Đầu tư vào fintech tăng mạnh trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau một đợt sụt giảm ngắn khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, các quốc gia trên thế giới đang chứng kiến một dòng vốn lớn đổ vào các dự án công nghệ tài chính (fintech), với cả tổng vốn đầu tư và số lượng giao dịch đều tăng lên nhanh chóng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thanh toán điện tử dần chiếm ưu thế

Fintech (công nghệ tài chính) hiện là một từ thông dụng trên thị trường tài chính, trong đó, các cuộc khủng hoảng đã đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển của ngành fintech. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, các khoản đầu tư vào fintech ngày càng tăng, tạo điều kiện cho hàng triệu người quản lý các giao dịch tài chính của họ một cách thông minh.

Đại dịch COVID-19 càng đẩy nhanh quá trình số hóa ngành tài chính do sự chuyển dịch của người tiêu dùng và doanh nghiệp sang kỹ thuật số. Danh sách 50 Công ty fintech lần thứ 6 do tạp chí Forbes công bố tháng 6/2021 cho hay, tất cả các công ty khởi nghiệp có trong danh sách đều ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19, khi người Mỹ chuyển sang mua hàng online và thanh toán trực tuyến; mua bán cổ phiếu và tiền điện tử.

Đi cùng với xu thế này là sự quan tâm đến các công ty khởi nghiệp fintech. Để giảm thiểu những tổn thất do dịch bệnh COVID-19 gây ra, các tổ chức tài chính lớn có lịch sử lâu đời trên thị trường tài chính đang tìm cách hợp tác với các công ty fintech để mở rộng thị trường.

Tương tự, bản thân các doanh nghiệp fintech cũng đang tìm cách hợp tác với các tổ chức tài chính lớn để nâng cao tốc độ tăng trưởng và mở rộng thị trường, dịch vụ của họ, đưa đến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường fintech.

Các báo cáo được công bố thời gian qua đều cho hay, kể từ đầu năm đến nay, các giao dịch fintech mới trên toàn cầu đã đạt số lượng kỷ lục. Tính từ đầu năm đến tháng 11 vừa qua, các khoản đầu tư vào ngành fintech trên thế giới đã đạt 93 tỷ USD. Ngành fintech thời gian qua đã tăng trưởng theo cấp số nhân nhờ sự phát triển nhanh chóng của việc thanh toán điện tử.

Trên toàn cầu, việc thanh toán điện tử đã gia tăng cùng với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Ví dụ, tại Ấn Độ, đa số người mua hàng, đặc biệt là ở các thành phố cấp 1 và 2 thích phương thức thanh toán điện tử hoặc qua kênh được số hóa.

Ngoài ra, với việc điện thoại thông minh là một trong vật dụng không thể thiếu của tất cả mọi người như hiện nay, ngân hàng số đã trở nên khá phổ biến đối với nhiều người dùng. Cùng với đó, việc trực tiếp ra ngân hàng để sử dụng dịch vụ thời gian qua cũng giảm đáng kể. Chính những yếu tố này đã đưa đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành fintech.

Vai trò quan trọng của khuôn khổ pháp lý

Theo dữ liệu của CB Insights, Mỹ Latin là thị trường fintech phát triển nóng nhất trên thế giới. Đầu tư vào ngành fintech ở khu vực này tính đến tháng 9/2021 đã lên đến 9,8 tỷ USD, tăng 211% so với năm 2020. Trong số các nguyên nhân khiến cho lĩnh vực fintech có cơ hội phát triển mạnh ở đây có yếu tố nhân khẩu học và việc thiếu các dịch vụ tài chính tiên tiến.

Theo Ngân hàng Thế giới, Mỹ Latin có thị trường dịch vụ tài chính và lượng người dùng rất lớn. Đồng thời, khu vực này cũng có lượng người sử dụng internet lớn, với thời gian sử dụng ứng dụng di động trung bình cao, tạo ra môi trường hoàn hảo cho việc áp dụng fintech.

Sự hỗ trợ của các Chính phủ và các quy định tạo thuận lợi cho ngành fintech cũng đang tạo sân chơi bình đẳng cho những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Ví dụ, vào năm 2018, Mexico đã ban hành khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các công ty fintech trong việc cạnh tranh với các tổ chức tài chính truyền thống.

Brazil vào năm 2019 đã phê duyệt dự án Ngân hàng mở và giai đoạn đầu tiên của dự án này đã đi vào hoạt động vào đầu năm 2021. Theo các chuyên gia, việc triển khai ngân hàng mở ở Brazil tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp fintech do Ngân hàng Trung ương quản lý. Ví dụ, quy định ngân hàng mở đã xác lập vai trò của nhà cung cấp dịch vụ khởi tạo thanh toán (PISP), tạo một không gian kinh doanh mới cho các doanh nghiệp fintech.

Một thống kê cho biết, tại Brazil có khoảng 750 công ty fintech. Trong năm ngoái, các công ty này thu hút 1,7 tỷ USD vốn đầu tư, gần gấp đôi con số của năm 2019. Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong năm 2021. Theo báo cáo của CB Insights, 2 trong số 10 thương vụ fintech lớn nhất thế giới diễn ra trong quý I/2021 liên quan đến các công ty có trụ sở tại Brazil là nền tảng bất động sản kỹ thuật số Loft và Ngân hàng Nubank.

Tương tự, ở một số nước khác như Peru và Argentina cũng đang trong quá trình xây dựng các khung khổ pháp lý để vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của các công ty fintech, vừa đảm bảo được việc quản lý.

Tại Ấn Độ, theo tờ Financial Express, 2021 là năm có tính chất bước ngoặt trong việc quản lý fintech, được đánh dấu bằng ba sự thay đổi chính sách quan trọng bao gồm thay đổi cách tiếp cận quy định lỏng lẻo, thừa nhận rằng các luật hiện hành không thể lấp những khoảng trống pháp lý do công nghệ trong hệ sinh thái fintech đưa đến và trọng tâm là bảo vệ dữ liệu người dùng.

Trong năm 2021, các nhà đầu tư bán lẻ Ấn Độ đã đẩy nhanh việc áp dụng thanh toán tiền điện tử, khiến Chính phủ phải nhanh chóng soạn thảo các quy định để điều chỉnh. Tuy chưa rõ thời điểm dự luật về tiền điện tử của Ấn Độ chính thức có hiệu lực nhưng theo một số nguồn tin, dự kiến, tiền điện tử sẽ được quy định như một tài sản ở Ấn Độ.

Theo bản tin mới nhất của Ngân hàng dự trữ Ấn Độ, tính đến cuối tháng 12/2021, lĩnh vực fintech ở nước này nhận được khoản đầu tư trị giá 4,6 tỷ USD, gần gấp ba con số của năm 2020.

Đọc thêm