Doanh nghiệp cung cấp phần mềm phải tuân thủ pháp luật giao dịch điện tử?
Hiện nay, trong lĩnh vực vận tải đang có nhiều ý kiến trái chiều về hình thức kinh doanh của Grab và các hình thức tương tự. Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP chưa cho phép điều chỉnh loại hình kiểu Grab do miêu tả trong quy định không sát với tính chất loại hình kinh doanh của Grab, một mặt chưa đặt ra được cơ chế thích hợp cho mô hình mới này.
Khoản 4 Điều 16 Dự thảo phân biệt 2 trường hợp, với 2 cơ chế quản lý tương ứng. Thứ nhất là đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện hợp đồng điện tử. Ở đây, các chuyên gia VCCI chỉ ra bất cập về mặt bản chất, đơn vị “cung cấp phần mềm điện tử” là đơn vị làm phần mềm theo đặt hàng (ví dụ DN công nghệ thông tin) để cung cấp cho khách hàng (hãng taxi), còn các hãng taxi sử dụng phần mềm điện tử để ký hợp đồng vận chuyển với khách hàng có yêu cầu. Việc Nghị định về vận tải lại có quy định quản lý về DN và hoạt động công nghệ thông tin là không hợp lý.
Về cơ chế quản lý áp dụng, Dự thảo quy định đơn vị cung cấp phần mềm phải chấp hành quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và giao dịch liên quan. Tuy nhiên, đơn vị cung cấp phần mềm không phải là đơn vị sử dụng phần mềm, cũng không ký hợp đồng điện tử nào, nên việc yêu cầu DN cung cấp công nghệ phần mềm phải tuân thủ quy định pháp luật về giao dịch điện tử là không chuẩn xác.
Chưa điều chỉnh được loại hình kiểu Grab
Liên quan đến trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện hợp đồng điện tử trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa, hoặc quyết định giá cước vận tải. Đây là quy định được cho rằng để áp dụng cho trường hợp kinh doanh của Grab hoặc tương tự (sau đây gọi chung là Grab). VCCI cũng cho rằng quy định này chứa nhiều bất cập. Grab chỉ là đối tượng điều chỉnh, là đơn vị sử dụng phần mềm chứ không phải đơn vị cung cấp phần mềm.
Thứ hai, về việc “ký hợp đồng điện tử”, bản chất của việc sử dụng phần mềm của Grab là để kết nối các đơn vị vận chuyển với khách hàng có nhu cầu, môi giới và làm trung gian giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ vận chuyển. Grab không ký bất kỳ hợp đồng vận chuyển nào, cũng không phải là chủ thể trong hợp đồng vận chuyển. Hợp đồng điện tử trong trường hợp này được ký giữa bên vận chuyển với hành khách – trong hợp đồng này chỉ có ý chí thống nhất của bên vận chuyển và hành khách mà không có ý chí của Grab. Grab đưa ra gợi ý về giá, nêu thông tin về nhu cầu của khách và khả năng đáp ứng của các bên vận chuyển nhưng quyết định chấp nhận gợi ý của Grab không và có ký hợp đồng vận chuyển không hoàn toàn thuộc quyền tự do ý chí của bên vận chuyển và khách hàng.
Chính từ phân tích trên nên quy định liên quan đến việc “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển, quyết định giá cước vận tải” cũng chứa đựng bất cập. “Cần chú ý là về bản chất thì Grab không thể quyết định điều xe hay giá cước mà chỉ có thể kết nối, cung cấp thông tin hành khách cho bên vận chuyển, cả bên vận chuyển và hành khách đều có quyền quyết định chấp nhận hay không hợp đồng với các điều khoản mà Grab đề xuất. Ngoài ra, bên cung cấp dịch vụ vận chuyển không phải người lao động của Grab, không nhận lương thường xuyên từ Grab, cũng không chịu bất kỳ ràng buộc về việc phân/giao việc, do đó không chịu sự “điều hành” nào của Grab theo nghĩa này” – văn bản của VCCI chỉ rõ.
Do vậy, đại diện cộng đồng DN cho rằng, việc nhận diện chủ thể chịu quản lý như trong khoản 4 Điều 16 là không phù hợp, không gắn được với chủ thể đang cần quản lý (là Grab).
Nhận diện đúng để quản lý đúng
Theo dự kiến tại Điều 16 Dự thảo thì ngoài một số quy định bổ sung liên quan trực tiếp tới hợp đồng vận tải điện tử (các khoản 1-3), chưa có cơ chế nào mới hay riêng biệt nào được dự kiến cho Grab (khoản 4 Điều 16 dẫn chiếu tới cơ chế quản lý thông thường với taxi truyền thống).
Về mặt logic, pháp luật phải được điều chỉnh để thích ứng với những dạng thức mới phát sinh trong cuộc sống. Mặc dù có rất nhiều tranh cãi, tất cả đều đồng thuận quan điểm cho rằng Grab là hình thức kinh doanh mới, không giống với các hình thức kinh doanh đã có trước đây (về mối quan hệ giữa Grab - bên vận chuyển - hành khách). Do đó, việc áp đặt cơ chế quản lý cũ cho một hình thái kinh doanh mới là không hợp lý.
Về mặt tính chất, như đã đề cập ở mục trên, hình thức kinh doanh kiểu Grab xét một cách chặt chẽ thì là hình thức cung cấp dịch vụ môi giới mà ở đó Grab đóng vai trò là bên trung gian, môi giới để hai bên có nhu cầu biết và gặp nhau, đồng thời đề xuất, gợi ý nội dung cơ bản của hợp đồng để hai bên xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận.
Tuy nhiên, khác với các dịch vụ môi giới thông thường, Grab là dịch vụ môi giới sử dụng công nghệ có thể ảnh hưởng đến một số lượng lớn bên cung cấp dịch vụ vận chuyển và khách hàng (có thể là hàng trăm ngàn chủ thể), tức là có thể tác động tới một nhóm lợi ích đáng kể (ở mức có thể coi là lợi ích công cộng). Do đó, cần có biện pháp kiểm soát để giảm thiểu các tác động bất lợi mà hoạt động vận chuyển hành khách qua môi giới của Grab có nguy cơ gây ra, nhằm bảo đảm bên vận chuyển tuân thủ pháp luật, qua đó bảo đảm quyền lợi cho hành khách, bảo đảm lợi ích của hành khách trong trường hợp xảy ra tranh chấp với bên vận chuyển, bảo đảm lợi ích của bên vận chuyển, bảo đảm lợi ích của Nhà nước liên quan đến vấn đề thuế của dịch vụ kiểu Grab.
Ví dụ, Grab phải bảo đảm rằng tất cả các bên vận chuyển tham gia vào mạng lưới kết nối môi giới của Grab phải có Giấy phép kinh doanh vận tải, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật đối với người cung cấp dịch vụ vận tải, Grab có thể phải chịu trách nhiệm đại diện bên vận chuyển xử lý tranh chấp, bồi thường thiệt hại cho khách hàng (nếu có), Grab có thể phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định đối với bên vận chuyển tham gia mang lưới môi giới của mình để giảm thiểu nguy cơ nhóm này có thể thua thiệt trong thương lượng với Grab…
Từ các phân tích nêu trên, cộng đồng DN đề nghị nhận diện dịch vụ kinh doanh kiểu Grab theo đúng bản chất của dịch vụ là môi giới công nghệ trong lĩnh vực vận tải. Đồng thời, áp đặt các nghĩa vụ đối với dịch vụ kinh doanh kiểu Grab với tư cách bên môi giới dịch vụ nhằm mục tiêu bảo vệ các lợi ích công cộng có nguy cơ bị ảnh hưởng từ dịch vụ môi giới diện rộng của dịch vụ kinh doanh này.
“Chú ý rằng trong bối cảnh kinh tế chia sẻ (mà sắp tới là kinh tế nền tảng) và công nghệ 4.0, đã và sẽ xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới tương tự Grab (mà trước mắt AirBnB là một ví dụ điển hình). Do đó, từ góc độ chính sách, việc nhận diện đúng bản chất và xác định cơ chế quản lý tương ứng cho dịch vụ kinh doanh kiểu Grab là rất quan trọng và cần được thực hiện cẩn trọng nhằm bảo đảm sự thống nhất chung trong quản lý của Nhà nước đối với các hình thức kinh doanh tương tự Grab trong các lĩnh vực kinh tế khác” – VCCI nhấn mạnh.