Sáng 20/4/2015, thay mặt Thành ủy và UBND TP.Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã đến Sở Tư pháp công bố và trao Quyết định của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng bổ nhiệm bà Võ Thị Như Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng giữ chức vụ Giám đốc Sở Tư pháp thay ông Nguyễn Bá Sơn được điều động nhận chức Chánh Thanh tra TP.Đà Nẵng.
Dám nghĩ, dám làm
Ông Nguyễn Bá Sơn (SN 1963) sinh ra trong gia đình cách mạng thuộc xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật, ông đã trải qua nhiều vị trí như: Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng VKSND quận Hải Châu (Đà Nẵng), chuyên viên, Trưởng phòng Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng và Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng. Từ tháng 7/2009 đến ngày 20/4/2015, ông Sơn giữ chức Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng.
Ông Sơn nhớ lại thời điểm năm 2009 khi mới “bén duyên” với ngành Tư pháp, Sở Tư pháp Đà Nẵng chỉ có 28 biên chế, chỉ tiêu được giao hàng năm lại quá ít, không nói là nhỏ giọt so với nhiệm vụ được giao. Với nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng như vậy, thế nhưng để “xin” thêm người không phải dễ dàng.
Trong quá trình làm việc, ông Sơn cùng với lãnh đạo Sở tham mưu đề xuất ý tưởng và đi đến quyết định “tự tuyển” thêm nhân lực cho cơ quan. Điều đặc biệt ở chỗ, lực lượng này được giao cho 3 Phòng Công chứng (CC), mỗi phòng 2 người và Trung tâm bán đấu giá Đà Nẵng “nuôi” người. Như vậy, không cần phải “tranh” các suất biên chế với các ban, ngành khác, Sở Tư pháp Đà Nẵng vẫn có thêm được 7 cán bộ về làm việc.
Sau khi kiện toàn bộ máy tổ chức, ở vị trí “đầu tàu”, ông Sơn bắt tay vào việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của ngành, từng bước đưa đơn vị có vai trò, vị trí nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND TP quản lý nhà nước về công tác tư pháp tại địa phương.
Từ năm 2010 đến năm 2015, ông Sơn trực tiếp tham gia với cương vị Chủ nhiệm rất nhiều đề tài khoa học. Đơn cử, đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao hoạt động tổ chức lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)”, góp phần phản ánh thực trạng về hoạt động lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo VBQPPL của HĐND, UBND tại TP.Đà Nẵng.
Qua đó kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện quy định pháp luật về quy trình, cơ chế về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo VBQPPL tại địa phương. Với đề tài này, theo ông Sơn, vào tháng 9/2011, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng bảo vệ và được đánh giá xếp loại xuất sắc.
Nhận thấy trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các chính sách, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng rất quan trọng, năm 2012 ông cùng cộng sự xây dựng đề tài: “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ pháp chế sở, ngành trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP.Đà Nẵng”. Ngày 1/10/2012, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cũng đã tổ chức Hội đồng bảo vệ và đề tài được đánh giá xếp loại xuất sắc.
Luôn trăn trở, tâm huyết với ngành, những ý tưởng mới dường như luôn thường trực trong ông Nguyễn Bá Sơn. Năm 2014, ông đề xuất ý tưởng xây dựng Đề án “Thành lập Câu lạc bộ Công chức trẻ TP.Đà Nẵng”. Hiện tại, mô hình đã chính thức đi vào hoạt động (tháng 8/2014) với mục tiêu đem đến cho công chức trẻ môi trường làm việc năng động, giúp trao đổi thông tin cả về lý luận và thực tiễn trong hoạt động của Sở Tư pháp nói riêng và toàn ngành Tư pháp nói chung.
Vận dụng linh hoạt để thành lập Hội Công chứng
Với cán bộ, công chức ngành Tư pháp Đà Nẵng, ông Sơn không chỉ được đánh giá mẫu mực, có nhiều đề tài, ý tưởng “độc” mà còn được xem như “cha đẻ” của Hội CC Đà Nẵng. Là một trong 5 địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Hội CC nhưng tổ chức này tại Đà Nẵng lại có nhiều điểm khác lạ, đã và đang tạo nên “sắc màu” rất riêng cho Tư pháp Đà Nẵng.
Theo ông Sơn, nếu như cả nước thực hiện quy định Chủ tịch Hội CC phải là công chứng viên (CCV) thì ở đây, vị trí này được giao cho Giám đốc Sở Tư pháp đương chức là ông đảm nhận. Ngoài ra, ở các địa phương khác, CCV mới trở thành thành viên của Hội CC, nhưng tại Đà Nẵng, thành viên còn là các thành viên hành nghề CC.
“Thực ra, chúng tôi không phải cố tình đi ngược lại với điều luật mà đều do xuất phát từ thực tiễn. Mọi vấn đề luôn được đơn vị nhìn nhận, vận dụng linh hoạt để tạo ra môi trường làm việc thông thoáng, hiệu quả…”, ông Sơn lý giải.
Cũng theo ông Sơn, thời điểm trước đây, Luật CC 2006 chưa quy định về việc thành lập Hội CC. Để tạo sân chơi, giao lưu học hỏi cho các thành viên hành nghề, ngày 8/3/2011 ông Sơn cùng tập thể cho ra đời Câu lạc bộ CC, trở thành mô hình về hội nghề nghiệp CC đầu tiên của cả nước. Đến năm 2013, Bộ Tư pháp có chủ trương thành lập Hội CC cấp tỉnh, tuy nhiên, căn cứ theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Tư pháp Đà Nẵng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn số lượng thành viên để thành lập.
“Lách” luật, ông Sơn quyết định “nới” rộng Điều lệ, không chỉ hạn hẹp riêng CCV mà những người có trình độ pháp lý đang làm việc tại các tổ chức hành nghề CC, những người có trình độ pháp lý đang hoạt động tại các đơn vị liên quan đến lĩnh vực CC trên địa bàn TP được tham gia.
Sau đó, đích thân ông Sơn làm việc với Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng nhiều lần để cho ra đời Hội CC hiện nay. Hiện tại, có 13 tổ chức hành nghề CC tham gia Hội CC Đà Nẵng trên tinh thần phát huy tính tự quản, tăng cường đoàn kết nội bộ giữa các tổ chức hành nghề CC nhằm tạo cơ sở thành lập Hiệp hội CC Việt Nam, sớm đưa Việt Nam gia nhập Liên minh CC quốc tế La-tinh theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
Đặc biệt, Câu lạc bộ đã phối hợp với Sở Tư pháp triển khai ứng dụng phần mềm hệ thống khai thác thông tin ngăn chặn rủi ro trong hoạt động CC, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên, đến nay, điều ông Sơn trăn trở nhất là qua một thời gian, có những cơ sở dữ liệu không còn phù hợp. Trong lúc đang cùng cộng sự tiến hành cho nâng cấp hệ thống, ông lại nhận quyết định bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra thành phố (ngày 20/4/2015).
Trong quá trình ông Nguyễn Bá Sơn làm việc tại Sở Tư pháp, câu chuyện ra đời của Chi bộ Đảng các Văn phòng Công chứng (VPCC) cũng là khiến nhiều người luôn nhớ và nhắc về ông. Ông nhận thấy trong các VPCC có một lực lượng đảng viên nhưng đang sinh hoạt tại các chi bộ Đảng khu dân cư, nếu có tổ chức Đảng lãnh đạo, hoạt động của những VPCC trên sẽ thuận lợi, theo đúng định hướng quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề CC của TP.
Với cương vị Bí thư Đảng ủy Sở Tư pháp, ông đề xuất chủ trương thành lập Chi bộ Đảng trong các VPCC. Tuy nhiên, đưa vấn đề này ra bàn, có ý kiến băn khoăn và phải nhiều lần đấu tranh, đến ngày 20/5/2011 Chi bộ Đảng các VPCC chính thức ra đời.
Chia tay Sở Tư pháp để đảm nhận cương vị mới nhưng ông Nguyễn Bá Sơn cho biết ngành Tư pháp luôn là “ngôi nhà” thân thiết của ông và nhiều cán bộ Sở Tư pháp Đà Nẵng cũng nhắc nhớ đến ông như một “Gương sáng Tư pháp” với dấu ấn đặc biệt và rất riêng trong quá trình làm việc.