Dấu hiệu thiếu minh bạch trong tuyển dụng viên chức tại Đại học Công đoàn

(PLVN) - Trong giai đoạn 2014-2016, Trường Đại học Công đoàn (ĐHCĐ) đã không ban hành Quy chế tuyển dụng viên chức nhưng đã thực hiện tuyển dụng 28 người thông qua xét tuyển và thi tuyển. Đáng nói, việc xét tuyển đã không được thông báo công khai theo quy định…
Trường ĐH Công đoàn nhiều năm tuyển dụng người nhưng không thông báo công khai.

Tuyển dụng kiểu “đóng cửa”

Trước sai sót trong việc xét tuyển người không đăng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trên đây, khi Kết luận giải quyết tố cáo của bà Tô Thị Việt Châu (Phụ trách Bộ môn Thể dục - Quân sự, Trường ĐHCĐ) đối với bà Dương Thị  Thanh Xuân (thời kỳ 2014-2016 là Trưởng phòng Tổ chức, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCĐ), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐ) chỉ yêu cầu Trường ĐHCĐ “rút kinh nghiệm” và đề nghị Trường xây dựng quy chế tuyển dụng và thực hiện việc tuyển dụng viên chức đảm bảo khoa học, theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư (LS) Nguyễn Văn Thắng (Văn phòng LS Hoàng Danh - người trợ giúp pháp lý cho bà Châu) đánh giá, việc chỉ yêu cầu Trường ĐHCĐ “rút kinh nghiệm” là không đánh giá hết tính chất vụ việc bởi không thể nhìn nhận sai phạm này chỉ về “thủ tục”.

Xét về bản chất thì việc tuyển dụng người theo kiểu “bưng bít” trên là sự cố ý chứ không phải “thiếu hiểu biết”, là biểu hiệu của việc mập mờ, thiếu minh bạch, thiếu nhất quán và đây có thể là cơ hội để một số người lợi dụng đưa người nhà, người quen vào làm việc tại trường một cách dễ dàng. Trong khi đó, Nhà trường mất đi cơ hội tuyển người tài về làm việc vì họ không có thông tin để đăng ký tuyển dụng theo quy định.

Hơn nữa, Kết luận thanh tra cũng không xem xét, kết luận về nội dung mà người tố cáo cho rằng, trong năm 2015, nhà trường thực hiện “tuyển dụng đặc cách” sai quy định vì nhu cầu về nhân lực ở vị trí tuyển dụng không thực sự cấp bách (thậm chí không cần thêm nhân lực tại bộ phận được nhận người). Còn nếu tuyển dụng đặc cách vì tài năng hoặc năng khiếu đặc biệt của người được tuyển dụng thì Trường cũng cần công khai các tiêu chí này để người tố cáo “tâm phục, khẩu phục”.

Trong khi đó, theo bà Châu, do hậu quả từ cách tuyển dụng “mập mờ” như trên nên đã xảy ra hiện tượng, có người sau khi được tuyển dụng đã không làm ở vị trí dự kiến ban đầu tuyển dụng (vì không đáp ứng được yêu cầu hoặc tuyển dụng sai nhu cầu), phải chuyển làm công tác khác hoặc chuyển khỏi trường… 

Trách nhiệm chính trước những sai phạm trong tuyển dụng trên là bà Dương Thị  Thanh Xuân (thời kỳ 2014-2016 là Trưởng phòng Tổ chức, có vai trò tham mưu cho lãnh đạo trong lĩnh vực tuyển dụng, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCĐ).

Tuy nhiên, TLĐ lại cho rằng, việc chưa thực hiện phổ biến rộng rãi tuyển dụng “cần rút kinh nghiệm chung, không phải trách nhiệm riêng của cô Xuân, Trưởng phòng Tổ chức”.

Với đánh giá này, LS Thắng cho rằng, Kết luận tố cáo cần “cá thể hóa” trách nhiệm (Hiệu trưởng, Hiệu phó, Trưởng phòng tổ chức….) để có hình thức xử lý cụ thể chứ không thể nêu trách nhiệm chung chung, dẫn tới tình trạng “hòa cả làng” như trên.

Thậm chí, nếu đã kết luận có sai sót thì TLĐ cần đưa ra các biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện sai quy trình tuyển dụng như: thực hiện lại quy trình tuyển dụng theo quy định, hoặc đánh giá, kiểm tra lại năng lực, trình độ của người được xét tuyển (đặc biệt là trường hợp xét tuyển đặc cách)…

Tiến sỹ Triết học có tương đương “cao cấp chính trị”?

Liên quan đến việc bổ nhiệm bà Xuân giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCĐ, bà Châu nghi vấn, thời điểm cuối năm 2015, bà Xuân vẫn chưa có Bằng cao cấp lý luận chính trị thì liệu có đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Đảng?

Về việc này, bà Xuân lý giải với TLĐ rằng, bà đã có bằng Thạc sĩ Triết học và Bằng Tiến sĩ Triết học (do Học viện Chính trị Quốc gia HCM cấp năm 2007). Theo quy định tại Văn bản số 12/QĐ/TC-TTVH của Ban Tổ chức Trung ương - Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (VB 12/QĐ/TC-TTVH) thì “người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ, tiến sĩ khoa học chuyên ngành Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được công nhận có trình độ cao cấp chính trị và được áp dụng để xem xét bổ nhiệm”.

Cho rằng lý giải này là sai lầm, LS Thắng cho rằng, VB 12/QĐ/TC-TTVH đã hết hiệu lực từ ngày 16/9/2009 bởi Văn bản số 256-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (về việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên…).

Như vậy, tại thời điểm bổ nhiệm (cuối năm 2015), bà Xuân muốn được xác định trình độ lý luận chính trị như thế nào (trung cấp hoặc cao cấp) thì phải có đơn chuyển Đảng bộ TLĐ tổng hợp danh sách, gửi cơ sở đào tạo xem xét, đối chiếu với chương trình học để cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, hồ sơ vụ việc và giải trình của người bị tố cáo cho thấy không có thủ tục này, cũng không có Giấy xác nhận như hướng dẫn.

Cần nhấn mạnh rằng, vào cuối năm 2016, Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản nêu rõ “những trường hợp xác định trình độ lý luận chính trị theo Quy định số 12-QĐ/TC-TTVH sau ngày 16/9/2009 là không có giá trị pháp lý”.

LS Thắng đặt câu hỏi, chẳng lẽ một đảng viên như bà Xuân (từng giữ chức Trưởng Phòng Tổ chức và đang là Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng bộ Trường ĐHCĐ nhiệm kỳ 2015-2020) lại không biết quy định và hướng dẫn này của Đảng? Tại sao TLĐ khi xác minh tố cáo lại dễ dàng chấp nhận việc bà Xuân dẫn giải quy định đã hết hiệu lực như trên?

Không đồng tình với một số nội dung giải quyết tổ cáo của TLĐ, bà Châu đã có đơn đề nghị TLĐ xem xét, đánh giá, thu thập chứng cứ để giải quyết lại đơn tố cáo đối với bà Xuân. Tuy nhiên, vào tháng 7/2020, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra (UBKT) TLĐ lại có văn bản trả lời bà Châu rằng, Kết luận của TLĐ là đúng quy định và người tố cáo không đưa ra được căn cứ cho rằng việc giải quyết không đúng ở điểm nào... Do đó, TLĐ không có cơ sở để giải quyết lại vụ việc tố cáo của bà. 

LS Thắng cho rằng, theo Điều 37 Luật Tố cáo thì “Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo”.

Như vậy, có thể thấy, trả lời trên của UBKT là không đúng quy định vì UBKT TLĐ không phải cấp trên của TLĐ mà cơ quan này “chịu sự lãnh đạo” của Ban Chấp hành Trung ương TLĐ (theo điều lệ Công đoàn Việt Nam). Hơn nữa, UBKT TLĐ đã từng tham gia, tham mưu cho TLĐ giải quyết tố cáo trong vụ việc này nên việc UBKT “bác” việc giải quyết lại tố cáo của bà Châu còn thể hiện sự thiếu khách quan vì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Ngoài việc bị từ chối giải quyết lại việc tố cáo như trên, theo bà Châu thì trong suốt nhiều năm qua, bà đã bị vu khống, quy chụp và o ép trong quá trình công tác. Trong khi đó, công tác quản lý cán bộ, thi đua… tại Trường cũng có nhiều vấn đề bất cập, cần làm rõ trách nhiệm (do để xảy ra việc cán bộ sai phạm và áp dụng quy định về thi đua không thống nhất).

Vì vậy, đã đến lúc TLĐ cần tiến hành hành thanh tra toàn diện về hoạt động của nhà trường, trong các lĩnh vực như: đầu tư, mua sắm tài sản công, sử dụng tài sản, tuyển sinh, đào tạo (đặc biệt là đào tạo sau đại học) tuyển dụng và sử dụng cán bộ…

Đối chiếu với quy định về kiểm tra trong Đảng, LS Thắng cũng cho rằng, do bà Xuân là thường vụ Đảng ủy Trường ĐHCĐ nhiệm kỳ 2015-2020 nên đơn tố cáo cần phải được chuyển đến UBKT Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tiến hành xác minh theo thẩm quyền. 

Đọc thêm