Anh em ẩu đả
Bị cáo trong vụ án là ông Lê Huy Khả (SN 1962, ngụ thôn Văn Hội, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Bị hại là em dâu bị cáo, bà Trần Thị Tằm (SN 1974).
Theo cáo trạng, gia đình ông Khả và em trai Lê Ngọc Khoải (SN 1973, chồng bị hại Tằm) có trang trại nuôi cá gần nhau. Do mâu thuẫn về đất đai từ trước, hai gia đình nhiều lần lời qua tiếng lại. Sáng 30/1/2016, ông Khả cầm thuổng sắt ra ao cá trồng cây thì nhìn thấy đập nước sụt nứt do em trai thuê máy về múc đất. Ông này bực tức mắng mỏ. Sau đó ông Khoải đi về, bà Tằm và ông Khả tiếp tục lời qua tiếng lại.
Ông Khả khai do bị thách thức đã cầm thuổng tiến đến gần em dâu với ý định đe nẹt. Sau đó giữa hai người xô xát, người anh chồng cầm thuổng tấn công, bà Tằm lấy gậy tre chống trả. Khi ông Khả quay lưng đi về, bà Tằm cầm gậy tre vụt theo trúng lưng. Một lúc sau ông Khả quay lại dùng thuổng tấn công lại. Nghe tiếng kêu cứu, chồng bà Tằm cầm gậy sắt chạy đến rồi đưa vợ đi bệnh viện băng bó vết thương.
Bà Tằm có đơn đề nghị truy tố ông Khả về tội “cố ý gây thương tích”. Tháng 3/2016, bà Tằm được giám định thương tật tại Phòng giám định pháp y đa khoa tỉnh Hải Dương với tỉ lệ tổn hại sức khỏe 13%. Đến ngày 12/4/2016, CA huyện Ninh Giang khởi tố bị can, khởi tố vụ án.
Tuy nhiên người bị truy tố khiếu nại kết quả giám định nên CQĐT cho bà Tằm đi giám định lại. Kết luận giám định pháp y về thương tích ngày 27/5/2016 của Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) xác định thương tật của bà Tằm 3%. Do có sự khác biệt trong hai bản giám định pháp y, CQĐT tiếp tục giám định ở Viện pháp y Quốc gia (Bộ Y tế), kết quả giám định ngày lại ngày 17/8/2016 xác định tỷ lệ thương tích của bà Tằm là 8%.
Trong cáo trạng, các cơ quan tố tụng huyện Ninh Giang dùng kết luận tại bản Giám định pháp y về thương tích số của Phòng giám định bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương (13%) làm căn cứ buộc tội ông Khả.
Về phía ông Khả cũng yêu cầu giám định thương tích và đề nghị truy tố vợ chồng em trai đã gây ra thương tích cho mình. Kết quả giám định ông Khả thương tật 8%. CQĐT nhận định chỉ có vết thương tổn hại sức khỏe 1% là do bà Tằm gây ra nhưng chưa tới mức độ nguy hiểm.
Còn vết thương gãy đốt tay tổn hại 7% sức khỏe không đủ căn cứ xác định được do bà Tằm gây ra. Cũng theo kết luận điều tra, ngoài lời khai của ông Khả thì không có bằng chứng nào cho thấy ông này cầm ống tuýp sắt đánh anh trai. Do đó CQĐT ra quyết định không khởi tố đối với hai người này.
Phiên xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 14/2/2017 |
Luật sư: Diễn biến vụ án không logic
Sáng 14/2/2017, tòa mở phiên xử sơ thẩm vụ án. Tại tòa, bị cáo Khả cho rằng diễn biến sự việc không đúng như cáo trạng nêu. Theo bị cáo, ông bị em dâu dùng gậy tre tấn công trước, sau đó em trai cầm ống tuýp sắt đánh dồn dập nên lấy thuổng sắt khua chống trả, vô tình làm lưỡi thuổng trúng em dâu gây ra thương tích. Ông này cũng cho rằng với vết thương do mình gây ra, tỷ lệ thương tật không thể tới mức 13%.
Vụ án có nhân chứng duy nhất là con gái bị hại chưa đủ tuổi thành niên. Tại phiên tòa, nhân chứng khai không nhìn rõ quá trình xô xát giữa bác và mẹ. Khi nghe tiếng ồn, cô chạy ra đã thấy mẹ bị thương.
Tại tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo nêu quan điểm rằng có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngay cả trong các biên bản đối chất cũng chưa xác định chính xác diễn biến vụ án diễn ra như thế nào:
“Trong trường hợp này, CQĐT cần áp dụng các biện pháp cần thiết như thực nghiệm điều tra để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong việc xác định diễn biến vụ án nhưng CQĐT không làm. Nhất là trong trường hợp này, người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có lợi ích mâu thuẫn với bị cáo”, luật sư nói và đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị đại diện VKS đối đáp, giải thích nhiều tình tiết được cho “chưa hợp lý” như: “Mục đích ông Khoải cầm ống tuýp sắt tới hiện trường là gì? Tại sao ông này đứng gần lại không can ngăn vụ xô xát? Đề nghị làm rõ lời khai của bị hại về việc chồng bà dùng ống tuýp chống đỡ: “Nếu ông Khoải không tham gia vụ việc thì hành vi chống đỡ ở đây là chống đỡ ai? Tại sao phải chống đỡ?”.
Một số chi tiết khác được cho là bất hợp lý mà các luật sư đề nghị cơ quan tố tụng làm rõ đó là mâu thuẫn trong các biên bản giám định thương tật. Như biên bản nêu vết thương trên sóng mũi bị hại dài khoảng 5cm nhưng lại có vết sẹo dài 10cm, điều này trái với cơ chế khi lành, sẹo nhỏ hơn vết thương ban đầu. Hay như việc bị hại khai bị ông Khả dùng thuổng đâm mạnh vào mũi ở tư thế đối diện nhưng bà này lại ngã về phía trước là trái với cơ chế phản xạ thông thường, cần phải thực nghiệm điều tra.
Trả lời những câu hỏi này, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Sau nghi nghị án, HĐXX cho rằng căn cứ vào hồ sơ cũng như lời khai của bị cáo, bị hại và người làm chứng tại phiên tòa thấy đủ căn cứ buộc tội bị cáo Khả về hành vi “cố ý gây thương tích”, phạt bị cáo 24 tháng tù, buộc bồi thường cho bị hại hơn 7 triệu đồng.
Ngay từ sáng sớm ngày 14/2/2017 tại trụ sở TAND huyện Ninh Giang đã tập trung rất đông người thân của các đương sự. Tất cả đều là người một nhà, họ hàng với nhau nhưng lại đứng tách riêng thành hai “phe” giữa một bên bênh vực bị cáo, bên còn lại bênh bị hại. Họ ném vào nhau ánh mắt “nảy lửa” ngay từ lúc giáp mặt ở sân tòa cho đến khi ngồi trong phòng xét xử và cả sau khi tòa tuyên án.
Vị chủ tọa vừa tuyên bố kết thúc buổi xét xử, vợ chồng bị cáo cùng con gái lặng lẽ rời tòa qua cổng phụ theo hướng dẫn của bảo vệ. Còn vợ con bị cáo đứng khóc than trước cổng tòa với thái độ không phục bản án.