Khốn khổ vì “nhân tai”
Mới đây, hàng chục hộ dân ở xã Lộc Thủy, Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế đã gửi đơn đến Báo PLVN phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do Nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy (thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế - gọi tắt là Công ty Hepco) gây ra.
Nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy tọa lạc tại thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, bắt đầu hoạt động vào khoảng năm 2011 với chức năng chính là thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải bằng hình thức chôn lấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Hepco đã không tuân thủ quy định pháp luật nên để xảy ra tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng tới cuộc sống của toàn bộ người dân trong khu vực.
Ông Trần Văn Thắng, người dân xã Lộc Thủy, phản ánh, theo quy định, chất thải rắn phải tiến hành chôn lấp không quá 24 giờ kể từ khi được vận chuyển đến nhà máy, nhưng trên thực tế Hepco không xử lý trong thời gian quy định. Do lượng rác thải lớn lại không được xử lý kịp thời và việc phun hóa chất không đủ liều lượng đã khiến môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm, gây ra các bệnh về đường hô hấp ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe hiện nay của người dân và lâu dài là có khả năng xảy ra các bệnh hiểm nghèo. Do lo sợ sức khỏe bị ảnh hưởng, người dân cũng từng kiến nghị địa phương định kỳ phải tổ chức khám sức khỏe nhưng yêu cầu này không được chấp nhận.
Ngoài ra, do nước thải không được xử lý theo đúng quy trình nên môi trường đất, nước ở đây đã có dấu hiệu bị ô nhiễm, làm cho cuộc sống sinh hoạt và đặc biệt là hoạt động nông nghiệp tại địa phương bị ngưng trệ. Cuộc sống của người dân ở đây vốn dĩ khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt và không có công việc ổn định, nay lại phải gánh chịu thêm vấn nạn này làm cho khó khăn ngày càng chồng chất...
Mặc dù đã nhiều lần phản ánh nhưng Công ty Hepco không có biện pháp nào can thiệp, xử lý ô nhiễm. Thời gian qua, rất nhiều người dân trong khu vực đã ngăn chặn hoạt động của nhà máy. Sau đó, nhà máy tạm ngừng hoạt động để giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan. Tuy nhiên, trong thời gian này, Hepco vẫn lại để cho nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Điều này càng gia tăng sự bức xúc của người dân...
Người dân gửi đơn tố cáo nhà máy rác hoạt động gây ô nhiễm |
Cần di dời
Theo ông Ngô Văn Tường, người dân xã Lộc Thủy, địa phương cũng có lỗi trong việc cho xây dựng nhà máy, cụ thể:
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT của Bộ KHCNMT-BXD ngày 18/01/2001, khoảng cách từ bãi chôn lấp chất thải rắn tới các điểm dân cư, khu đô thị đối với bãi chôn lấp có quy mô vừa và nhỏ cuối hướng gió là 1.000m, các hướng khác là 300m. Tuy nhiên, mặc dù có rất nhiều hộ dân đang sinh sống trong phạm vi bán kính từ 100m đến 1.000m, khu vực có hướng gió phức tạp thổi theo nhiều hướng khác nhau, địa phương vẫn phê duyệt quy hoạch nhà máy chôn lấp chất thải rắn.
Thông tư trên cũng qui định không được quy hoạch bãi chôn lấp chất thải rắn ở những vùng có chứa nước ngầm với trữ lượng lớn. Dù đây là khu vực gần chân núi và có trữ lượng nước ngầm lớn, khu vực nằm đầu nguồn nước và cao hơn so với khu vực xung quanh, địa phương vẫn phê duyệt quy hoạch nhà máy chôn lấp chất thải rắn.
Hệ quả của việc phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng Nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hiện nay của người dân trong khu vực. Ngoài ra, quá trình hoạt động, các phương tiện vận chuyển chạy liên tục với tốc độ cao đã tạo ra nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian vừa qua, địa phương đã di dời những hộ dân trong phạm vi bán kính 300m tính từ Nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy. Tuy nhiên, phương án trên không nhận được sự đồng tình ủng hộ. Bởi nó không giải quyết triệt để vấn đề khi chỉ di dời một số ít hộ trong khu vực chịu ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm môi trường. Những hộ còn lại nằm ngoài phạm vi bán kính 300m mặc dù cũng đang chịu ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm nhưng lại không được di dời. Hơn nữa, việc di dời cũng chỉ là một trong các giải pháp tạm thời để hạn chế sự tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động của nhà máy.
Hepco vẫn chưa có bất kỳ động thái nào để khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ra trong khu vực. Ngoài ra Hepco cũng không có cơ chế đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết Hepco đã đưa ra trước đây. Ví dụ như chuyện sau khi đưa ra cam kết và trong thời gian tạm ngừng hoạt động, Hepco vẫn cho xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đối với địa phương, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà máy. Việc chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan như khắc phục tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết kịp thời.
Ngoài phương thức xử lý chất thải rắn bằng hình thức chôn lấp, hiện Hepco đang đầu tư lò đốt để xử lý chất thải rắn. Do đặc thù chất thải rắn thu gom trong khu vực là nhựa và nylon nên việc áp dụng công nghệ này sẽ có thể làm phát sinh khí độc đặc biệt nguy hiểm…
Người dân xã Lộc Thủy đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như có phương án di dời nhà máy đến địa điểm phù hợp nhằm đảm bảo môi trường sống tối thiểu của người dân trong khu vực.
Được biết Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ… đã có văn bản gửi tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị xác minh sự việc.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin.