Để Hà Nội trở thành đô thị loại đặc biệt hệ thống giao thông sẽ triển khai như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để Hà Nội trở thành trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định Quy hoạch chung TP Hà Nội trong đó có việc xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố theo từng giai đoạn.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Trú trọng vận tải hành khách

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay Hà Nội đã có nhiều thành tựu nổi bật sau 10 năm thực hiện. Trong đó, việc phát triển hệ thống giao thông là điều cấp thiết.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã có nhiều dự án tăng cường phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng nhằm đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của thành phố như: Đường sắt đô thị; xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào. Xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố theo từng giai đoạn; Tổ chức giao thông hợp lý tại các nút giao thông, các tuyến đường, đảm bảo lưu thông trong nội đô và tại các cửa ngõ của đô thị, góp phần giải quyết ách tắc và tai nạn giao thông.

Qua thống kê, tỷ lệ đất giao thông khu vực đô thị trung tâm chiếm 20% - 26% đất xây dựng đô thị. Vận tải hành khách công cộng năm 2020 đáp ứng 35% tổng lượng hành khách, dự kiến đến năm năm 2030 khoảng 55%; tỷ lệ đất giao thông các đô thị vệ tinh chiếm 18% - 23% đất xây dựng đô thị, vận tải hành khách công cộng năm 2020 đáp ứng 26%; năm 2030 khoảng 43%; tỷ lệ đất giao thông các thị trấn chiếm 16% - 20%.

Điều đáng quan tâm của Thủ đô Hà Nội là thường xuyên xảy ra tắc đường trong những giờ cao điểm và Hà Nội cũng đã tìm nhiều giải pháp để giải quyết về vấn đề này. Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì việc liên kết khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh bằng các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng: đường sắt ngoại ô, BRT, ôtô buýt cũng đã được UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện.

Phát triển Giao thông đối ngoại

Đối với Giao thông đường bộ, Hà Nội cũng đã tiến hành theo nội dung của Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đó là xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc hướng tâm, bao gồm 7 tuyến: Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Hòa Bình, Cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa. Xây dựng mới và cải tạo đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2.

Tính đến đến điểm hiện tại thì Hà Nội cũng đã và đang hoàn thiện các tuyến vành đai 3, 4 và 5; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ hướng tâm: QL 1A, QL 6, QL 21B, QL32, QL2, QL3, QL5. Xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, trục Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá - Quan Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam, Miếu Môn - Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài - Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng.

Trên các tuyến trục chính đô thị, quy hoạch các cụm tổ hợp công trình phục vụ công cộng, văn phòng, theo hướng không gian mở, kiến trúc hiện đại, tạo đặc trưng đô thị. Phát triển có kiểm soát về kiến trúc, cảnh quan các trục không gian hướng tâm về nội đô Hà Nội.

Không chỉ có vậy, việc thực hiện xây mới 8 cầu và hầm qua sông Hồng; xây mới 03 cầu, cải tạo và hoàn chỉnh 02 cầu qua sông Đuống; xây dựng mới 02 cầu qua sông Đà và cải tạo xây dựng hệ thống các bến, bãi đỗ xe liên tỉnh và đầu mối kết hợp các điểm đầu cuối xe buýt cũng được Hà Nội tiến hành thực hiện.

Đối với Giao thông đường sắt, UBND TP Hà Nội cũng đã tiến hành xây dựng và cải tạo hệ thống đường sắt và ga đường sắt quốc gia và quốc tế: Hà Nội- Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên; xây dựng mới đường sắt vành đai dọc theo vành đai 4; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh; các tuyến đường sắt nội vùng: Hà Nội - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Dương, Hà Nội Hưng Yên, Hà Nội - Phủ Lý. Xây dựng các trung tâm tiếp vận nhằm phân phối và trung chuyển hành khách, hàng hóa giữa các loại hình vận tải đường sắt với đường bộ gắn với hệ thống ga đầu mối như: ga Ngọc Hồi, ga Bắc Hồng, ga Cổ Bi, ga Tây Hà Nội.

Đối với Giao thông đường hàng không, việc nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài sau năm 2030 đạt 50 triệu hành khách/năm; sân bay Gia Lâm phục vụ nội địa tầm ngắn; sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn chủ yếu phục vụ quân sự, có thể phục vụ dân sự khi có nhu cầu, sân bay Bạch Mai là sân bay cứu hộ, trực thăng cũng luôn được lưu tâm và theo dõi sát sao.

Đối với Giao thông đường thủy, hiện tại thì UBND TP cũng đã tiến hành cải tạo nạo vét luồng tuyến, nâng cấp xây mới các cảng, bến thủy dọc sông sông Đà, sông Đuống, sông Hồng phục vụ giao thông thủy liên kết với mạng lưới toàn quốc. Cải tạo sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ, sông Cà Lồ phục vụ cho du lịch.

Từng bước nâng cấp giao thông đô thị

Đối với Giao thông đường bộ thì Hà Nội khu vực đô thị trung tâm vẫn đang được tiếp tục, xây dựng, cải tạo, hoàn thiện liên thông các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm, các trục chính đô thị đồng bộ với các nút giao thông. Hoàn thiện và xây dựng đường tầng một phần của tuyến vành đai 2, vành đai 3 và một số tuyến hướng tâm.

Đối với các đô thị vệ tinh, hệ thống giao thông được quy hoạch thống nhất đồng bộ và hiện đại, phù hợp tính chất chức năng, quy mô và điều kiện đặc thù của các đô thị, đảm bảo liên hệ nhanh chóng với đô thị trung tâm và các đô thị khác vẫn đang được UBND TP Hà Nội thực hiện theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg.

Đối với các thị trấn, mạng lưới đường phát triển trên cơ sở kết hợp giữa nâng cấp cải tạo hệ thống đường hiện có với xây dựng mới đồng bộ và hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái đặc thù của các thị trấn, đảm bảo liên hệ nhanh chóng với đô thị trung tâm và các đô thị khác.

Đối với Giao thông tĩnh, hiện tại vẫn đang trong quá trình tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm tại các công viên, vườn hoa, dưới các tổ hợp công trình quy mô lớn, bố trí các bãi đỗ xe tập trung kết hợp với các chức năng sử dụng đất khác trên cơ sở quỹ đất chuyển đổi các khu công nghiệp, trụ sở cơ quan, trường học trong nội đô.

Đối với Giao thông đường sắt, xây mới các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Đô thị trung tâm xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị theo các giai đoạn. Kết hợp xây dựng công trình dịch vụ, công cộng với xây dựng các ga đường sắt đô thị.

Đối với Giao thông đường thủy, cải tạo, bổ sung điều tiết nguồn nước vào mùa cạn cho các tuyến sông Cà Lồ, Sông Đáy, sông Tích, sông Thiếp - Ngũ Huyện Khê, hệ thống sông Nhuệ - Tô Lịch phục vụ khai thác vận tải thủy du lịch, nghỉ ngơi bằng tàu nhỏ. Xây dựng các bến thuyền du lịch dọc các sông.

Đọc thêm