|
Căn nhà, đất của bà Trang đã được OCB và Công ty cổ phần Đấu giá Sài Gòn bán cho ông Truật |
Giúp bạn, mất nhà
Bà Trần Thị Hoài Thanh (37 tuổi, thường trú tại 14/24 B1, khu phố 6, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết tài sản của bà Thanh là mảnh đất rộng 83m2, tại phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trên mảnh đất có xây ba phòng trọ cho thuê, vừa là nơi chui ra chui vào của ba mẹ con bà. Tài sản này là bà Thanh được cha mẹ ruột cho riêng.
Bảy năm trước, khi hai vợ chồng còn chung sống với nhau, ông Trần Trọng Huy (chồng bà Thanh) thuyết phục vợ đem căn nhà và thửa đất trên đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Tây Âu (trụ sở tại TP Biên Hoà, do ông Nguyễn Đỗ Tường làm giám đốc). Ông Tường là bạn thân của ông Huy.
Tin lời chồng để giúp bạn làm ăn, đầu tháng 7/2012, vợ chồng bà Thanh đã ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất với Ngân hàng TMCP Phương Đông, chi nhánh Đồng Nai (viết tắt OCB). Hợp đồng thế chấp này nhằm đảm bảo cho hợp đồng tín dụng cho Công ty Tây Âu vay 850 triệu đồng của OCB.
Do đến hạn trả nợ mà Công ty Tây Âu không thanh toán nên OCB tiến hành các biện pháp thu hồi nợ. Năm 2014, OCB đã khởi kiện Công ty Tây Âu tại TAND TP Biên Hòa. Lúc này, bà Thanh được mời đến toà với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Bà Thanh kể lại: “Tại tòa, tôi trình bày nguyện vọng mong OCB sớm thực hiện việc khởi kiện để tôi có căn cứ sau này khởi kiện đòi nợ ông Tường và Công ty Tây Âu. Tuy nhiên, sau hơn một năm khởi kiện, OCB tự nguyện rút đơn. Toà ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án”.
Khoảng giữa năm 2016, bà Thanh đột ngột nhận được thông tin từ một người quen ở phường Tam Hiệp: Tại UBND phường đang có dán thông báo bán đấu giá căn nhà, đất của bà Thanh. Hốt hoảng, bà lên phường tìm hiểu mới rõ, nhà và đất của bà được Công ty Cổ phần Đấu giá Sài Gòn ra thông báo bán đấu giá và niêm yết công khai với mức khởi điểm hơn 1,3 tỷ đồng.
Trong thông báo trên còn nêu rõ thời gian đăng ký, nộp phí và tiền mặt trước khi mua tài sản, đồng thời thời gian tổ chức bán đấu giá vào sáng 15/9/2016 tại 86 Cư xá Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP HCM (trụ sở của Công ty cổ phần Đấu giá Sài Gòn).
Dấu hiệu vi phạm pháp luật
Đến lúc này bà Thanh mới hiểu, sau khi OCB rút đơn khởi kiện, họ đã ủy quyền cho Công ty cổ phần Đấu giá Sài Gòn làm thủ tục bán đấu giá nhà đất của bà. Ngay lập tức, bà Thanh gửi đơn khiếu nại lên Công ty cổ phần Đấu giá Sài Gòn và OCB. Trong đơn, bà Thanh khiếu nại hai đơn vị trên đã không hề gửi thông báo cho bà là người có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
Cũng theo bà Thanh, việc OCB giao cho Công ty cổ phần Đấu giá Sài Gòn bán nhà của bà có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Căn nhà chứ có phải mớ rau đâu mà OCB tự tiện bán chác khi chưa bao giờ thương lượng hay thoả thuận gì với tôi”, bà Thanh nói.
Cũng theo lời bà: “Kể từ khi toà có quyết định đình chỉ vụ kiện năm 2015 cho đến nay, chưa hề có bất kỳ một bản án hay quyết định nào của toà án liên quan đến việc xử lý nhà và đất của tôi, tại sao OCB có quyền đem tài sản của tôi giao cho bên bán đấu giá?”. Nhưng, bất chấp những khiếu nại từ phía người chủ tài sản, buổi đấu giá vẫn diễn ra tại TP Biên Hoà (thay vì quận Phú Nhuận, TP HCM như thông báo).
Vì là tài sản cha mẹ cho nên trong thâm tâm, bà Thanh muốn tìm cách trả nợ ngân hàng để giữ lại căn nhà. Bà kể, theo thông báo đấu giá thì việc đấu giá sẽ diễn ra ở quận Phú Nhuận, TP HCM. “Tôi có gọi điện trao đổi với một đấu giá viên tên là Công – người phụ trách hồ sơ này của công ty đấu giá. Tôi trình bày là có nguyện vọng chuộc lại tài sản và được ông Công thống nhất là hôm đấu giá sẽ để cho tôi trình bày nguyện vọng”.
Tuy nhiên đến hôm đấu giá, bà chạy từ TP Biên Hòa lên TP HCM, nơi dự kiến có phiên đấu giá thì lại không thấy ai. Bà gọi điện cho ông Công thì được biết buổi đấu giá đang diễn ra tại trụ sở của OCB tại TP.Biên Hòa. “Tôi có cảm giác bị ngăn cản, lừa dối trong việc này”, bà Thanh nói.
Vẫn theo lời kể của bà Thanh, khi về tới trụ sở OCB tại TP Biên Hòa thì nhân viên bảo vệ OCB không cho bà Thanh tiếp cận buổi đấu giá. Bực tức, bà Thanh cự cãi, đến khi bà lên được phòng tổ chức phiên đấu giá thì căn nhà đã bán xong. Đến lúc này, bà Thanh chỉ còn biết kêu trời: “Tôi cảm thấy OCB và công ty đấu giá đã thông đồng trong việc cản trở tôi chuộc lại tài sản này. Chưa kể, mức giá của căn nhà thấp hơn nhiều so với thị trường”.
Người trúng đấu giá là ông Nguyễn Đình Truật với mức giá 1,65 tỷ đồng. Không lâu, sau khi sổ đỏ đã chuyển sang tên ông Truật, ông này khởi kiện bà Thanh ra tòa án TP Biên Hòa để đòi nhà, đất. Giữa tháng 9/2018, TAND TP.Biên Hoà đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm. Cho dù bản án có nêu lên việc OCB “nhờ” người thuê nhà trọ của bà Thanh (tên Trần Thị Mỹ Khánh) ký tên vào biên bản thu giữ tài sản, nhưng bản án sơ thẩm chưa làm rõ những điểm bất thường trong thủ tục bán đấu giá tài sản của OCB và Công ty cổ phần Đấu giá Sài Gòn. Để cuối cùng tuyên buộc bà Thanh giao nhà cho ông Truật.
Sẽ tạo tiền lệ xấu?
Trong sự việc trên, theo các chuyên gia pháp luật, có nhiều khuất tất liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá căn nhà và đất của bà Thanh. Về mặt pháp lý, bà Thanh là chủ tài sản nhưng lại không nhận được một giấy tờ, thông báo nào từ phía OCB hoặc công ty tổ chức bán đấu giá mặc dù bà vẫn ở tại địa chỉ căn nhà, đất trên và người mẹ ruột của bà ở ngay cạnh bên. Tới khi có người quen ra làm giấy tờ tại UBND phường Tam Hiệp thì mới biết có thông báo bán đấu giá tài sản.
Khi nắm được thông tin trên, bà Thanh có khiếu nại bằng văn bản gửi tới OCB và công ty bán đấu giá nhưng chỉ nhận được phản hồi từ phía OCB, nội dung là vẫn tiếp tục bán tài sản của bà Thanh. Ngày 13/6/2016, OCB ra quyết định về việc thu giữ tài sản thế chấp (nhà và đất của bà Thanh) và sau đó ít ngày tiến hành lập biên bản thu giữ tài sản thế chấp. Điều bất thường theo các luật sư là trong biên bản thu giữ tài sản, OCB đã “nhờ” một người đang thuê nhà của bà Thanh (tên Trần Thị Mỹ Khánh) ký tên vào biên bản thu giữ. Trong khi, theo quy định, bà Thanh mới là người phải ký tên vào biên bản trên.
Về việc này, một chuyên viên ngành ngân hàng nhận xét, để phục vụ việc bán đấu giá tài sản, ngân hàng phải làm thủ tục thu giữ tài sản. Tuy nhiên, theo vị chuyên viên ngân hàng này, biên bản thu giữ tài sản nếu không có chữ ký của bà Thanh là vi phạm quy trình thu giữ tài sản, có thể coi là không có giá trị. Điều này dẫn đến kết quả bán đấu giá tài sản diễn ra sau đó có thể bị tuyên vô hiệu.
Bên cạnh đó, nếu trong hợp đồng thế chấp không đề cập đến việc ngân hàng được thu giữ tài sản mà chỉ được bán tài sản thu hồi nợ, như vậy theo thỏa thuận thì việc bán tài sản này phải dựa trên căn cứ là bản án của tòa án hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền.
Nhiều luật sư nhận định, việc xử lý tài sản có dấu hiệu tuỳ tiện như trên có thể sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc xử tài sản thế chấp, ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của các khách hàng khi thế chấp tài sản trong ngân hàng nói chung. Dự kiến phiên toà phúc thẩm vụ kiện trên do TAND tỉnh Đồng Nai xét xử diễn ra vào ngày 26/4 tới đây.
PLVN tiếp tục thông tin.