Để lễ hội trở thành “sức mạnh mềm”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ca dao Việt Nam có bài về lao động sản xuất, câu đầu là “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Xa xưa, Việt Nam là nước đói, nghèo, lấy đâu ra vật chất mà “ăn chơi”. Vì vậy, có lẽ hàm ý của câu ca này ám chỉ Việt Nam là đất nước của lễ hội.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thật vậy, hiếm quốc gia trong năm có nhiều lễ hội từ dân gian, văn hóa, lịch sử đến tâm linh như ở Việt Nam. Theo thống kê của ngành Văn hóa, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng. Các lễ hội này lại thường tập trung vào mùa xuân, nhất là dịp sau Tết Nguyên đán.

Vậy nên, dễ thấy sau Tết Nguyên đán, có cụm từ hay gặp “du xuân”.

Lễ hội là văn hóa. Và vì vậy một câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để các lễ hội phát huy cho được giá trị về văn hóa; đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của người dân? Đã là lễ hội văn hóa, ngoài việc thụ hưởng còn góp phần nâng cao được văn hóa cho chính người thụ hưởng, góp phần vào việc xây dựng con người, gia đình, cộng đồng có văn hóa và phát triển đất nước. Hay nói cách khác, văn hóa, trong đó có văn hóa lễ hội phải trở thành “sức mạnh mềm” của dân tộc.

Trong thời đại hội nhập, dễ thấy lễ hội đã góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch. Nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào dịp Tết hoặc mùa xuân, tham gia lễ hội là để được thưởng thức, khám phá bản sắc văn hóa Việt Nam, phong cảnh Việt Nam. Điều này cho thấy, các lễ hội có sự đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng.

Trong thực tế, còn một số vấn đề thái quá khi tổ chức các lễ hội hiện nay. Một số nơi, một số lúc, sự quản lý còn thiếu chặt chẽ, chệch định hướng. Tại một số lễ hội còn coi trọng mục tiêu kinh tế, quên mục đích tôn vinh văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội. Một số lễ hội nặng hình thức, phô trương rùm beng, coi nhẹ nội dung giáo dục, văn hóa. Một số lễ hội có xu hướng “thương mại hóa” hoạt động, đến mức bị coi là phản văn hóa, gây phản cảm với du khách trong nước và nước ngoài.

Đấy là chưa nói một số tệ nạn xã hội “núp bóng”, “ăn theo” lễ hội như cờ bạc, móc túi, lừa đảo...

Vì vậy, làm sao để lễ hội góp phần xây dựng văn hóa, phát huy được những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và xã hội đang là vấn đề rất lớn. Để làm được điều này, không chỉ về tầm nhìn vĩ mô, được cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật... mà còn đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các cơ quan, ban, ngành về văn hóa, phát huy trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.

Nếu làm tốt công tác tổ chức lễ hội, chắc chắn sẽ góp phần xây dựng nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển.