Dấu hiệu oan sai trong vụ ném đá gây thương tích ở Hạ Long

(PLO) - Bị cáo liên tục kêu oan, nhân chứng cùng hàng chục người dân ký đơn tố cáo đối tượng gây án là người khác, thế nhưng cấp Tòa sơ thẩm lại bỏ qua những tình tiết quan trọng trên.
Nhiều nhân chứng khẳng định chính xác vị trí mà ông Bùi Duy Q đứng và ném đá gây thương tích cho anh Hải
Nhiều nhân chứng khẳng định chính xác vị trí mà ông Bùi Duy Q đứng và ném đá gây thương tích cho anh Hải

Ai mới là thủ phạm?

Theo kết luận điều tra (KLĐT) của Công an TP. Hạ Long, khoảng 19h30 ngày 23/8/2016, anh Nguyễn Văn Hải điều khiển xe tải đỗ đối diện nhà ông Bùi Hùng Hoành ở tổ 4, Khu 11, phường Việt Hưng, TP. Hạ Long.

Hôm đó, gia đình ông Hoành tổ chức đám giỗ nên có để một số xe máy ở đối diện cửa, nơi anh Hải thường đỗ ô tô nên hai bên xảy ra mâu thuẫn. Anh Hải đánh xe sang bên trái đường đỗ chắn trước cửa nhà ông Hoành và tiếp tục cãi nhau với chị Hảo con ông Hoành. 

KLĐT cho rằng: trong lúc anh Hải đang ngồi ở vị trí ghế lái, mặt hướng về phía cửa nhà ông Hoành thì Bùi Hùng Huyền (SN 1985, con trai ông Hoành) dùng một cục gạch bê tông khô, cứng, kích thước 15x07x06cm ném thẳng vào kính cửa cánh xe bên lái, làm kính chắn gió cửa bên lái và kính chắn gió phía sau ca bin bị vỡ. Anh Hải bị tổn thương cơ thể 12%.

Ba tháng sau, ngày 26/12/2016, Bùi Hùng Huyền bị bắt tạm giam. Ngày 21/6/2017, bị cáo Huyền bị cấp sơ thẩm tuyên 20 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 27/12/2017, Tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ điều tra lại. Tuy nhiên, ngày 4/9/2018, Tòa sơ thẩm lần hai vẫn tuyên y án sơ thẩm.

Điều đáng nói, sau khi bị tạm giam, ngày 22/2/2017, Huyền thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi trên. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo khai nhìn thấy ông Bùi Duy Q (SN 1950, ngụ tổ 10, khu 7, phường Việt Hưng, TP. Hạ Long) mới là người cầm gạch ném vỡ kính xe anh Hải. Tại phiên tòa phúc thẩm và sơ thẩm lần hai, bị cáo Huyền đều một mực khẳng định ông Q mới là người gây án. Đồng thời, khai trong quá trình điều tra bị dụ cung, ép cung. 

Cụ thể Huyền khai, ngày 28/12/2016, tức hai ngày sau khi bị bắt, cán bộ điều tra có nói, nếu nhận tội, xin lỗi người bị hại thì được về. Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 27/12/2017, bị cáo khai: Viện kiểm sát nói nếu bị cáo không nhận tội sẽ buộc bố, mẹ, chị, vợ phạm tội vu khống.

Người dân tố KLĐT không đúng sự thật

Ngay sau khi bị cáo Huyền bị bắt, gia đình Huyền và hàng chục người dân đã có đơn thư gửi cơ quan điều tra kêu oan cho Huyền. Theo lời các nhân chứng là ông Linh Thế Mạnh, Trần Đức Toàn, Vũ Trung Dũng: sau khi Huyền bị bắt, các ông có đến nhà ông Hoành hỏi thăm. Lúc này, bà Hòa, hàng xóm đang quét sân có sang ngồi nói chuyện thì thấy có ông Q cũng có mặt và thừa nhận việc mình ném vào kính xe của anh Hải. Các nhân chứng này sau đó đã được cơ quan điều tra mời lên đối chất với ông Q. 

Ngày 28/12/2016, bà Vũ Thị Hạnh (SN 1953, mẹ của Bùi Hùng Huyền) đã có đơn gửi trực tiếp cán bộ điều tra Nguyễn Cao Cường trình bày về việc con mình bị bắt giam oan và tố cáo người gây ra sự việc ngày hôm đó là ông Bùi Duy Q. 

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (vợ bị cáo) bức xúc: Hôm đó tôi đang cho con ăn ngay cửa nên nhìn thấy ông Q nhặt cục gạch ném anh Hải, ông Q định nhặt viên thứ hai thì tôi chạy ra khuyên ông Q dừng lại. 

Ngoài ra, chị Tuyến còn cung cấp thêm một bản ghi âm của chị cùng với bà trưởng khu xuống nhà ông Q đề nghị ông ra đầu thú, trong đó ông Q có nói, đợi khi nào nhà anh Hải khai ra mình thì hãng hay.

Tuy nhiên, lá thư của bà Hạnh, biên bản đối chất giữa bà Hòa, ông Hoành, ông Toàn, ông Mạnh, ông Dũng với ông Q đều không hề thấy xuất hiện trong hồ sơ vụ án. Chị Tuyến là người chứng kiến từ đầu vụ việc cũng không được lấy lời khai.

Dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ

Bà Hòa cho biết, khi bị ném gạch vào kính, anh Hải bị mảnh kính nhỏ văng vào sống mũi gây một vết thương hở nhỏ. Là người trực tiếp lau vết thương cho anh Hải, bà Hòa khẳng định ngoài vết thương hở nhỏ ở sống mũi, anh Hải không có vết thương nào khác. 

Thế nhưng theo kết luận điều tra, anh Hải có vết thương tổn vùng mặt xây xước da, má trái sưng nề tụ dịch cạnh mũi trái. Hốc mũi hai bên xưng nề, có máu đọng lẫn máu tươi sàn mũi, cuốn phù nề, vách ngăn gãy vẹo phải. 

Cùng thời điểm đó, một nhân chứng khác là bà Trần Thị Trải cho biết, khi nghe thấy tiếng ‘xoảng” thì thấy ông Q lấy xe ra về: “Ông Q dắt một đứa cháu đi từ nhà ông Hoành vội vàng ra hàng rào nhà trẻ lấy xe, đi lên đầu xe, tôi thấy anh Hải ngồi ở gốc sấu chửi: “Đ.M thằng Q Tùng, sao mày đáp vỡ kính xe bố?”.

Ngoài ra, khoảng 11h ngày 14/12/2016, bà Hòa thấy cán bộ điều tra cùng anh Hải lái xe tới dựng lại hiện trường. Hôm đó chỉ có bà Hòa và chị Tuyến ở nhà, cả hai phát hiện ra nhiều chi tiết không đúng sự thật. 

Tiếp đó, khoảng 20h ngày 16/12/2016, bà Hòa lại thấy công an cùng anh Hải lái xe đến cho anh Hải dựng hiện trường. Nhưng theo bà Hòa hiện trường đó hoàn toàn không đúng sự thật. Khi bà Hòa có ý kiến thì bị cán bộ điều tra quát nạt.

Bà Hòa bức xúc đặt câu hỏi, tại sao lúc dựng lại hiện trường không gọi người nhà bị cáo Huyền và những người có mặt hôm đó ra chứng kiến? Trong khi hai nhân chứng Đinh Thị Hương và Nguyễn Xuân Hậu bị người dân tố có mối quan hệ thân thiết với nhà anh Hải?

Một nhân chứng của vụ án phản đối kết luật của CQĐT
Một nhân chứng của vụ án  phản đối kết luật của CQĐT

Dấu hiệu vi phạm tố tụng

Theo Luật sư Phạm Xuân Long (VPLS Tân Long) - người bào chữa cho bị cáo Huyền - vụ án này có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, bỏ lọt chứng cứ. Luật sư Long phân tích, ngay từ khi vụ việc xảy ra, việc tiếp nhận tin trình báo và lập biên bản đã có sự vi phạm của Công an phường Việt Hưng, Cơ quan Điều tra Công an thành phố Hạ Long về thẩm quyền và trình tự thủ tục điều tra. 

Cụ thể, Công an phường Việt Hưng là đơn vị tiếp nhận tin báo tội phạm từ rất sớm (20h ngày 23/8/2016). Theo quy định của Điều 6, Thông tư 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, Công an phường Việt Hưng không có thẩm quyền giải quyết tin báo tội phạm, chỉ được tiếp nhận, bảo vệ chứng cứ, bảo vệ hiện trường và báo ngay cho Cơ quan Điều tra Công an thành phố Hạ Long. Điều 4 của thông tư nghiêm cấm cơ quan không có thẩm quyền được tiến hành giải quyết tin báo tội phạm.

Thế nhưng trong vụ án, Công an phường Việt Hưng lại tự ý lập biên bản hiện trường, lấy lời khai - đây là các tài liệu tố tụng vi phạm nghiêm trọng về thủ tục, không có giá trị pháp lý.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hạ Long tiến hành thực nghiệm không khách quan, chỉ cho một mình bị hại là anh Hải tự mô tả hiện trường, diễn lại hành vi không phải của mình và không có sự tham gia của các nhân chứng dẫn đến tài liệu thực nghiệm không thống nhất, biên bản phản ánh một nội dung, sơ đồ vẽ lại một nẻo, không có giá trị chứng minh.

Nếu thực nghiệm công khai, với nhiều nhân chứng đã có mặt tại hiện trường, thì với mô tả của anh Hải rằng bị cáo Huyền tay trái cầm chốt cửa, tay phải cầm đá đáp vào cabin là phi lý. Không một ai có thể đứng ở vị trí chốt cửa (cách phần kính hậu của cabin xe chưa đầy 10cm) lại có thể đáp qua mặt bị hại, vòng ra sau làm vỡ được phần kính hậu. 

Ngày 21/06/2017, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND TP.Hạ Long đã thừa nhận Công an phường Việt Hưng vượt thẩm quyền khi thực hiện các hoạt động nêu trên, tuy nhiên không hiểu sao cấp sơ thẩm vẫn căn cứ vào các tài liệu trên để kết tội bị cáo. 

Theo Luật sư Long, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xác định được 2 nhân chứng Đinh Thị Hương, Nguyễn Xuân Hậu không có mặt ở hiện trường.

Có thể nói, trong vụ án trên còn rất nhiều “điểm mờ” cần được làm rõ. Người dân hy vọng tại phiên tòa phúc thẩm, các tình tiết, lời khai của các nhân chứng sẽ được xem xét, cân nhắc thấu đáo để đưa ra một bản án đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ án./.

Đọc thêm