Truyền thông Chính sách

Đề xuất áp dụng đấu giá trực tuyến với tài sản công

(PLVN) - Ngày 14/3, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Quang cảnh phiên họp cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. (Ảnh: Phạm Thắng)
Quang cảnh phiên họp cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. (Ảnh: Phạm Thắng)

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, về giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hiện nay, các văn bản pháp luật quy định tài sản đưa ra đấu giá đều có quy định về cơ quan có thẩm quyền xác định giá khởi điểm, cách thức, phương pháp xác định giá khởi điểm, giảm giá hay định giá lại trong trường hợp đấu giá không thành.

Về việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bỏ quy định này là cần thiết, nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng muốn hành nghề đấu giá đều phải qua khóa đào tạo nghề (kỹ năng, nghiệp vụ...), góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng hoạt động hành nghề của đội ngũ đấu giá viên.

Về việc mở rộng quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức và do cá nhân, tổ chức tự nguyện thỏa thuận bán thông qua đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin đề nghị tiếp thu và chỉnh lý tại điểm a, b khoản 11 Điều 1 của dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 24 của Luật hiện hành) theo hướng làm rõ hơn quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nhằm thúc đẩy việc đấu giá các tài sản do cá nhân, tổ chức tự nguyện thỏa thuận bán thông qua đấu giá, góp phần đưa hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế về đấu giá tài sản.

Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.

Về đấu giá trực tuyến và áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến đối với tài sản công, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu bổ sung Điều 43a tại dự thảo Luật về đấu giá trực tuyến trên cơ sở luật hóa các quy định về hình thức đấu giá trực tuyến phù hợp với thực tiễn; đồng thời, quy định đối với trường hợp đấu giá tài sản công được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý và vận hành nhằm một mặt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; mặt khác đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản. Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động đối với quy định đấu giá trực tuyến đối với tài sản công phải được thực hiện qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và lộ trình khả thi thực hiện việc đấu giá tài sản công bằng hình thức đấu giá trực tuyến…

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận cơ quan chủ trì thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan đã sửa đổi hoàn thiện Luật này khá toàn diện và công phu, tiếp thu được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục bám sát các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng Luật này, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để tiếp tục thể chế hóa đủ kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đấu giá tài sản.

Về Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên hoàn thiện khái niệm Cổng Đấu giá tài sản quốc gia trong dự thảo Luật, làm rõ yêu cầu quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm Bộ Tư pháp không chỉ xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia mà cần có quy định để đáp ứng yêu cầu về lưu trữ, bảo mật thông tin. Nghiên cứu để bổ sung dịch vụ công trực tuyến có thu phí có liên quan đến đấu giá tài sản thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp.

Về trình tự, thủ tục tham gia đấu giá tài sản nên tiếp tục rà soát để hoàn thiện các nội dung đảm bảo cho khả thi. Cùng với đó là phương án quy định đối với khoản tiền đặt trước; có quy định mang tính quy định khung để Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường đấu giá trực tuyến; nghiên cứu bổ sung quy định cho phép giảm giá khởi điểm của tài sản sau mỗi lần đấu giá không thành.

Nhấn mạnh dự án Luật có tính chuyên ngành sâu, nặng về kỹ thuật nhưng lại liên quan đến thủ tục hành chính, cải cách hành chính, quyền và lợi ích của các bên và liên quan đến nhiều dự án luật khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế cùng với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành tham gia góp ý thêm vào dự án Luật bảo đảm chất lượng cao hơn và giải quyết được những điểm nghẽn đã chỉ ra.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. (Ảnh: Nghĩa Đức)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. (Ảnh: Nghĩa Đức)

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cảm ơn Ủy ban Kinh tế đã chủ trì chỉnh lý dự thảo luật, đưa ra dự thảo luật đạt chất lượng tốt. Cơ bản đồng tình và tiếp thu với ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cũng như các Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu và chỉnh lý phù hợp.

Về đấu giá được thực hiện theo hình thức đấu giá trực tuyến, Bộ trưởng cho biết, sẽ hướng tới phương án xã hội hóa, xây dựng phần mềm đấu giá trực tuyến. Tuy nhiên tinh thần của cơ quan trình là không bắt buộc tất cả các hoạt động đấu giá đều phải tuân theo, mà tôn trọng quyền lực chọn của mỗi người theo cơ chế thị trường, dân sự. Hiện nay đã có một số đơn vị thực hiện đấu giá trực tuyến, việc áp đặt hành chính có thể dẫn đến không đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, cơ quan soạn thảo sẽ lưu ý, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này.

Đọc thêm