Để ngành Đường sắt lấy lại vị thế xứng tầm

(PLVN) - Với nhiều triệu người dân Việt Nam, những chuyến tàu hỏa từng là một điều vô cùng gắn bó thân thuộc. Cỡ 10 năm trở về trước, khi đường hàng không còn chưa phát triển, hệ thống đường bộ chưa mở rộng nâng cấp, đường thủy quá chậm; thì tàu hỏa là phương tiện giao thông quan trọng, không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân, mà còn là loại hình chủ lực vận chuyển hàng hóa khắp các vùng miền.
Ảnh minh họa

Nhưng trong thế kỷ XXI, có những lĩnh vực nếu không luôn vận động phát triển, thì sẽ tụt hậu. Ngành Đường sắt đã có quãng thời gian hoạt động kinh doanh khó khăn chật vật, nhất là giai đoạn 2020 - 2022, TCty Đường sắt Việt Nam (VNR) giảm doanh thu và lợi nhuận âm liên tiếp.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của VNR tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết chủ động yêu cầu làm việc và tham dự Hội nghị của TCty. Một trong những lý do là ngành Đường sắt đã trải qua hơn 140 năm hình thành phát triển, nhưng sự phát triển vẫn chưa xứng tầm.

Thủ tướng nhận xét VNR đã trải qua nhiều mô hình quản lý, phát triển, nhưng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện để giải quyết “bài toán” không thua lỗ, bảo toàn phát triển về tài sản, nguồn tài chính, nguồn lực con người. VNR còn một số tồn tại, hạn chế như mức độ cơ giới hóa chưa cao, kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, đầu máy, toa xe hiện có chưa có khả năng đáp ứng nếu nâng cao tốc độ chạy tàu trên 100km/h…

Năm 2023, bản thân VNR cũng đã rất trăn trở, tìm tòi, tạo ra một số dấu ấn như khai thác hoạt động một số tuyến vận tải mới; ra mắt một số đoàn tàu chất lượng cao; cung cấp dịch vụ cho du khách ngay khi đến hoặc xuống ga có thể thuê xe máy đi tham quan; thực hiện dịch vụ tổ chức lễ cưới cho khách trên tàu hỏa.

VNR cũng phát động phong trào “Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến”; tích cực phối hợp các đơn vị du lịch cho ra mắt các sản phẩm du lịch mới. VNR cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường quảng bá, truyền thông, tương tác với khách hàng trên các nền tảng số; thử nghiệm mô hình bán vé tự động. Hiện VNR đang nghiên cứu giải pháp lập phần mềm dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng, đưa wifi lên tàu…

Những cố gắng đó đã đưa đến nhiều tiến bộ cho VNR trong năm 2023 với doanh thu hơn 8.500 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế 94,8 tỷ đồng), vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách. Người lao động trong ngành có thu nhập trung bình 9,5 triệu đồng/tháng. Nhưng những kết quả này, so với nguồn lực từ 22.000 người lao động, gần 300 nhà ga, 3.100km đường sắt, những nguồn lực đất đai, tiềm năng du lịch của cung đường sắt đẹp nhất thế giới… có thể đánh giá là vẫn chưa tương xứng.

Thủ tướng chỉ rõ, cũng ngần ấy tài sản, ngần ấy con người, nhưng với cách làm mới, tư duy mới, cơ cấu lại nguồn vốn, quản trị, con người, lãnh đạo... thì chất lượng, hiệu quả, ý thức con người có thay đổi, từ lỗ chuyển sang lãi. Thủ tướng nói: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân”. Chỉ đạo cô đọng, súc tích nêu trên của Thủ tướng là chiếc “chìa khóa” để ngành Đường sắt có thể vực dậy lấy lại vị thế; để VNR ngày càng có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Giao thông, của đất nước.

Đọc thêm