ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói về kỳ án “phân bón giả”: Điều tra truy tố xét xử ra sao khi vụ án “thuộc diện tỉnh chỉ đạo”?

(PLVN) - Dự kiến ngày mai (9/7), HĐXX vụ án cáo buộc bị cáo Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) và Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7) “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sẽ tuyên án. 
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH

Vụ án thu hút sự chú ý của dư luận vì phân bón là lĩnh vực “nóng” người dân quan tâm; vụ án có dấu hiệu “hình sự hóa quan hệ hành chính”; và quá trình xét xử có nhiều dấu hiệu chứng cứ yếu. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tiến sỹ Luật Lưu Bình Nhưỡng cũng đã có một số trả lời về vụ án này.

Thưa ông, trước tiên, vụ án được điều tra bởi cơ quan ANĐT Sóc Trăng theo sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, như vậy đúng hay sai?

- Việc quyết định giao cơ quan ANĐT xem xét điều tra các vụ việc quy định tại Điều 17 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Trong trường hợp này phải thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an, còn Giám đốc Công an tỉnh không có thẩm quyền.  

Thưa ông, trong vụ án này, đầu tiên khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, sau chuyển thành “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Có ý kiến cho rằng ban đầu áp đặt cho các bị can một tội danh, sau đó điều tra không ra thì chuyển đổi sang tội danh khác nhằm “né” trách nhiệm oan sai. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

- Trong quá trình điều tra có thể phát hiện tội phạm khác, tội phạm mới, thậm chí có những nghi phạm nhiều tội. Cái này thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng. Nhưng điều quan trọng nhất là phải đúng pháp luật. Không được áp tội này, sau đó thay đổi tội danh vì quá trình điều tra không chứng mình được người ta phạm tội. Nếu không có đủ cơ sở để tiếp tục khởi tố truy tố người ta thì anh phải đình chỉ. Còn trường hợp áp cho người ta một cái tội khác để “né” oan sai, để “vì thành tích”, thì hoàn toàn vi phạm pháp luật. Trường hợp này, Thủ trưởng CQĐT phải xem xét lại.

Thứ hai là trách nhiệm của cơ quan kiểm sát, có thẩm quyền phê chuẩn hay không phê chuẩn quyết định khởi tố đó, công nhận hay không công nhận kết luận điều tra, ra cáo trạng hay. Còn giả sử cơ quan công tố có “đi đêm” với CQĐT thì thẩm quyền xem xét sẽ thuộc về toà án. Toà có quyền tuyên bố bị cáo không có tội, không phạm tội.

Ông Thanh và Phương (hàng đầu, phải qua trái) luôn kêu oan từ khi bị điều tra, cho rằng hành vi của mình chỉ là sai sót hành chính, không phải là tội phạm
Ông Thanh và Phương (hàng đầu, phải qua trái) luôn kêu oan từ khi bị điều tra, cho rằng hành vi của mình chỉ là sai sót hành chính, không phải là tội phạm

Hiện nay một vấn đề mà thẩm phán quan tâm là án oan sai. Nếu một vụ án xét xử theo sự chỉ đạo dẫn đến oan sai thì ai chịu trách nhiệm và xử lý như thế nào?

- Theo quy định của Đảng, pháp luật, công tác nội chính, tùy tình hình ở một thời kỳ, ở một địa phương thì cấp uỷ Đảng và các ban ngành có thể chỉ đạo đường lối. Đường lối thôi chứ anh không được cụ thể. Tức là phải xét xử cho nhanh, tiến hành nhanh, làm cho đúng, những người nào sai trái phải bỏ ra ngoài… Đó là xem xét chỉ đạo về mặt đường lối. Chứ không phải ép xử theo tội này, xử người này bao nhiêu năm, người này được, người kia mất… Nếu có như vậy, thì đó là can thiệp thô bạo vào tư pháp.

Tình trạng này nhiều năm đã được nêu ra, đã được khắc phục nhưng chưa được triệt để. Đó là tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí lãnh đạo để có những chỉ đạo can thiệp vào các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Theo quy định, pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng quyền lực để can thiệp một cách trực tiếp vào điều tra, truy tố, xét xử. Bởi vì chuyện đó có thể dẫn đến sai lệch. Nếu anh có chức vụ mà anh can thiệp vào thì người ta sẽ nghĩ có cấp trên,  người ta ngại người ta không làm được.

Trừ những trường hợp cán bộ điều tra, công tố viên, thẩm phán có bản lĩnh, còn có những trường hợp người ta phải nghe theo. Trong trường hợp này, nếu có văn bản, bút tích, thì xác định trách nhiệm rất dễ. Nhưng có những trường hợp chỉ đạo bằng miệng không văn bản, không bút tích, rất khó có thể xem xét trách nhiệm. 

Tôi mong muốn những người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ làm đúng thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn và cần nâng cao bản lĩnh. Bản lĩnh là phải dũng cảm, bảo vệ công lý. Chúng ta có Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp là phải thực thi công lý minh bạch, trong sạch, vì quyền công dân. Không được ép buộc phải điều tra theo hướng này, ép buộc viết cáo trạng theo hướng kia, ép buộc phải xử cho người này được, người kia thua. Những trường hợp này, Đảng và Nhà nước không bao giờ chấp nhận. 

Xin cảm ơn ông!

Kỳ án tại Sóc Trăng được nhiều người liên tưởng với vụ án phân bón của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong tại Đồng Nai.

Theo đó, ngày 24/4/2015, Đoàn liên ngành 389 kiểm tra nhà xưởng sản xuất phân bón của Thuận Phong và phát hiện khối lượng lớn phân bón dạng nước đóng chai cùng hàng trăm kg nhãn mác nghi giả. Ngày 12/1/2016, Bộ Khoa học & Công nghệ có văn bản khẳng định số phân bón trên là giả. Tuy nhiên, ngày 15/4/2016, Công an Đồng Nai ra quyết định không khởi tố hình sự mà cho rằng chỉ ở mức độ xử lý hành chính. Ngày 12/6/2017 VKSND Đồng Nai ra quyết định huỷ bỏ quyết định không khởi tố hình sự trên.

Vụ án được điều tra lại nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển. Lý do cán bộ điều tra đã đến các tỉnh Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai làm việc, ghi nhận ý kiến của các hộ dân đã mua và sử dụng phân bón của Thuận Phong để xác định có hay không thiệt hại sau khi sử dụng phân bón của công ty này. Qua xác minh, 27 hộ dân cho rằng không có bất kỳ thiệt hại gì, do không có thiệt hại nên không đủ cơ sở xử lý hình sự.

“Vụ án này rất đáng quan tâm, vừa liên quan đến vấn đề nóng là chất lượng phân bón giả, nhưng không phải vì là vấn đề “nóng” mà cố buộc tội các bị cáo. Trong hàng chục năm hành nghề luật, tôi thấy rằng các vụ án oan thường nằm ở tư duy “quy kết” của cơ quan tố tụng, nghĩa là cố tìm cách buộc tội người khác. Nhưng pháp luật quy định rất rõ về “nguyên tắc suy đoán vô tội”, nghĩa là tất cả nghi can đều vô tội khi không có chứng cứ rõ ràng về phạm tội. Vụ án còn nhiều tranh cãi, chứng cứ yếu, thậm chí bỏ qua yếu tố cấu thành tội phạm mà VKS khi tranh luận đã lộ rõ, thì cần phải áp dụng nguyên tắc nêu trên, tức các bị cáo không phạm tội”. 

Luật sư Nguyễn Đình Thuận, Đoàn LS TP HCM

“Nguyên tắc bất di bất dịch là toà án xét xử độc lập. Tuy nhiên người ta vẫn có khi nói về án chỉ đạo. Theo tôi, sự hoài nghi này là có chứ không phải không? Nhưng để chứng minh chỉ đạo rất khó vì thường chỉ đạo bằng miệng. Do đó, nếu xảy ra án oan sai, người phải chịu trách nhiệm là người đưa ra phán quyết cuối cùng. 

Với vụ án này, hiện khi toà chưa tuyên thì trách nhiệm thuộc về VKS. Còn nếu toà tuyên mà có xảy ra oan sai thì chủ toạ sẽ chịu trách nhiệm, Chánh án sẽ liên đới. Hiện luật pháp đang áp dụng nguyên tắc ai làm cuối cùng người ấy chịu để họ có trách nhiệm với phán quyết của mình, tạo ra tư thế độc lập cho mỗi cơ quan tố tụng. 

Qua tham khảo hồ sơ, theo dõi báo chí đưa tin về diễn biến phiên toà, nhận định của tôi là không đủ cơ sở để kết tội hai bị cáo. Nếu toà cẩn thận có thể tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nhưng tôi thấy toà đã trả nhiều lần, yêu cầu những vấn đề rất cụ thể nên đến nay việc trả lại hồ sơ là không cần thiết. Tôi ủng hộ việc tuyên các bị cáo không phạm tội”.

LS Đào Kim Lân, Đoàn LS TP HCM

Đọc thêm