Giám định kiểu suy diễn
“Hành vi trái công vụ” trong vụ này dựa vào Giám định tư pháp của bà Khưu Thị Diệu Huyền, Giám định viên Sở Nội vụ. Được biết từ 2004 – 2011 bà Huyền làm việc tại bộ phận văn phòng Sở này. Từ 2011 – 2014 là Phó rồi Chánh Văn phòng Sở. Tuy nhiên mãi đến năm 2011 bà Huyền mới tốt nghiệp Đại học Luật hệ vừa học vừa làm và đến năm 2014 đã được bổ nhiệm làm giám định viên. Theo Luật sư Nguyễn Văn Đức (bào chữa cho bị cáo Phương), bà Huyền mới có thời hạn công tác trong lĩnh vực 3 năm từ khi tốt nghiệp Đại học nên chưa đủ điều kiện được bổ nhiệm làm Giám định viên.
Khởi nguồn từ lá đơn cấp dưới tố cáo cấp trên
Theo lời ông Phương, ông Đinh Công Hoàng, người tố cáo nghi án này từng là cấp dưới của ông Phương. Ông Hoàng từng Đội trưởng Đội QLTT số 2. Trong thời gian thực thi nhiệm vụ, Đội QLTT số 2 để xảy ra sai phạm. Ngày 26/9/2016, Giám đốc Sở Công Thương ký kết luận thanh tra và giao Chi cục QLTT làm rõ trách nhiệm, xử lý sự việc.
“Ông Hoàng khi đó tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Tôi nằm trong Hội đồng kỷ luật đã đồng ý với hình thức này. Vì bị kỷ luật cảnh cáo, ông Hoàng sau đó không được tái bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội QLTT số 2. Theo tôi, vì chuyện này, ông Hoàng hiểu nhầm, tư thù dẫn đến có đơn tố cáo sai sự thật về tôi”, ông Phương nói.
Bà Huyền đã “giám định” những gì? Trong kết luận giám định ngày 18/3/2019, bà Huyền viết: “Bằng phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ qua so sánh, đối chiếu giữa Công văn số 3194/BCT-KHCN ngày 17/4/2017, Công văn số 4743/BCT-KHCN ngày 14/6/2018, Công văn số 5814/BCT-KHCN ngày 24/7/2018 với Công văn số 3155/BKHCN-TĐC ngày 03/10/2018 của Bộ Công Thương, Công văn số 912/VPCNCL ngày 07/9/2018 của Văn phòng Công nhận chất lượng… Kết luận giám định tư pháp ngày 15/5/2017 và ngày 21/5/2018 của Giám định viên Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng. Công văn số 3640/TĐC-QLTT ngày 11/12/2018 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn áp dụng Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN… cùng với tất cả hồ sơ tài liệu do CQĐT cung cấp, đã làm rõ thêm “hành vi trái công vụ” của ông Phương và ông Thanh”.
Không rõ “phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ” bà Huyền thực hiện là gì, nhưng bà Huyền cho rằng ông Phương và ông Thanh có “hành vi trái công vụ” và “gây thiệt hại phi vật chất”.
Hàng loạt công văn mà bà Huyền nêu ra trong kết luận giám định có nói gì đến hành vi ông Phương và ông Thanh là “trái công vụ”? Công văn số 5814/BCT-KHCN ngày 24/7/2018 của Bộ Công Thương chỉ là công văn giải thích văn bản, nói về việc pháp luật quy định thế nào với việc Đoàn kiểm tra đưa phân bón lần thứ 3, nêu các điều khoản của Thông tư 26/2012/TT-BKHCN, Thông tư số 29/2014/TT-BCT. Công văn này đề nghị “Cơ quan thẩm quyền tỉnh Sóc Trăng căn cứ vào pháp luật để xác định việc xử lý kết quả kiểm nghiệm lần 3 và việc sử dụng kiểm nghiệm này để giải phóng phân bón”.
Tiếp đến, Công văn số 3194/BCT-KHCN ngày 17/4/2017 của Bộ Công Thương khẳng định: “Các phiếu kiểm nghiệm tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ là phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với phương pháp thử”.
Công văn 4743/BCT-KHCN ngày 14/6/2018 của Bộ Công Thương trả lời về giá trị và thu hồi với các phiếu kiểm nghiệm lần 3.
Công văn số 3155/BKHC-TĐC ngày 03/10/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ nêu theo Thông tư 26, kết quả kiểm nghiệm lần 2 là kết quả xử lý cuối cùng. Và việc khiếu nại thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Các công văn nêu trên không hề có một chữ nào nêu hành vi của ông Phương, ông Thanh “trái công vụ”. Những công văn khác mà trong kết luận giám định bà Huyền viện dẫn cũng đều chỉ nói chung chung về luật, không hề đưa ra ý kiến, kết luận, nội dung nào để xác định các bị cáo “làm trái công vụ”. Thế nhưng bà Huyền vẫn suy diễn là các công văn trên đã “làm rõ thêm hành vi trái công vụ của ông Phương và ông Thanh”.
Văn bản rất quan trọng lại bị “bỏ quên”
Như PLVN đã phản ánh, vụ việc này có dấu hiệu “hình sự hóa quan hệ hành chính”. Lẽ ra với hành vi của ông Phương và ông Thanh trước tiên phải áp dụng Thông tư 13/2014/TT-BCT ngày 14/5/2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động công vụ của công chức QLTT và Luật Cán bộ, Công chức; để xử lý kỷ luật. Thế nhưng CQĐT và VKS đã “nhảy cóc”, quy kết đó là hành vi hình sự.
Theo Thông tư 13, nếu như hành vi đưa phân bón đi giám định lần 3 của ông Phương, ông Thanh là không được phép so với Điều 9 Thông tư 26/2012/BKH&CH về hàng hóa lưu thông, thì có thể bị xử lý hành chính. Điều 9 Thông tư 13 nêu: “Các vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ phải bị xử lý kỷ luật, các hình thức xử lý kỷ luật, các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật, thời hiệu xử lý kỷ luật, thời hạn xử lý kỷ luật, thẩm quyền xử lý kỷ luật, trình tự, thủ tục xem xét kỷ luật được áp dụng theo quy định của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức”.
Ông Phương trình bày: “Thông tư 13 cũng quy định: “Công chức QLTT giải quyết kịp thời, đúng pháp luật theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động công vụ của công chức do mình quản lý”. Như vậy, tôi thấy rằng cần thiết phải đưa đi giám định lần 3. Tôi không cố ý. Nếu có sai là do nhận thức chưa đến, do lĩnh vực này có quá nhiều văn bản pháp luật”.
“Tới 2016 tôi đã làm trong ngành QLTT 14 năm, chưa từng mắc sai phạm, chưa từng bị kỷ luật, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Nếu có sai sót nhỏ như vậy thì nên chăng chỉ xử lý kỷ luật, chứ sao lại “nhảy cóc” đòi bỏ tù tôi như vậy?”, vẫn lời ông Phương.
Ông Phương cũng cho rằng, sự việc chưa được xử lý đúng quy trình hành chính, đã vội vàng “trình báo xử lý hình sự”. Sau khi sự việc đưa mẫu đi kiểm tra lần 3 bị ông Đinh Công Hoàng (nguyên là Đội trưởng Đội QLTT số 2, thời điểm 2016 là kiểm soát viên Đội QLTT số 3) “tố cáo”, ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương lập tức thành lập Tổ kiểm tra. “Tổ kiểm tra ra kết luận và được Giám đốc Sở ký kết luận giải quyết tố cáo, lập tức chuyển sang CQĐT. Tôi cho rằng quy trình xử lý đơn tố cáo có vấn đề. Thứ nhất, Đoàn kiểm tra bị tố cáo thì khi giải quyết phải mời những người bị tố cáo đến giải trình, cung cấp thông tin, chứng cứ. Khi có kết luận giải quyết tố cáo, Sở Công Thương không công bố cho tôi và những thành viên trong Đoàn được biết; tước quyền khiếu nại của chúng tôi”, ông Phương nói.
Tỉnh ủy Sóc Trăng có theo dõi, chỉ đạo vụ án?
Trong vụ việc này, việc giải quyết tố cáo liên quan đến cán bộ công chức lại không được Sở Công Thương báo cáo đến UBND tỉnh. Người đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng từng trả lời PLVN rằng Sở Công Thương chưa từng báo cáo với tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng cũng trả lời: “Vụ việc không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh”.
Tuy nhiên theo văn bản trả lời của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng gửi PLVN, vụ án này “thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng tỉnh Sóc Trăng”.
Tại phiên tòa mới đây, bị cáo Thanh trình bày rằng: “Cơ quan điều tra nghi ngờ tôi và anh Phương nhận tiền hối lộ nên kiểm tra điện thoại, tài khoản”. Phải chăng lúc đó vì lý do này nên Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng tỉnh Sóc Trăng mới theo dõi, đôn đốc. Nhưng sau đó sự việc đã không có hành vi tham nhũng, hối lộ, tại sao Ban Chỉ đạo vẫn theo dõi, đôn đốc? Có cần thiết phải có sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ?