Dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại Hải Phòng: Bài 2 - Việc lấn kênh có được “chống lưng”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, hiện trên địa bàn thôn 5, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, Hải Phòng đang tồn tại công trình xây dựng nhà xưởng xâm phạm vào phạm vi bảo vệ kênh tiêu nước Hoàng Lâu. Không hiểu vì sao, chính quyền địa phương vẫn chưa kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm này, gây bức xúc trong nhân dân?!
Công trình làm ảnh hưởng tiêu thoát nước khiến dư luận bất bình.
Công trình làm ảnh hưởng tiêu thoát nước khiến dư luận bất bình.

Buông lỏng quản lý đất đai

Hệ thống kênh tiêu Hoàng Lâu dài hơn 4km (bao gồm hai nhánh) có nhiệm vụ tưới tiêu cho 4,5ha diện tích đất nông nghiệp tại cánh đồng Đồng Dộc thôn 2 và tiêu nước mưa tràn mặt cho toàn bộ thôn 1 và thôn 2 làng Hoàng Lâu và 597ha mặt bằng của khu công nghiệp Thâm Việt và khu công nghiệp Tràng Duệ.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Phòng Phạm Văn Thép cho biết, đây là tuyến kênh rất quan trọng trong việc tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng trong khu vực, đặc biệt là trường hợp mưa lớn trùng vào thời điểm thủy triều cao. Việc gia đình ông Lê Quốc Khiêm san lấp một phần kênh và xây dựng công trình tại đây đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thoát nước của kênh, nhất là khi mùa mưa bão đã cận kề. Chính vì vậy, ngày 07/6 vừa qua, Sở NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu UBND huyện An Dương khẩn trương đình chỉ việc xây dựng công trình vi phạm của ông Khiêm.

Mặc dù vậy, đến ngày 21/6/2021, UBND huyện An Dương mới có Văn bản số 926 (do Phó Chủ tịch Lê Văn Cường ký) “yêu cầu UBND xã Bắc Sơn khẩn trương tổ chức lực lượng, ngăn chặn ngay các hành vi xây dựng công trình trái phép vi phạm pháp luật về đất đai… không để vi phạm mới phát sinh, yêu cầu hộ ông Lê Quốc Khiêm giữ nguyên hiện trạng công trình để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật; chủ động phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất, các hoạt động xây dựng công trình, ranh giới, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đối với hộ ông Lê Quốc Khiêm để xác định rõ hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu UBND xã Bắc Sơn báo cáo kết quả xử lý về UBND huyện trước ngày 26/6/2021…”.

Tại Văn bản này, UBND huyện cũng yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Kinh tế và Hạ tầng; Phòng NN&PTNN chủ trì phối hợp với UBND xã Bắc Sơn khẩn trương kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất đã cấp đối với hộ ông Lê Quốc Khiêm để xác định các hành vi vi phạm; phải làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn và có biện pháp xử lý dứt điểm các hành vi nêu trên theo quy định pháp luật…

Liệu văn bản chỉ đạo của UBND huyện An Dương chỉ có hiệu lực “trên giấy”?

Liệu văn bản chỉ đạo của UBND huyện An Dương chỉ có hiệu lực “trên giấy”?

Huyện có “đánh trống bỏ dùi”?

Cho đến nay, công trình nhà xưởng kiên cố của gia đình ông Khiêm vẫn tồn tại. Liệu có thế lực nào “chống lưng” cho công trình xây dựng này? Trong văn bản nêu trên, UBND huyện An Dương đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn và có biện pháp xử lý dứt điểm các hành vi theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi phóng viên Báo PLVN đề cập đến vấn đề này với lãnh đạo UBND huyện An Dương đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng về trách nhiệm của ai, mức độ như thế nào?!

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2000 đến nay, lợi dụng chính sách cho thuê làm đầm canh tác, một số đối tượng đã cùng nhau san lấp nhiều ao đầm trên địa bàn xã Bắc Sơn rồi phân lô, bán nền, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Cũng theo người dân ở đây thì trước mắt, UBND huyện An Dương cần vào cuộc một cách kiên quyết để xử lý dứt điểm việc xây dựng vi phạm của ông Lê Quốc Khiêm đã được Sở NN&PTNT và Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải chỉ rõ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ đã buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra sai phạm trong một thời gian dài, chậm trễ việc xử lý vi phạm.

Đọc thêm