ lỗ. Thêm nữa, vị nồng của nó khá khó ăn, không phải ai cũng ăn được”. Với những khúc mắc trên, thị trường tiêu dùng đang rất cần định hướng của những nhà quản lý về câu trả lời cho loại rau dinh dưỡng này./.