Để người chưa thành niên phạm tội được làm lại cuộc đời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tòa án nhân dân tối cao đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Hiện dự án Luật đang tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.
Quang cảnh Hội nghị Phản biện Dự thảo Luật Tư pháp NCTN. (Ảnh trong bài: PV)
Quang cảnh Hội nghị Phản biện Dự thảo Luật Tư pháp NCTN. (Ảnh trong bài: PV)

Hoàn thiện pháp luật tư pháp

Vừa qua, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo. Dự án có 7 mục tiêu cơ bản hướng tới hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng...

Theo bà Hoàng Thị Song Mai, Tòa án nhân dân tối cao, bên cạnh 3 biện pháp giám sát giáo dục hiện nay, dự thảo Luật đã quy định 9 biện pháp xử lý chuyển hướng mới. Trong đó, biện pháp giám sát nghiêm khắc nhất là chuyển vào trường giáo dưỡng (do tòa án quyết định). Để tăng cường hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng trường hợp cụ thể dự thảo Luật cũng đề xuất 10 biện pháp ngăn chặn, giám sát, trong đó có biện pháp giám sát điện tử và giám sát tại nhà đối với người chưa thành niên.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, GS. TS Trần Ngọc Đường phát biểu tại hội nghị.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, GS. TS Trần Ngọc Đường phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, để các em có điều kiện học tập, rèn luyện, tái hoà nhập cộng đồng tốt hơn, Tòa án nhân dân tối cao cũng đề xuất cần có trại giam riêng cho đối tượng chưa thành niên phạm tội. Các thông tin phạm tội của người chưa thành niên phải bảo đảm tính bảo mật, đúng quy định. Thẩm phán xét xử cũng là những người có hiểu biết về tâm lý của tuổi thành niên. Những vụ án có người bị xâm hại ở tuổi chưa thành niên được xét xử kín, để bảo vệ bí mật cho người chưa thành niên. Cùng với đó, không áp dụng biện pháp dẫn giải với người phạm tội chưa thành niên... những thủ tục mang tính nguyên tắc. Tòa có thông tư riêng, thông tư liên tịch, nhiều văn bản xây dựng tố tụng thân thiết. Bên cạnh đó, xây dựng ngăn chặn, tăng cường để các em không phải theo các hình thức tạm giam, vụ án có người chưa thành niên phạm tội thì bắt buộc tách vụ án.

Dự luật cũng chỉ quy định hệ thống hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn, không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên (Điều 107-199). Về thi hành án, người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng (Điều 156), mở rộng cơ hội tái hòa nhập cộng đồng (Điều 166-171). Đồng thời dự thảo Luật quy định giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, GS. TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh, việc sớm hoàn thiện và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và mối quan hệ giữa Luật này với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự…

Và sự chung tay từ nhiều phía

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là một nội dung quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em tại Việt Nam. Theo ông Nam, về cơ cấu và nhân lực thì khoảng trống lớn nhất ở Việt Nam là đội ngũ những người làm công tác xã hội. Các quy định về nghề công tác xã hội ít nhiều còn lúng túng và không đồng bộ.

Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại Hội nghị.

Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại Hội nghị.

Theo ông Nam, công tác xã hội và nghề công tác xã hội ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành và phát triển, chủ yếu mới được quy định trong các nghị định và thông tư, chưa được quy định trong luật. Nhân lực công tác xã hội chưa phân bổ đều, đặc biệt ở cấp cơ sở, trên địa bàn dân cư thiếu chuyên nghiệp, nặng về quản lý nhà nước hoặc về từ thiện, trong khi người làm công tác xã hội về thực thi chính sách như kết nối, chuyển tuyến các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu xã hội của người dân…

Ông Nam cũng cho biết, hiện mạng lưới dịch vụ công tác xã hội đang thí điểm, chưa đáp ứng nhu cầu về trợ giúp xã hội của người dân nói chung và trẻ em nói riêng như tư vấn tâm lý, kết nối, chuyển tuyến dịch vụ… “Công tác xã hội thực sự rất quan trọng trong hoạt động tư pháp của người chưa thành niên. Do thiếu hụt nhân lực công tác xã hội nên việc phòng ngừa người chưa thành niên, trẻ em vi phạm pháp luật, phòng ngừa xâm hại, bóc lột sức lao động trẻ em, còn yếu kém”, ông Nam khẳng định.

Do đó ông Nam đề nghị, cần quy định chi tiết, rõ ràng về người làm công tác xã hội trong Luật Tư pháp người chưa thành niên; thống nhất với quy định về người làm công tác xã hội và làm công tác bảo vệ trẻ em trong Luật Trẻ em. Người làm công tác xã hội có vai trò bình đẳng tham gia vào quá trình ra quyết định tư pháp. Cần cân nhắc cơ chế phối hợp hoặc cơ chế biệt phái đối với người làm công tác xã hội. Và cần quy định mở rộng hơn, cán bộ các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ có chứng chỉ đào tạo công tác xã hội, có thể được tham gia giải quyết các vấn đề về bảo vệ trẻ em, tư pháp người chưa thành niên.

Còn theo GS.TS Trần Ngọc Đường, vai trò của của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên chỉ quy định trong vấn đề tái hòa nhập cộng đồng là chưa đủ. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên không chỉ có trách nhiệm trong giai đoạn cuối, là giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng của người chưa thành niên, mà còn có trách nhiệm chính trị như: giám sát việc tổ chức thực hiện, phản biện xã hội đối với dự án Luật này và các luật có liên quan. Đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện luật; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên khi bị xâm hại.

GS.TS Trần Ngọc Đường nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc tách vụ án hình sự nếu trong vụ án có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người từ đủ 18 tuổi trở lên. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề xuất, việc tách vụ án hình sự cần bảo đảm nguyên tắc có lợi cho người chưa thành niên và không làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án đã được quy định tại Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Cùng với đó, đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cũng cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa nói rõ việc bảo vệ quyền và nhân phẩm của người chưa thành niên. Do đó, việc khám xét người, xem xét dấu vết trên thân thể, trưng cầu giám định (Điều 139 và Điều 150) cần quan tâm đến vấn đề nhạy cảm giới, phân công người thực hiện khám xét có giới tính phù hợp với người chưa thành niên trong hoạt động này.

Ban soạn thảo dự Luật xác định mục tiêu hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội. Dự Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội thay thế biện pháp trừng phạt (Điều 36) như: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Hạn chế khung giờ đi lại; Quản thúc tại gia đình…

Đọc thêm