Theo Công an TP.Hà Nội, tính đến ngày 27/1/2016, số tiền Nguyễn Đức Thái chiếm đoạt của những người bị hại đã lên tới 10 tỷ đồng. Ngoài việc làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tài sản thông qua bán cổ phiếu, ôtô, xe máy, Thái còn vay tiền của không ít bị hại.
Hiện cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Thái về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Giám đốc lừa cậu lấy sổ đỏ
Thái gọi ông Nguyễn Văn Mấy (SN 1954, ngụ tổ 3, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội) là cậu ruột. Trước đó, Thái từng được họ tộc nể trọng với chức vụ Giám đốc Công ty may công nghiệp Hà Nội (địa chỉ tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nhưng hình ảnh “ông giám đốc” sụp đổ từ cuối năm 2015 khi hàng loạt đơn thư tố cáo Thái lừa đảo.
Đặc biệt, trong các nạn nhân của Thái có cả họ hàng thân thiết, điển hình như ông Mấy. Ông tường trình như sau:
Tháng 11/2014, Thái nhiều lần sang nhà tỉ tê với vợ chồng ông rằng đang mở rộng kinh doanh, chuẩn bị mua lại công ty may Bắc Giang từ đối tác Hàn Quốc.
Theo lời Thái, để đảm bảo giao dịch, hai bên phải nộp tiền đặt cọc vào ngân hàng “làm tin”. Thái nói không đủ tiền mặt nên đề nghị cậu cho mượn sổ đỏ mảnh đất rộng hơn 400m2 đang ở để thế chấp đảm bảo giao dịch, ngay sau khi việc mua bán hoàn tất sẽ trả lại sổ đất.
Bản thân ông Mấy luôn tin tưởng cháu ruột, trước đây khi kinh tế khó khăn, ông từng mượn sổ đỏ của bố mẹ Thái thế chấp ngân hàng cho con sang Nhật học.
Vì thế, ông Mấy nhận lời: “Gia đình giúp nhau là chuyện nên làm, với lại như lời Thái giải thích thì tôi hoàn toàn yên tâm, không thấy có gì mạo hiểm. Điều tôi không ngờ là cháu lại lừa mình.
Trước đó, nó đã bảo tôi giấu chuyện cho mượn sổ đỏ, đừng nói với con, nhưng tôi quá chủ quan không để ý đến”, ông Mấy chua chát nói.
Sau đó không lâu, ngày 25/11/2014, Thái dẫn theo một cô gái giới thiệu là cán bộ phòng công chứng số 3 TP.Hà Nội tới tận nhà ông Mấy để kí hợp đồng thế chấp sổ đỏ. Theo ông Mấy, cô này không hề giới thiệu gì về quyền nghĩa vụ mà chỉ giục ông và vợ kí tên vào bản hợp đồng.
Ông Mấy chỉ được cho xem tờ giấy cuối cùng của bản hợp đồng ghi nội dung “Thế chấp mua bán tài sản ở Công ty May Bắc Giang”.
Theo ông, đây chính là sự gian dối của Thái khiến ông tin là thật để kí tên. Còn vợ ông, vào thời điểm bấy giờ đang điều trị tâm thần cũng không được giải thích rõ điều khoản gì về việc kí kết hợp đồng.
Ông Mấy khẳng định trong hợp đồng không hề đề cập đến việc thửa đất được thế chấp cho khoản vay tín dụng của Công ty CP May công nghiệp Hà Nội.
“Ngay cả chị gái tôi là mẹ của Thái cũng không biết chuyện con sang mượn sổ đỏ nhà tôi. Thái còn dặn chúng tôi đừng kể lại chuyện với con cái. Tôi cứ nghĩ giúp đỡ cháu như trả ơn ngày trước, mọi việc cũng không có gì to tát nên im lặng. Nào ngờ đây là trò lừa của đứa cháu”, ông Mấy ân hận nói.
Sau một tháng ông Mấy cho cháu mượn sổ đỏ, con trai ông biết chuyện đã gọi điện cho Thái hỏi cụ thể. Trong cuộc điện thoại, Thái cam kết chỉ mượn sổ đỏ thế chấp giao dịch mua bán Công ty May Bắc Giang và sẽ trả ngay sau khi giao dịch hoàn tất vào cuối năm 2015. Nhưng đợi mãi đến hẹn vẫn không thấy Thái trả, gia đình ông Mấy nhiều lần gọi điện đòi đều bị khất lần.
Đến cuối năm 2015, ông Mấy biết được thông tin nhiều người tố cáo cháu lừa đảo liền lo lắng gọi điện thì không liên lạc được. Thái lặng lẽ “bốc hơi” khỏi địa phương. Lúc này, con trai ông Mấy lên Phòng công chứng số 3 xin lại hợp đồng mà bố mẹ đã kí mới tá hỏa biết rằng phần cuối của hợp đồng đã bị thay đổi.
Hợp đồng thế chấp vợ chồng ông Mấy bị người cháu lừa nội dung kí kết. |
Theo đó, khi kí hợp đồng tại nhà ông Mấy, tờ giấy cuối hợp đồng ghi nội dung tài sản thế chấp ngân hàng mua bán Công ty May Bắc Giang. Nhưng hợp đồng lưu tại phòng công chứng lại có nội dung Thái đem sổ đỏ thế chấp vay vốn tại ngân hàng Á Châu ACB, phòng giao dịch Kim Đồng số tiền 2,8 tỉ đồng.
Những dấu hiệu đáng ngờ của công chứng viên
Trước đó, qua các lần nói chuyện, Thái vẫn khẳng định không có chuyện vay vốn ngân hàng, tài sản của gia đình ông Mấy chỉ dùng để thế chấp mua tài sản Công ty May Bắc Giang. Đến tháng 9/2015, thấy Thái rời khỏi địa phương lặng lẽ, ông Mấy mới nghi ngờ có mờ ám.
Đến nay, khoản nợ đã quá hạn, ngân hàng thông báo về cho gia đình ông Mấy yêu cầu trả nợ. Ông có gửi văn bản đề nghị Công ty May công nghiệp Hà Nội sang làm việc trực tiếp thì được biết Công ty đã ngừng hoạt động, chuyển trụ sở đi nơi khác. Ông đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Thái gửi đến CQĐT công an TP Hà Nội ngày 20/10/2015.
Ông Mấy cho biết, ngày 26/05/2016 có nhận được Thông báo thụ lý vụ án số 14/TB-TL của tòa án quận Hoàng Mai. Trong đó, bên khởi kiện là Ngân hàng TMCP Á Châu, bên bị kiện là Công ty CP May Công nghiệp Hà Nội.
Hồ sơ xác định ông Mấy là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trích đoạn hợp đồng công chứng vợ chồng ông Mấy ký có ghi: “Cụ thể, vợ chồng tôi có ký hợp đồng thế chấp số 5598.2014/HĐTC, quyển số 03.
TP/CC-SCC được lập ngày 25/11/2014 tại Phòng công chứng số 3 thành phố Hà Nội với nội dung vợ chồng tôi dùng tài sản thửa đất diện tích 432m2 để bảo đảm khoản vay của Công ty CP May công nghiệp Hà Nội vay tại ngân hàng TMCP Á Châu”.
Theo lời vợ chồng ông Mấy và các con, Thái đã lên kế hoạch lừa đảo từ trước. Bởi thực tế, giao dịch mua Công ty May Bắc Giang là có thật và Thái đã hoàn thành giao dịch. Thái đã dùng thửa đất đứng tên vợ chồng ông Mấy để thế chấp và dùng nó để “thế chỗ” sổ đỏ của gia đình mình đã cắm trước đó.
Ngay sau khi Thái bỏ trốn khỏi địa phương, con ông Mấy đã tìm sang nhà Thái thì người vợ trưng ra tờ quyết định ly hôn, phủ nhận trách nhiệm. Chi tiết rõ ràng nhất cho thấy Thái lừa vợ chồng ông Mấy là đánh tráo tờ giấy cuối cùng có nội dung thế chấp trong hợp đồng công chứng. “Tất cả cho thấy Thái đã lên kế hoạch rất kĩ lưỡng”, ông Mấy nói.
Trong vụ việc trên, gia đình ông Mấy nghi ngờ cách làm việc có phần “mờ ám” của công chứng viên. Cụ thể là nữ cán bộ phòng công chứng mặc dù đến tận nhà nhưng không giải thích rõ quyền và trách nhiệm của vợ chồng ông Mấy trước khi kí kết hợp đồng thế chấp.
Cán bộ công chứng cũng không tìm hiểu, xác minh tình trạng sức khỏe của vợ chồng ông Mấy tại thời điểm kí kết hợp đồng. Ông nêu, như vợ ông đang điều trị bệnh tâm thần, theo quy định pháp luật thì bà không có đủ năng lực hành vi dân sự nên không đủ điều kiện kí kết các văn bản pháp luật, nhưng công chứng viên vẫn thực hiện.
Chi tiết nữa là bản hợp đồng thế chấp do văn phòng công chứng lập thiếu chữ kí của hai người con ông Mấy.