Dấu hiệu vi phạm tố tụng vụ bắt Phó Chánh án Quận 4: Chánh án TAND TP HCM nói gì?

(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh trong các số báo trước, vụ việc ông Nguyễn Hải Nam (SN 1974, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 4) bị khởi tố, bắt giam về hành vi “xâm phạm chỗ ở của người khác” có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Vậy trước sự việc trên, cơ quan quản lý ông Nam có ý kiến gì?
Ông Nam (bên phải) trong buổi thực nghiệm hiện trường hôm 4/10. (Ảnh: VnExpress.net)
Ông Nam (bên phải) trong buổi thực nghiệm hiện trường hôm 4/10. (Ảnh: VnExpress.net)

Chánh án xác nhận sự việc “có rất nhiều tranh luận”

Liên quan đến việc Phó Chánh án Nam bị khởi tố, tạm giam, trao đổi với PLVN, Chánh án TAND quận 4, bà Hồ Thị Chơn cho rằng: “Việc đó là cá nhân của anh Nam, ở bên ngoài trụ sở. Chúng tôi không có ý kiến gì”.  

Hôm qua (8/10), LS Lưu Vũ Anh (Đoàn LS TP Hà Nội, người bào chữa cho ông Nam), cho biết đã tiếp xúc với ông Nam tại trại giam và trao đổi về tình tiết vụ việc. LS Vũ Anh cho biết sẽ sớm có đơn kiến nghị một số chi tiết đến các cơ quan chức năng.

Vậy cơ quan cấp trên của TAND quận 4 có ý kiến ra sao? Trao đổi với PLVN, Chánh án TAND TP HCM, ông Lê Thanh Phong nói: “Hiện nay có rất nhiều tranh luận thì cứ để cơ quan điều tra làm đúng chức trách nhiệm vụ. Dưới góc độ quản lý, thời điểm hiện nay tòa không có ý kiến, để đảm bảo sự khách quan, sự độc lập giữa các cơ quan”.

Cũng trong ngày hôm qua (8/10), Chánh án TAND TP HCM Lê Thanh Phong đã ra thông báo đến các tòa trên địa bàn TP thực hiện bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán. Thông báo cho rằng việc Phó Chánh án Nam bị khởi tố, bắt tạm giam là việc cá nhân nhưng cũng ảnh hưởng đến uy tín của tòa án hai cấp TP. 

Do đó, Chánh án TAND TP HCM yêu cầu chánh án TAND quận, huyện; các chánh tòa chuyên trách; trưởng các bộ phận trực thuộc TAND TP thực hiện ba nội dung sau: Tổ chức quán triệt cho thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký trong đơn vị thực hiện đúng quy định về nghiệp vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật Tổ chức TAND, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Dân sự, Hành chính và các văn bản có liên quan. 

Thực hiện đúng bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, quy định xử lý trách nhiệm của người giữ chức danh tư pháp trong TAND. 

Thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký, công chức khác đăng ký thi đua hằng năm hoặc theo đợt gắn với thực hiện bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, quy định xử lý trách nhiệm của người giữ chức danh tư pháp trong TAND…

Trở lại với vụ việc dẫn đến chuyện ông Nam bị bắt, nhiều chuyên gia pháp lý băn khoăn, hành vi có vi phạm nhưng ở mức độ đáng bị xử lý hình sự hay chỉ cần xử phạt hành chính và chính quyền về chức vụ?  

Luật Cư trú quy định thế nào là “chỗ ở hợp pháp”?

Theo Luật sư (LS) Đặng Đức Trí (Đoàn LS TP HCM), vụ việc ông Nam và ông Lâm Hoàng Tùng (SN 1991, giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TPHCM) bị khởi tố vì “xâm phạm chỗ ở của người khác” có nhiều vấn đề cần phải làm rõ.

Bà Hoàng Thị Thu Thảo (SN 1983, ngụ quận Bình Thạnh) và bà Hoàng Trọng Anh Chi (SN 1982, ngụ quận 1) có xảy ra mâu thuẫn về căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngày 10/10/2017, bà Chi lập hợp đồng viết tay (không có công chứng – NV) bán cho bà Thảo với giá 25 tỷ. Bà Thảo đặt cọc 7 tỷ. Hai bên thỏa thuận sẽ tiến hành bàn giao nhà và giấy tờ nhà, đất sau khi hoàn công, ký hợp đồng mua bán tại phòng công chứng và bà Thảo thanh toán đợt 3 cho bà Chi số tiền 17,5 tỷ. Tuy nhiên kết cục này không diễn ra do căn nhà xây dựng sai phép, không thể hoàn công. Đến ngày 19/9 thì xảy ra sự việc mà ông Nam và ông Tùng bị cáo buộc xâm phạm chỗ ở của bà Thảo.

Trả lời câu hỏi hành vi của ông Nam và ông Tùng có dấu hiệu tội “xâm phạm chỗ ở của người khác” hay không, LS Trí nói: “Theo tôi, vụ này không hẳn là tội xâm phạm chỗ ở. Vì cần xem xét căn nhà số 29 có phải chỗ ở hợp pháp của bà Thảo hay không? Một số ý kiến cho rằng không có định nghĩa “chỗ ở hợp pháp”. Nhận định như vậy là sai. 

Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi năm 2013) nêu rất rõ: “Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định pháp luật”. 

Ngoài ra, Nghị định 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ về quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, trong Điều 6 nêu rõ về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. “Nói tóm lại, chỗ ở hợp pháp là chỗ ở phải nằm dưới quyền quản lý, sử dụng, sở hữu hợp pháp như có chủ quyền, hoặc được thuê mướn, được ủy quyền để ở; hoặc được chủ nhà đồng ý cho vào ở; hoặc căn nhà bỏ hoang phế không có chủ sử dụng mà mình chiếm hữu một cách ngay tình, công khai, khách quan”, LS Trí nói.

“Nếu nơi này là chỗ ở hợp pháp của bà Thảo thì hành vi của ông Nam, ông Tùng mới đủ cơ sở cấu thành tội. Còn bà Thảo chưa được giao nhà, chưa phải chủ sở hữu nhà; và bị chủ sở hữu nhà là bà Chi phản đối việc ở; thì không thể gọi căn nhà 29 là chỗ ở hợp pháp của bà Thảo. Bà Thảo không có bất cứ căn cứ pháp lý nào chứng minh vào đó ở là hợp pháp. Tôi cho rằng bà Thảo đang chiếm nhà trái pháp luật của bà Chi”, LS Trí nêu quan điểm.

Vẫn theo LS Trí, hành vi của ông Nam và ông Tùng nếu xử phạt hành chính sẽ hợp lý hơn. Nếu hai người này có chức vụ nhưng vi phạm thì sẽ bị xử lý tiếp về mặt chính quyền, chức vụ.

“Theo tôi, vấn đề pháp lý phải xuyên suốt từ đầu đến cuối, chứ không thể cắt riêng đoạn ông Tùng vào nhà yêu cầu người nhà bà Thảo ra ngoài và ông Nam có hành vi bế cháu bé. Chỉ căn cứ vào một khúc để xử lý và quy kết là phạm tội thì không hợp lý”, LS Trí nói. 

Nói về thẩm quyền điều tra vụ án này, có ý kiến cho rằng có sự xung đột giữa Luật Tổ chức điều tra hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS): “Điều 268 là một điều rất mới trong BLTTHS năm 2015 mà BLTTHS năm 1999 không có. CQĐT Công an quận 1 có lẽ do nóng vội làm nhanh, chứ lẽ ra sau khi khởi tố xong chuyển ngay lên Công an Thành phố thì không ai “bắt giò” được. Tuy nhiên, CQĐT Công an quận 1 có “cứu tinh” là Điều 21 Luật Tổ chức Điều tra Hình sự và Điều 169 BLTTHS năm 2015”.

Đọc thêm