Cố tình “giao nhầm đất”
UBND huyện Phú Lộc vừa có Kết luận số 2022/KL-UBND về việc tố cáo ông Hồ Hữu Phúc. Theo kết luận này, ông Phúc trong thời gian là Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thông đồng với các thành viên trong gia đình và bạn bè để hợp thức hóa việc cấp sổ đỏ nhằm chiếm đoạt các lô đất mà bà Nguyễn Thị Hoa (trú ở thôn Bình An, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) được chính quyền giao khai hoang để trồng mía ở thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến.
Theo đó, ông Phúc đã tự ý kê khai các hộ không đúng đối tượng đối với 22 thửa đất ở thôn Tam Vị. Đồng thời, tự lập hồ sơ, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất vào hồ sơ cấp sổ đỏ 13 lô đất cho người thân.
Những người thân, bạn bè được ông Phúc “ưu ái” gồm: Ông Hồ Trọng Tuyến, bà Nguyễn Thị Nguyệt là cha, mẹ ruột (cấp 7 thửa). Bà Hồ Thị Phương Thúy là em ruột ông Phúc được 2 thửa. Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo là vợ được 3 thửa và thửa còn lại cấp cho bà Dương Thị Chi là bạn thân ông Phúc.
Sau khi có kết luận nội dung tố cáo, UBND huyện Phú Lộc đã có kiến nghị chuyển Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra đối với đảng viên Hồ Hữu Phúc vì có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai để xử lý theo quy định pháp luật.
UBND huyện Phú Lộc cũng cho biết sẽ chỉ đạo xử lý nhiều tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm của ông Phúc. Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể trong việc kiểm tra, đối chiếu dẫn đến thẩm định không đúng 13 hồ sơ cấp sổ đỏ.
Đối với UBND xã Lộc Tiến, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và các cá nhân có liên quan trong việc lập bản đồ địa chính, ký xác nhận đơn xin cấp sổ đỏ, biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất không đúng thực tế, buông lỏng quản lý đất đai tại địa phương.
Đối với 13 lô đất mà ông Phúc đã “phù phép” hồ sơ để chiếm đoạt cho người thân và bạn bè, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND huyện thủ tục thu hồi các sổ đỏ đã cấp và làm thủ tục thu hồi số thửa đất còn lại liên quan đến sai phạm ông Phúc ở thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến để giao cho UBND xã Lộc Tiến quản lý.
Bỏ hàng trăm triệu để khai hoang rồi mất trắng
Theo người khiếu kiện là bà Nguyễn Thị Hoa (73 tuổi, ngụ thôn Bình An, xã Lộc Bổn), vào năm 1998, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế về việc khuyến khích người dân cải tạo đất để trồng mía lấy nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy mía đường KCP Ấn Độ; UBND xã Lộc Tiến đã thông báo rộng rãi cho các hộ dân có nhu cầu tiến hành đăng ký cải tạo đất để trồng mía.
|
Con trai bà Hoa cõng mẹ ra khu đất mà Chủ tịch đã lập hồ sơ để chiếm đoạt |
“Thấy chủ trương mới lại hay, có thể giúp dân làm giàu nên tôi cùng chồng vượt 36km từ Lộc Bổn về Lộc Tiến để xin khai hoang, san ủi cải tạo đất tại cánh đồng Lã Lã, thuộc thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến để trồng mía với tổng diện tích 15,9 ha. Xã này chấp nhận rồi cấp đất cho gia đình tôi”, bà Hoa nói.
Bà tiếp tục: “Vào thời gian đó, khu đất nhà tôi khai hoang toàn cây rậm rạp, vợ chồng tôi thuê ngày vài chục người để chặt, đào bới cây sim, me, trang… Hàng ngày, chúng tôi đều bỏ mặc con cái, bới cơm về đây ăn, làm, tối ở lại luôn.
Không hề sợ hiểm nguy, vất vả. Tôi nhớ như in, giữa trưa nhân công về nghỉ nhưng tôi cùng chồng vẫn cố cuốc thêm ít đất. Thế là có quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh nổ, cũng may khi đó vợ chồng tôi đã kịp chạy đi. Việc khai hoang 15,9ha đất, tiền công lên tới cả trăm triệu đồng”.
Tưởng chừng đất đã đẹp lại hợp pháp, chỉ việc trồng và thu hoạch mía thì đến năm 2000, nhà máy đường KCP ngừng thu mua nguyên liệu mía nên gia đình bà Hoa rơi vào cảnh nợ nần nặng nề. Vợ chồng buồn rầu nhưng không có cách nào khác vẫn muốn canh tác trên mảnh đất mình khai hoang nên đã về UBND xã Lộc Tiến trình đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng mía sang trồng keo, tràm.
Thế nhưng lúc đó, vì diện tích đất canh tác này nằm trong quy hoạch khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nên địa phương không đồng ý việc chuyển đổi.
Đến năm 2004, một số dự án ở khu kinh tế kéo dài không triển khai, tỉnh đã có thông báo để cấp sổ đỏ cho các hộ nông dân, trong đó có diện tích đất kể trên, gia đình bà Hoa đã nhiều lần về xin cấp giấy hi vọng tiếp tục canh tác. Nhưng chính quyền ở đây không chấp nhận vì lý do đất không canh tác lâu ngày. Từ đó gia đình bà khiếu kiện đến tận bây giờ.
Đến năm 2010, gia đình bà Hoa bất ngờ trước thông tin đất mà gia đình bà trước đây khai hoang đã được cấp sổ đỏ cho người khác. Điều đáng buồn, tên những “chủ đất” trên đều là người thân của ông Chủ tịch xã Lộc Tiến Hồ Hữu Phúc. Từ đó, gia đình bà quyết tâm khiếu kiện đến cùng, mong được cấp lại diện tích đất trước đây thuộc của gia đình mình.
Mãi đến ngày 6/12/2017, Chánh thanh tra huyện Phú Lộc mới ban hành Quyết định số 3715/QĐ-UBND thành lập Đoàn Thanh tra xác minh nội dung tố cáo. Đến ngày 11/6/2018, UBND huyện Phú Lộc mới có kết luận ông Phúc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt đất như trên. Tuy nhiên, đất khai hoang trước đây của gia đình bà Hoa cũng bị huyện thu hồi giao cho UBND xã Lộc Tiến quản lý đã khiến bà Hoa không đồng tình.
Uất ức sinh bệnh rồi chết
Trước khi khai hoang trồng mía, vợ chồng bà Hoa tuy đông con (5 gái, 2 trai) nhưng vẫn thuộc diện khá giả nhờ buôn bán vật liệu xây dựng. Vốn liếng có được ông bà đều bỏ vào việc khai hoang rồi trồng mía, nhưng thất bại nặng nề như đã nói ở trên. Thời gian đó, ông bà nợ ngân hàng tới 500 triệu đồng.
Theo con gái bà Hoa là chị Võ Thị Khánh Ly (35 tuổi), bố mẹ chị đi kiện tụng khắp nơi nhưng có lúc như “con kiến kiện củ khoai”. Thế là, chị dù lấy chồng, làm việc ở nước ngoài nhưng chị vẫn về quê tìm mọi cách để sự việc được đưa ra ánh sáng.
“Vừa rồi, nghe có kết luận của Chủ tịch UBND huyện, tôi mừng lắm tưởng đất của ba mẹ tôi được trả lại nhưng địa phương lại tiến hành thu hồi. Liệu có sự công bằng, đúng pháp luật ở đây không. Công khai hoang của gia đình chúng tôi đâu?”.
Sở dĩ, chị Ly quyết tâm theo kiện tới cùng cũng vì cái chết của ba mình. Bà Hoa ngắt lời con gái kể trong nước mắt: “Sau khi nhà máy mía giải tán, chồng tôi buồn rầu. Càng buồn hơn khi chính quyền không cho vợ chồng tôi sử dụng đất chính mình khai hoang.
|
Bà Hoa khóc nghẹn bên di ảnh chồng: "Vì chính quyền địa phương làm bậy nên ông ấy mới buồn rồi sinh bệnh qua đời" |
“Họ” lại cấp đất cho cha mẹ, vợ, anh chị em Chủ tịch xã. Chồng tôi ức lắm nhưng bất lực, thậm chí đã lên chùa đi tu. Đỉnh điểm vào dịp gần Tết Nguyên đán năm 2012, tôi cùng chồng lên gặp ông Phúc để nói chuyện, trao đổi nhưng Phúc không tiếp cũng như có những lời lẽ khó nghe, thách thức (ông Phúc với bà Hoa có bà con xa - PV).
Chồng tôi tức giận, tăng huyết áp rồi phải đi cấp cứu ngay khi đó. Cuối năm, chồng tôi qua đời với lời nhắn gửi “Quyết đòi lại khu đất mà vợ chồng đã đổ mồ hôi công sức khai hoang”. Vì lời trăng trối của chồng nên tôi cùng với con nhiều lần lên tỉnh, ra Hà Nội khiếu kiện, mong lấy lại sự công bằng”.
Chị Ly nói: “Chúng tôi đòi đất từ năm 2000, cao điểm năm 2015, đến năm 2017 thanh tra huyện với sức ép của tỉnh, Trung ương mới thụ lý. Đến năm 2018 mới có kết luận. Vì sao họ “câu giờ” chọn mốc 2018 mới đưa ra kết luận nội dung tố cáo. Phải chăng gia đình tôi được giao đất từ năm 98 đến nay tròn 20 năm, thời hạn giao đất nông nghiệp hết nên “họ” mới làm.
Đó là kịch bản kín kẽ và hoàn hảo cho vụ “cướp đất” của gia đình tôi. Kết luận nêu rõ ông Phúc chiếm đoạt đất của gia đình tôi, thế thì phải trả lại. Công khai hoang cho gia đình tôi ở đâu? Mong các cấp có thẩm quyền hãy xử lý nghiêm minh những kẻ lợi dụng chức quyền để làm những điều trái pháp luật”.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc) cho biết, Thường vụ Huyện ủy Phú Lộc vừa chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra huyện rút toàn bộ hồ sơ từ Thanh tra huyện liên quan hành vi chiếm đất của ông Hồ Hữu Phúc để tiếp tục rà soát, xem xét xử lý nghiêm cán bộ này theo quy định.
Ông Mạnh cho rằng quan điểm của lãnh đạo huyện là “xử lý nghiêm” về mặt Đảng và mặt chính quyền với những sai phạm đã gây ra. Tuy nhiên, dù cơ quan điều tra chưa vào cuộc, vị Chủ tịch huyện đã cho rằng: “Sai phạm của ông Phúc chưa đến mức phải xử lý hình sự nên chúng tôi không chuyển hồ sơ về vụ việc của ông này cho cơ quan công an”.
Phản bác quan điểm này, gia đình người khiếu nại cho biết cần chuyển cơ quan điều tra xem xét hành vi của vị chủ tịch xã có cấu thành tội phạm hay không, xử lý nghiêm minh đúng pháp luật.