Dấu hiệu vi phạm tố tụng vụ Phó Chánh án quận 4 bị bắt

(PLVN) - Suốt tuần qua, một trong những điểm nóng dư luận là vụ việc ông Nguyễn Hải Nam (SN 1974, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 4) và ông Lâm Hoàng Tùng (SN 1991, giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) bị khởi tố về hành vi “Xâm phạm chỗ ở của người khác”.
Ông Nam bị đưa đến thực nghiệm hiện trường ngày 4/10
Ông Nam bị đưa đến thực nghiệm hiện trường ngày 4/10

Chưa nói về nội dung vụ việc, nhìn nhận ở góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng vụ việc có dấu hiệu vi phạm tố tụng khi thẩm quyền khởi tố, điều tra trong vụ việc này phải thuộc thẩm quyền của Công an TP HCM chứ không phải CQĐT Công an quận 1? Có cần thiết phải bắt giam trong trường hợp này không, hay bắt giam chỉ vì chịu sức ép của mạng xã hội?

Khởi tố sai thẩm quyền?

Về việc khởi tố, bắt tạm giam của CQĐT công an quận 1, có ý kiến cho rằng là đúng thẩm quyền và trong quá trình điều tra sẽ chuyển hồ sơ nếu thấy không thuộc thẩm quyền.

Bình luận về việc này, một chuyên gia pháp lý giải thích: “Quy định về chuyển vụ án phải được hiểu rằng trong quá trình điều tra mà phát hiện vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì mới thực hiện thủ tục chuyển. Vận dụng vào vụ án này, thì nếu trong khi xác minh đơn thư, khởi tố, bắt tạm giam mà không biết ông Nam là thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 4 và khi điều tra mới biết thì cơ quan tố tụng quận 1 mới không lạm quyền, trái luật. 

Còn trong trường hợp này, rõ ràng là không thuộc thẩm quyền của mình ngay từ đầu và phải biết rõ việc này vì đơn tố giác đã nêu đích danh, đã mời ông Nam làm việc trước khi khởi tố vụ án, nhưng CQĐT vẫn thực hiện việc khởi tố, bắt tạm giam. Như vậy thậm chí có dấu hiệu “biết rõ là trái pháp luật” của cấu thành tội phạm theo điều 371 BLHS về tội “Ra quyết định trái pháp luật””.

Theo hồ sơ và thông tin ban đầu từ VKSND quận 1 và CQĐT Công an quận 1, ông Nam và ông Tùng bị khởi tố, bắt giam liên quan đến sự việc xảy ra tại căn nhà số 29 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM; là chỗ ở của bà Hoàng Thị Thu Thảo (SN 1983, ngụ quận Bình Thạnh). 

CQĐT quận 1 cho rằng, lúc 14h ngày 19/9, bà Thảo vắng nhà thì ông Nam, ông Tùng cùng bà Nguyễn Thị Hạnh (Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 1) đến yêu cầu người giúp việc của bà Thảo là chị Huỳnh Thị Lụa ra khỏi nhà, đồng thời bế 3 con nhỏ của bà Thảo ra khỏi nhà.

Đến ngày 25/9, bà Thảo có đơn tố giác tội phạm với ông Nam và ông Tùng. Hai ngày sau, ngày 27/9, CQĐT Công an quận 1 khởi tố vụ án “Xâm phạm chỗ ở của người khác”. Bốn ngày sau, CQĐT Công an quận 1 ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can với ông Nam và ông Tùng. Lệnh bắt tạm giam có phê chuẩn của VKSND quận 1.

Đến ngày 4/10, CQĐT Công an quận 1 tiến hành thực nghiệm hiện trường và chuyển hồ sơ lên Công an TP HCM tiếp tục điều tra vụ án.

Sự việc khởi tố, bắt giam này khiến người nhà bị can cho rằng CQĐT Công an quận 1 đã làm trái thẩm quyền. Theo đó, vụ án phải do CQĐT Công an TP HCM khởi tố, điều tra và do TAND TP HCM xét xử.

“Thứ nhất, trong đơn của bà Thảo tố cáo đích danh, chức vụ của ông Nam, ông Tùng. Chiều 25/9, ông Nam đã được mời làm việc với Công an quận 1. Thứ hai, theo điểm c, khoản 2, Điều 268 BLTTHS thì thẩm quyền xét xử với ông Nam là Thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 4 thuộc TAND TP HCM. Thẩm quyền xét xử thuộc TAND TP HCM thì phải do Công an TP HCM điều tra, khởi tố. Như vậy ngay từ ban đầu CQĐT công an quận 1 đã biết rõ chức vụ của ông Nam và biết rõ không thuộc thẩm quyền khởi tố, điều tra của mình, lẽ ra phải chuyển ngay hồ sơ đến Công an TP HCM chứ không được khởi tố, điều tra”.

“Trong vụ này, CQĐT Công an quận 1 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can trái thẩm quyền, từ đó dẫn đến việc bắt tạm giam cũng chưa đúng luật. Trách nhiệm này cũng thuộc về VKSND quận 1 khi thiếu trách nhiệm kiểm sát, giám sát hoạt động điều tra khởi tố của CQĐT; thậm chí còn phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam”, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM nhận định.

Căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm
Căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bắt tạm giam thiếu căn cứ?

Theo một số chuyên gia, việc bắt tạm giam với ông Nam và ông Tùng trong vụ này là chưa đủ căn cứ. Theo Điều 113 và 119 BLTTHS năm 2015, CQĐT chỉ được bắt tạm giam khi bị can phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng thì chỉ được bắt tạm giam khi có căn cứ chứng minh bị can thuộc trường hợp ở khoản 2 Điều 119 BLTTHS.

Ông Nam và ông Tùng bị khởi tố tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” có khung hình phạt nặng nhất là 5 năm, tức thuộc trường hợp nghiêm trọng. Do đó, để bắt hai người này, CQĐT phải có căn cứ chứng minh ông Nam và ông Tùng vi phạm hoặc có căn cứ họ sẽ vi phạm khoản 2 Điều 119 BLTTHS.

“Nếu CQĐT không chứng minh được họ vi phạm nhưng vẫn bắt tạm giam là lạm quyền. Cho đến nay, CQĐT chưa công bố bất cứ lý do nào để bắt tạm giam họ”, một luật sư cho biết.

“Cần phải nói rõ, do không thuộc thẩm quyền khởi tố, điều tra của Công an quận 1 nên việc bắt giam ngay lập tức đã trái luật”, vẫn lời luật sư trên. Theo một nguồn tin, hiện người thân ông Nam cho biết đang làm đơn gửi CQĐT VKSND Tối cao về “hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp của công an và VKSND quận 1”.

Ngoài ra, theo người nhà ông Nam, không rõ vì sao, một số người lại đẩy vai trò của ông Nam như là chủ mưu. Trong khi đó, theo CQĐT thì ông Nam chỉ là đồng phạm, giúp sức bằng lời nói, hành động. Vai trò của ông Nam là rất thấp, không cần thiết phải tạm giam.

Gia đình ông Nam cho biết đã mời LS Lưu Vũ Anh và LS Nguyễn Văn Thân (Đoàn LS TP Hà Nội) tham gia bào chữa cho ông Nam. Ngày 4/10, hai LS đã nộp thủ tục đăng ký bào chữa tại CQĐT Công an quận 1, nhưng đến nay chưa được cấp thông báo bào chữa.

Theo quy định của pháp luật, sau 24 giờ sau khi LS nộp thủ tục thì CQĐT phải cấp thông báo bào chữa cho LS nếu không thuộc trường hợp từ chối đăng ký bào chữa. Một vụ án đang là điểm nóng dư luận, tại sao chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các luật sư?

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh những “góc khuất” vụ án này trong các số báo sau.

Theo hồ sơ, căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm của bà Hoàng Trọng Anh Chi (SN 1982, ngụ quận 1). Ngày 10/10/2017, bà Chi bán lại cho bà Hoàng Thị Thu Thảo (SN 1983, ngụ Bình Thạnh). Bà Thảo đặt cọc 7 tỷ.

Do căn nhà không thể hoàn công do xây dựng sai phép, ngày 10/1/2018, hai bên ký phụ lục hợp đồng. Đến tháng 4/2018, bà Thảo kiện bà Chi đến TAND quận 1 đòi lại tiền cọc và phạt hợp đồng. Tháng 1/2019, bà Chi ủy quyền cho ông Tùng xử lý việc liên quan đến căn nhà số 29. Tháng 3/2019, bà Thảo vào ở trong căn nhà nói trên.

Hai bên xảy ra tranh chấp, bà Chi nhiều lần có đơn trình báo về việc bà Thảo thuê công ty đòi nợ thuê đến đòi nợ (tiền cọc nhà đang kiện ở tòa), đe dọa, tạt sơn, bôi bẩn, treo băng rôn hình ảnh “bêu xấu”…

Đến ngày 19/9 vừa qua thì ông Tùng, ông Nam và bà Thủy đến để nhận phòng theo hợp đồng thuê và xảy ra sự việc.

Đọc thêm