Đề nghị xử lý hình sự công ty TNHH Romal nếu đủ yếu tố cấu thành

(PLO) - Đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết sẽ xem xét nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị xử lý hình sự đối với Công ty TNHH Romal Việt Nam.
Nhãn mác được dán đè lên các sản phẩm bếp điện có nguồn gốc từ TQ.
Nhãn mác được dán đè lên các sản phẩm bếp điện có nguồn gốc từ TQ.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa có công văn hỏa tốc gửi Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 289 các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh về việc kiểm tra hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Romal Việt Nam.
Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, việc đề ra công văn này căn cứ vào kết quả xác minh, kiểm tra, ban đầu của Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đối với vụ việc vi phạm của Công ty TNHH Romal Việt Nam tại địa chỉ 26/93/59 đường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng thiết bị nhà bếp xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, phát hiện một số dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc giả mạo xuất xứ hàng hóa từ Ý và Đức khi tiêu thụ trên thị trường.
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ vi phạm, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 289 các tỉnh, thành phố tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Thuế… phối hợp kiểm tra các cơ sở, văn phòng đại diện Công ty TNHH Romal Việt Nam trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với cơ quan Công an, thuế tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Romal Việt Nam.
Ngày 27/1, trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Trịnh Việt Dũng (Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, Văn phòng Thường trực Ban đã chỉ đạo phải tiến hành kiểm tra toàn quốc và làm rõ sai phạm. “Sẽ xem xét nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị xử lý hình sự. Còn nếu ở mức vi phạm hành chính thì sẽ tiến hành xử phạt hành chính” – ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại diện của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, sẽ thông tin thêm sau khi có báo cáo cụ thể từ Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 289 các tỉnh, thành phố.
Trước đó, như PLVN đã đưa tin, thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trước Tết Nguyên Đán 2015, đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thiết bị nhà bếp thuộc Công ty TNHH Romal Việt Nam có địa chỉ tại ngách 61/2 đường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Nà Nội.
Tại đây, tổ công tác đã phát hiện công ty đang kinh doanh mặt hàng thiết bị nhà bếp như: bếp điện từ, bếp hồng ngoại, lò vi sóng, máy hút mùi, lò nướng... Hàng nghìn sản phẩm trên đều được sản xuất từ Trung Quốc.
Trong quá trình kiểm tra, đội quản lý thị trường số 14 đã bắt quả tang và tạm giữ tại cơ sở hàng nghìn nhãn mác có ghi “made in Germany, made in Malaysia, made in Italy” và hàng trăm sản phẩm là bếp điện từ đã dán nhãn mác “made in Germany, made in Italy, made in Malaysia” ở bên ngoài nhằm gian lận thương hiệu.
Hàng nghìn nhãn mác có ghi "made in Germany, made in Malaysia, made in Italy" bị bắt giữ.
Hàng nghìn nhãn mác có ghi "made in Germany, made in Malaysia, made in Italy" bị bắt giữ. 
Trong đó, khá nhiều sản phẩm thuộc các lô hàng mà Công ty Romal mở tờ khai, nhập khẩu qua khu vực 3, cảng Hải Phòng vào ngày 15 và 16/1. Giám đốc công ty là Nguyễn Thị Ninh và chồng là Nguyễn Huy Thọ, người tham gia điều hành công ty (cùng trú tại xóm 2, Mễ Trì Hạ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị lực lượng Công an Hà Nội triệu tập, lấy lời khai từ ngày 22/1 đến nay.
Hai người này và 8 nhân viên dưới quyền đã thừa nhận suốt từ năm 2008 đến nay, Công ty Romal nhập khẩu hàng hóa từ Công ty thương mại - xuất nhập khẩu Zhongshan (Quảng Đông, Trung Quốc) về VN. Sau đó, sản phẩm bị tráo đổi nhãn hiệu để bán cho các siêu thị, trung tâm thương mại, các khu chung cư… với giá chênh lệch rất cao. Hồ sơ nhập khẩu hàng hóa của Công ty Romal cũng cho thấy họ đã nhập khẩu với số lượng lớn các mặt hàng tương tự với giá trị lên tới hàng trăm ngàn USD mỗi năm. Tuy nhiên, các hồ sơ thông quan lại kê khai giá trị tính thuế rất thấp. Đơn cử như 2 container nhập khẩu qua cảng Hải Phòng gần nhất chỉ kê khai trị giá tính thuế khoảng 150 triệu đồng.
Theo một cán bộ của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, bếp từ, bếp gas… đặt hàng từ một công ty bên Quảng Đông có giá từ 3 - 4 triệu đồng/chiếc và chỉ dán nhãn hàng sản xuất tại Trung Quốc rất sơ sài, chứ không in trực tiếp trên sản phẩm. Khi hàng về đến VN thì phần nhãn bị bóc ra và thay bằng nhãn của Ý, Đức… rồi bán lại với giá có khi lên đến 15 -16 triệu đồng/chiếc. Chủ số hàng trên thừa nhận nhãn mác giả của các nước châu Âu được đặt mua ngay tại Quảng Đông (Trung Quốc) để thay đổi xuất xứ, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Trong một diễn biến khác, Từ ngày 22 - 24/1, nhiều nhóm công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã đi các tỉnh, thành phố nơi có đại lý, cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH Romal để trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, thu giữ chứng cớ, lấy lời khai của các đối tượng liên quan.
Tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã thu giữ 85 sản phẩm đang được bày bán tại siêu thị dán nhãn mác nước ngoài. Tại TP.HCM, chủ cơ sở của Công ty TNHH Romal VN đã khóa kho, bỏ trốn. Cơ quan chức năng đã niêm phong kho hàng để tổ chức kiểm tra, khám xét.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.

Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...



Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư:baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm