Để phụ nữ tự tin khẳng định mình: Cần thay đổi các định kiến từ xã hội

(PLVN) -  Bà Tống Khánh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW), khẳng định: “ Định kiến xã hội vẫn là rào cản lớn nhất đối với phụ nữ trong việc khẳng định vị trí của mình… Để phụ nữ tự tin khẳng định bản thân, cần thay đổi các định kiến từ xã hội”. Bà nhấn mạnh rằng việc tạo ra môi trường an toàn và tích cực, cùng với nâng cao nhận thức về quyền lợi và năng lực của phụ nữ, sẽ giúp họ phát huy tiềm năng và đóng góp tích cực cho xã hội .

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ tại Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, tạo điều kiện cho họ khẳng định vị trí trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ nữ gặp khó khăn do định kiến xã hội và thiếu sự hỗ trợ cần thiết để hòa nhập. Trong cuộc trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, bà Tống Khánh Linh đã chỉ ra những thách thức lớn mà phụ nữ đang phải đối mặt và những giải pháp CEPEW đang triển khai để hỗ trợ phụ nữ vượt qua những rào cản này.

Bà Tống Khánh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW).

Với vai trò là Phó Giám đốc của Cepew, bà có thể chia sẻ về những hoạt động nổi bật mà Trung tâm đã thực hiện để thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ Việt Nam không?

CEPEW được thành lập vào năm 1997 dưới sự bảo trợ của Hội Khuyến học Việt Nam và từ năm 2019 hoạt động dưới sự bảo trợ của Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam, với việc theo đuổi sứ mệnh thúc đẩy quyền phụ nữ và bình đẳng giới thực chất.

Trong hơn 20 năm hoạt động, CEPEW đã triển khai nhiều chương trình khác nhau nhằm xóa bỏ định kiến giới, nâng cao năng lực kinh tế và lãnh đạo của phụ nữ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, thúc đẩy quản trị có nhạy cảm giới, và tham gia điều phối một số tiến trình thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

CEPEW đã triển khai một số dự án điển hình như nâng cao năng lực kinh tế của phụ nữ nghèo, xoá mù chữ cho phụ nữ dân tộc thiểu số, giáo dục song ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số, tăng cường năng lực lãnh đạo của phụ nữ tiềm năng, xây dựng kỹ năng vận động bầu cử của nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, thúc đẩy phụ nữ tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, thúc đẩy phụ nữ tiếp cận thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên môi trường số. CEPEW cũng đại diện tiếng nói của phụ nữ ở một số diễn đàn trong nước và quốc tế.

Như có thể thấy, CEPEW tập trung rất nhiều vào mảng nâng cao năng lực để thúc đẩy sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Tất nhiên, bên cạnh lĩnh vực tập trung này, CEPEW cũng triển khai một số hoạt động khác để góp phần phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Thúc đẩy giáo dục song ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số ở Hà Giang.

Theo bà, hiện nay những thách thức lớn nhất mà phụ nữ Việt Nam phải đối mặt trong việc nâng cao vị thế và quyền lợi của mình là gì?

Thách thức lớn nhất là định kiến xã hội về giá trị và vai trò của mỗi giới. Nhiều người vẫn cho rằng phụ nữ lãnh đạo khó có gia đình hạnh phúc, với những ý kiến như “90% gia đình không ổn nếu phụ nữ làm lãnh đạo.” Thực tế, hạnh phúc gia đình phụ thuộc vào sự vun vén của tất cả thành viên, không chỉ riêng phụ nữ. Khi tất cả các thành viên trong gia đình đều hiểu nghĩa vụ sản sẻ của mình, phụ nữ sẽ có thời gian để đầu tư phát triển bản thân.

Bên cạnh đó, một thách thức lớn khác là yêu cầu về năng lực chuyên môn. Đối với một số ngành nghề được coi là phù hợp hơn với nam giới như khoa học và công nghệ, phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các cơ hội giáo dục và phát triển nghề nghiệp. Do vậy, để phụ nữ tự tin khẳng định bản thân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, cần có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, đồng thời bản thân phụ nữ chắc chắn cần nỗ lực rất nhiều để nâng cao năng lực chuyên môn ở những lĩnh vực này.

Vấn đề chính sách và pháp luật cũng là một thách thức. Việc lồng ghép giới trong chính sách không bắt buộc. Trong Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015, có quy định về việc bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Tuy nhiên, nhiều điều khoản đi kèm với điều kiện “nếu có” liên quan đến bình đẳng giới, dẫn đến tình trạng chính sách tuyên bố “không phân biệt giới tính” nhưng thiếu nghiên cứu về ảnh hưởng của giới.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực chuyển đổi số, mặc dù có chính sách khẳng định “không bỏ lại ai ở phía sau”, nhưng thực tế cho thấy phụ nữ vẫn là nạn nhân chính trong nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, với 90% nạn nhân là nữ (theo số liệu từ Bộ Công an). Và theo số liệu từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, 37% nhân sự ngành công nghệ thông tin là nữ, nhưng phần lớn chỉ làm ở các lĩnh vực hành chính, nhân sự hoặc kiểm thử.

Một điểm đáng lưu ý là việc lồng ghép giới trong xây dựng chính sách và pháp luật không bắt buộc trừ khi “chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới” đồng nghĩa với việc chính sách đã được phân loại là có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới hay không trước khi nghiên cứu. Việc phân loại tự động như vậy thường rất chủ quan, và vì chưa nghiên cứu, sự phân loại sẽ dẫn tới chỉ những chính sách trực tiếp rõ ràng liên quan đến phụ nữ trong các vấn đề truyền thống như gia đình, trẻ em, giáo dục, y tế, lao động mới được liệt kê vào “chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới”. Trong khi đó, những chính sách có tầm ảnh hưởng quốc gia như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, sẽ chưa được liệt kê vào “chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.”

Khi “vấn đề giới” của chính sách đã được định kiến ngay từ đầu như vậy, quá trình tham vấn chính sách cũng sẽ vô tình loại trừ các đối tượng đang bị ẩn đi vì thiếu số liệu. Ví dụ như vai trò của Hội Phụ nữ trong việc tham vấn, phản biện các chính sách liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Một câu hỏi đặt ra là việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có đang đưa vào những xu thế hiện đại như chuyển đổi số hay không. Ngoài ra, các chỉ tiêu đưa ra có thực sự mang lại bình đẳng giới hay không, và liệu chúng có củng cố các khuôn mẫu định kiến giới hay không. Ví dụ Chỉ tiêu 4 Mục tiêu 5 về giáo dục, đào tạo có nêu “Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.” Tất nhiên việc tăng số lượng nữ tiến sĩ là một điều đáng khích lệ, nhưng có lẽ Chiến lược cho giai đoạn tới cũng cần có sự điều chỉnh để thúc đẩy sự đa dạng hoá các lĩnh vực thực hiện nghiên cứu của các nữ tiến sĩ, khuyến khích thêm các nữ tiến sĩ ngành khoa học, công nghệ.

Dự án tên “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chuyển đổi số thông qua các hoạt động nghiên cứu, truyền thông, nâng cao nhận thức và năng lực” do Quỹ Canada dành cho sáng kiến địa phương tại Việt Nam tài trợ.

Cepew đã triển khai những chương trình hay sáng kiến cụ thể nào để hỗ trợ phụ nữ phát triển kỹ năng kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo và tự chủ về kinh tế?

Ngay từ những ngày đầu thành lập, CEPEW đã thực hiện các dự án tín dụng quy mô nhỏ, giúp phụ nữ nghèo lập kế hoạch kinh doanh và quản lý vốn vay, cùng với việc dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho phụ nữ nông thôn. Gần đây, tổ chức đã triển khai dự án xây dựng năng lực kinh doanh online cho phụ nữ khuyết tật đơn thân và dự án thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong chuyển đổi số, tập trung nâng cao năng lực số và kinh doanh trực tuyến.

CEPEW cũng thực hiện các nghiên cứu nhằm khuyến nghị chính sách, như nghiên cứu việc tiếp cận vốn vay ngân hàng thương mại của doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ trong đại dịch Covid-19. Kết quả cho thấy, do thiếu kỹ năng và thông tin, phụ nữ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay chính thức và nhiều người phải vay tín dụng đen để duy trì doanh nghiệp. Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng số chính sách nhạy cảm với giới còn hạn chế, khiến phụ nữ khó hưởng lợi.

Đối với việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới, đặc biệt trong các khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số, Cepew đã có những hoạt động gì thưa bà?

CEPEW đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới, đặc biệt trong các khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số. Một hoạt động quan trọng là trả lời phỏng vấn báo chí, giúp công chúng hiểu rõ hơn về các vấn đề giới và các giải pháp cần thiết để giải quyết nguyên nhân gốc rễ như xóa bỏ khuôn mẫu và định kiến giới, đồng thời ngăn chặn việc hình thành các khuôn mẫu, định kiến mới.

Ngoài ra, CEPEW tổ chức các khóa tập huấn về Luật Bình đẳng giới và Công ước CEDAW (Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ). Tổ chức cũng đào tạo thanh niên về chống phân biệt đối xử và thực hiện bình đẳng giới thực chất. Sau đó, CEPEW hỗ trợ tài chính cho những sáng kiến siêu nhỏ của thanh niên để lan tỏa những kiến thức này tại cả thành phố và nông thôn và các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Hằng năm, CEPEW rà soát việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin và phối hợp với các đối tác để tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao năng lực cho phụ nữ trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt ở Hà Nội, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La và Quảng Bình.

Tập huấn tiếp cận thông tin cho người dân ở Hà Giang.

Vậy, theo bà cần có những biện pháp gì để thúc đẩy bình đẳng giới trong hệ thống giáo dục từ sớm, đặc biệt là cho các bé gái ở vùng sâu, vùng xa?

Trong lĩnh vực giáo dục, vẫn còn nhiều thách thức tồn tại. Định kiến giới trong sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên vẫn diễn ra, đặc biệt ở bậc học thấp. Tỷ lệ nữ sinh bỏ học, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số, cao hơn nam sinh, và sự thiếu an toàn trong trường học cũng góp phần khiến nhiều nữ sinh rời bỏ việc học.

Do đó, cần có một chiến lược quốc gia huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các sáng kiến liên quan đến bình đẳng giới. Trong đó, các chương trình đào tạo về chuyển đổi số và khởi nghiệp cho các em gái ở vùng sâu, vùng xa là rất quan trọng. Chuyển đổi số sẽ giúp các em khởi nghiệp tại nhà, gìn giữ văn hóa địa phương và tạo ra sinh kế bền vững.

Trong bối cảnh hiện đại, bà có lời khuyên gì cho phụ nữ Việt Nam để họ có thể cân bằng giữa công việc, gia đình và sự nghiệp cá nhân, thưa bà?

Hiện nay, có nhiều mô hình gia đình khác nhau, từ gia đình độc thân đến gia đình hạt nhân hay mở rộng. Phụ nữ cũng có nhiều lựa chọn tùy thuộc vào hoàn cảnh, sở thích và năng lực cá nhân. Chúng ta không nên kỳ vọng mọi phụ nữ đều phải giỏi việc nước lẫn việc nhà; chỉ cần giỏi một trong hai hay giỏi cả hai hay giỏi trong nhiều lĩnh vực hơn nên là lựa chọn của mỗi người.

Chúng ta cần tôn trọng sự lựa chọn cá nhân và tránh phán xét dựa trên tiêu chí chung, vì điều này có thể tạo ra định kiến mới về vai trò và giá trị của phụ nữ. Chúng ta nên khuyến khích mọi người phát huy tiềm năng của mình mà không gây hại cho bản thân và người xung quanh.

Tôi nghĩ rằng quá trình tìm hiểu và xác định điểm cân bằng của chính mình cũng là một hành trình thú vị dành cho mỗi chúng ta. Mỗi cá nhân có những tiềm năng, thế mạnh riêng, nên rất khó để đưa ra một lời khuyên cho tất cả. Nếu có, tôi muốn chúc cho mỗi người phụ nữ đều đủ dũng cảm để tìm kiếm và sống đúng với điểm cân bằng của mình, và hãy sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết

Đọc thêm